Với việc đưa vào hoạt động ba trạm ra-đa cảnh giới tầm xa Voronezh tại Krasnoyarsk, Altay và Orenburg trong cuối năm 2017, cùng với đó là sự hoàn thiện của các trạm ra-đa cảnh báo tên lửa tại nước Cộng hòa Komi và Belarus, nước Nga lần đầu tiên sẽ có hệ thống ra-đa cảnh báo sớm hoàn chỉnh, đảm bảo khả năng phát hiện sớm nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa trên phạm vi toàn cầu. Giới chức Bộ Quốc phòng Nga nhận định, các hệ thống ra-đa Voronezh mới kết hợp với hệ thống ra-đa dẫn bắn chỉ huy Don-2N triển khai tại gần Moscow sẽ tạo ra “lá chắn tên lửa” đặc biệt, có một không hai trên thế giới. Đây cũng là câu trả lời cho việc Mỹ triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

leftcenterrightdel
Tổ hợp ra-đa cảnh báo sớm Voronezh
leftcenterrightdel
Ra-đa phòng thủ tên lửa Don-2N, một thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur triển khai gần Moscow.

Hiện tại, Mỹ đã triển khai các thành phần của phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại Ba Lan và Romania. Một điểm đáng chú ý là hệ thống giếng phóng của các tổ hợp phòng thủ tên lửa trên hoàn toàn có thể cài đặt tên các dòng tên lửa hành trình có tầm bắn tới 2.000km. Ngoài ra, các tổ hợp phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ sẵn sàng hoạt động từ năm 2018 và tới năm 2020 có thể kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa ở Bắc Mỹ tạo ra “lá chắn tên lửa” của NATO có khả năng phủ toàn cầu. Phía Nga coi đây là mối nguy cơ lớn có ảnh hưởng tới cân bằng chiến lược và an ninh quốc gia.

leftcenterrightdel
Tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore. 

Liên quan tới vấn đề này, tại Diễn đàn kinh tế quốc tế tại Saint Peterburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẽ không ngồi yên trước việc Mỹ và đồng minh mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, đặc biệt là khi Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc.

“Ở Alaska và tiếp tới là tại Hàn Quốc, Mỹ đang triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa. Chúng tôi có thụ động để điều đó xảy ra ở khu vực giáp miền Tây nước Nga? Không! Tất nhiên là thế. Chúng tôi sẽ sớm có đối sách tương ứng với hành động của phía Mỹ….”, Tổng thống V. Putin tuyên bố.

leftcenterrightdel
Tổ hợp THAAD Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. 
leftcenterrightdel
Hệ thống ra-đa cảnh báo sớm Raytheon AN/FPS-132 của Mỹ. 

Trong phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ứng phó với các mối đe dọa với các loại vũ khí từ không gian của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định: “Chúng tôi không hề ngủ quên!”. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt liên quan tới an ninh quốc gia, các chi tiết liên quan tới việc ứng phó với mối nguy cơ từ hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí không gian của Mỹ không được ông S. Shoigu công bố.

Cùng với hệ thống cảnh giới mặt đất, cuối tháng 5-2017, Nga bắt đầu đưa vệ tinh cảnh báo sớm thế hệ mới đầu tiên thuộc chương trình Hệ thống vũ trụ hợp nhất vào hoạt động. Chiếc vệ tinh thứ 2 mang tên mã Kosmos-2518 được đưa lên quỹ đạo ngày 25-5 để kết hợp với vệ tinh Kosmos-2510 đã có mặt trên quỹ đạo từ cuối năm 2015. Theo chương trình Hệ thống vũ trụ hợp nhất, sẽ có 10 vệ tinh cảnh giới thế hệ mới được đưa lên quỹ đạo.

Nga coi các vệ tinh thuộc chương trình Hệ thống vũ trụ hợp nhất như một phần của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa quốc gia giúp giảm đáng kể thời gian phát hiện và giám sát các vụ phóng tên lửa từ các quốc gia thù địch. Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá với các điều kiện tối ưu nhất, Nga sẽ chỉ có khoảng 10 tới 15 giây để phát hiện và ra phương án ngăn chặn tên lửa đạn đạo của đối phương phóng tới.

leftcenterrightdel
Vệ tinh cảnh báo sớm trong thuộc chương trình Hệ thống vũ trụ hợp nhất của Nga.

Cùng với các thành phần phòng thủ tên lửa nói trên, Nga đang tham vọng phát triển các tổ hợp ra-đa cảnh báo sớm lắp đặt trên không gian có chức năng tương đương với các trạm ra-đa cỡ lớn trên mặt đất. Đây là điều mà phía Mỹ chưa thể thực hiện được. Những tổ hợp ra-đa vũ trụ mới sẽ có trọng lượng tới hàng chục tấn và tên lửa đẩy vệ tinh hạng nặng Energia sẽ giải quyết giúp đưa chúng lên quỹ đạo với khả năng mang các vật thể nặng tới 100 tấn lên quỹ đạo. Tuy nhiên, “điều an ủi” với phía Mỹ là với tình hình kinh tế Nga hiện tại, tham vọng trên sẽ chỉ trở thành hiện thực trong vài thập niên tới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)