Trên cơ sở đó, mới đây, Tạp chí National Interest cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ có lực lượng hải quân hùng mạnh số 1 thế giới. Không một lực lượng hải quân nào có phạm vi hoạt động rộng lớn trên toàn cầu như Hải quân Mỹ,  hoạt động thường xuyên ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, vịnh Ba Tư và vùng Sừng châu Phi. Hải quân Mỹ hiện sở hữu 288 tàu chiến, với 1/3 số tàu luôn ở trạng thái sẵn sàng có thể triển khai bất cứ lúc nào, trong đó có 10 tàu sân bay, 9 tàu đổ bộ tấn công, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 tàu hộ vệ và 72 tàu ngầm các loại. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn sở hữu 3.700 máy bay, nhiều thứ hai thế giới. Với biên chế 432.000 người, Hải quân Mỹ cũng có quân số lớn nhất thế giới. “Điểm đáng chú ý nhất của Hải quân Mỹ là hạm đội 10 chiếc tàu sân bay-nhiều hơn tất cả số tàu sân bay của các nước khác trên thế giới cộng lại. Không chỉ nhiều hơn về số lượng, các tàu sân bay của Hải quân Mỹ cũng lớn hơn nhiều so với các nước khác. Hải quân Mỹ còn có nhiệm vụ răn đe hạt nhân chiến lược trên biển với 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio được  trang bị tổng cộng 336 tên lửa đạn đạo chiến lược mang đầu đạn hạt nhân Trident và 4 tàu ngầm lớp Ohio được trang bị 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk”, Tạp chí National Interest nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio USS Michigan của Hải quân Mỹ, cập cảng tại thành phố Bu-xan (Hàn Quốc), tháng 4-2017. Ảnh: Reuters
Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua Hải quân Nga khi đề cập tới những lực lượng hải quân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Tạp chí National Interest cho biết, Hải quân Nga hiện sở hữu 79 tàu hộ tống loại lớn, 1 tàu sân bay, 5 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục và 52 tàu ngầm. Giống như Liên Xô (trước đây), sức mạnh của Hải quân Nga chủ yếu dựa vào lực lượng tàu ngầm. Cụ thể, Nga có 15 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 16 tàu ngầm tấn công thông thường, 6 tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình và 9 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. “9 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thể hiện năng lực trả đũa hạt nhân có giá trị của Nga”, National Interest nhận định.

Trong khi đó, giống như hầu hết các lực lượng khác trong lực lượng vũ trang Hoàng gia Anh, hải quân nước này đã trải qua những đợt cắt giảm liên tiếp về quân số và trang thiết bị. Quân số thường trực của Hải quân Hoàng gia Anh chỉ có 33.400 người và dự bị là 2.600 người. Việc hai tàu sân bay lớp Invincible bị loại khỏi biên chế khiến sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh bị suy giảm đáng kể. Mặc dù vậy, “năng lực hạt nhân cũng như các kế hoạch biên chế thêm tàu sân bay trong tương lai đã đưa Hải quân Anh trở thành một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh hàng đầu thế giới”, Tạp chí National Interest cho biết. Hải quân Hoàng gia Anh hiện sở hữu 3 tàu đổ bộ cỡ lớn, 19 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 7 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Không quân Hải quân Hoàng gia Anh có 149 máy bay, chủ yếu là máy bay trực thăng.

Có một điều “bất thường”, theo như nhận xét của Tạp chí National Interest, là Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) chính là một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh hàng đầu thế giới. Về lý thuyết, MSDF không hẳn là lực lượng hải quân bởi Điều 9, Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản quy định, “lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì”. Tuy nhiên, National Interest cho biết, “ít ai để ý rằng Nhật Bản đã đầu tư xây dựng MSDF trở thành một trong những lực lượng hải quân lớn nhất, hiện đại nhất và chuyên nghiệp nhất thế giới”. MSDF có tổng cộng 114 tàu và 45.800 nhân viên. Nòng cốt của MSDF là hạm đội lớn gồm 46 tàu khu trục, nhiều hơn của Hải quân Anh và Pháp cộng lại. Đáng chú ý là hạm đội tàu ngầm gồm 16 chiếc của MSDF được đánh giá là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới. “Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản có tuổi đời trẻ khi độ tuổi “về hưu” trung bình thường là từ 18 đến 20 năm…Nhật Bản đã có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm lên 22 chiếc”, National Interest cho biết./.

HOÀNG VŨ