Đoạn phim tài liệu cho thấy nhiều chi tiết chưa từng biết đến, từ việc vận chuyển quả bom cho tới đám mây hình nấm cao gần 10km.

Theo đó, Bom Tsar được vận chuyển bằng tàu hỏa tới căn cứ không quân Olenya gần Olenegorsk, bán đảo Kola, Tây Bắc Nga. Sau đó, quả bom được đưa lên xe tải chuyển tới địa điểm lắp đặt lên máy bay ném bom Tu-95V, phiên bản đặc biệt.

Bom Tsar Bomba hiện là quả bom hạt nhân lớn nhất thế giới từng được con người thử nghiệm cho tới thời điểm này. Ảnh: soha.vn.

Sau đó, quả bom có khối lượng 26,5 tấn được thả xuống mục tiêu định trước bên dưới cùng một chiếc dù để kéo dài thời gian cho máy bay bay xa khỏi vùng ảnh hưởng. Trong khoang lái, phi công cũng được trang bị kính mắt chống chói khi vụ nổ xảy ra. 

Vụ nổ được ghi lại bằng nhiều thiết bị, từ nhiều góc độ khác nhau. Bay cùng chiếc Tu-95V là một chiếc Tu-16 hai động cơ phản lực, vẫn được biết đến với cái tên là “phòng thí nghiệm bay”. Chiếc Tu-16 được trang bị nhiều camera, thiết bị đo đạc vô tuyến, máy nghiệm dao động để đo uy lực của vụ nổ, và thiết bị ghi áp lực để đo cường độ sóng xung kích.

Bom Tsar được thả xuống từ độ cao khoảng 10.500m và kích nổ ở độ cao 4.000m. Việc kích nổ ở trên không làm giảm đáng kể phóng xạ. Đây có thể đó là lý do khiến vụ thử bom Tsar được coi là “sạch nhất” trong các vụ thử hạt nhân. Bom Tsar cũng được gọi là “bom H sạch”.

Quá trình vận chuyển, lắp ráp lên máy bay và thả bom Tsar. Chỉnh sửa và chèn phụ đề tiếng Việt: HỮU DƯƠNG.

Vụ nổ đã tạo ra một quả cầu lửa có thể nhìn thấy từ khoảng cách 1.000km trong điều kiện thời tiết mây mù, kèm theo một tia chớp sáng lòa. Chỉ vài giây sau khi kích nổ, một cột khói bụi cuộn lên, cao gần 10km. Quả cầu lửa khổng lồ sau đó chầm chậm cuộn lên, đạt đường kính rộng gần 20km. 40 giây sau, quả cầu lửa đạt độ cao 30,5km trước khi đám mây hình nấm bắt đầu hình thành và vươn tới độ cao 64km, và đường kính 90km.

Vụ nổ để lại hậu quả là hàng chục km tính từ tâm chấn, mặt đất trở nên khô rang. Hầu hết băng tuyết ở khu vực đều tan chảy và những công trình xây dựng trước vụ nổ tại khu vực đều nát vụn. Theo tính toán, vụ nổ giải phóng năng lượng bằng 50 triệu tấn thuốc nổ TNT (50 megaton), tương đương 3.800 quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Bom Tsar Bomba hiện là quả bom hạt nhân lớn nhất thế giới từng được con người thử nghiệm cho tới thời điểm này.

Sau vụ nổ bom “Ivan”, Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần được các chính phủ Liên Xô, Anh, Mỹ ký kết vào năm 1963. Theo đó, tất cả các vụ thử hạt nhân đều phải tiến hành dưới lòng đất.

HỮU DƯƠNG (theo Росатом)