Liên Xô đã thiết kế máy bay ném bom chiến lược Tu-160 (NATO định danh là Blackjack) chủ yếu như một phương tiện để thực hiện cuộc tấn công hạt nhân trong Chiến tranh Thế giới thứ ba. Tu-160 được trang bị các loại tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân, nhưng vẫn giữ được khả năng thâm nhập ở mức độ thấp. Chính vì vậy, nó to và nhanh hơn nhiều so với máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B của Mỹ. Tu-160 có trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn, đạt tốc độ tối đa Mach 2.05, trong khi B-1B chỉ có trọng lượng cất cánh tối đa 216 tấn. Vũ khí chính của Tu-160 luôn là các tên lửa hành trình tầm xa như Kh-55MS và nó có thể mang được hàng chục tên lửa loại này. Trong thời gian tham chiến tại Syria, Nga còn trang bị cho Tu-160 tên lửa hành trình Kh-555, Kh-101, Kh-102. Trong thời gian tới, Nga hy vọng có thể bắt đầu sản xuất phiên bản nâng cấp của Tu-160 mang tên Tu-160M2, nhằm thay thế những máy bay lỗi thời như Tu-22M hay Tu-95 Bear. Phiên bản Tu-160M2 sẽ được sử dụng như một biện pháp tạm thời trước khi Nga nghiên cứu và phát triển xong máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới PAK DA.

leftcenterrightdel
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga . Nguồn: RIA Novosti 

Trong khi đó, phiên bản máy bay ném bom B-1A được phát triển vào những năm 1970 nhằm giáng đòn tấn công từ độ cao mà các phương tiện phòng không của đối phương không thể tiếp cận. Tuy nhiên, chương trình phát triển B-1A đã bị huỷ bỏ vào năm 1977 do Mỹ nhận thấy rằng, B-1A không thể sống sót được trước hệ thống phòng không mới nhất của Liên-xô vào thời điểm đó. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã cho phép phát triển máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2A Spirit. Đến thời Tổng thống Ronald Reagan, máy bay ném bom siêu thanh B-1 mới được hồi sinh với tên gọi mới là B-1B. Thay vì thâm nhập ở tầm cao, phiên bản B-1B được tối ưu hóa để thâm nhập ở tầm thấp bằng cách sử dụng tốc độ và các biện pháp gây nhiễu sóng radar của đối phương. Tuy nhiên, những sự biến đối mới ở cấu trúc thân khiến B-1B chỉ đạt được tốc độ tối đa Mach 1.25, chậm hơn nhiều so với mức Mach 2.0 của B-1A. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, B-1B đã được phi hạt nhân hoá và tập trung vào vai trò tấn công bằng vũ khí thông thường. Mỹ đã nâng cấp hệ thống radar và hiện đại hoá hệ thống kiểm soát hoả lực nhằm giúp B-1B sử dụng được nhiều loại bom chính xác hơn. B-1B hiện không còn khả năng chiến đấu trong khu vực được bố trí các hệ thống phòng không dày đặc, tuy nhiên, vẫn có thể phóng các loại tên lửa hành trình tầm xa như máy bay ném bom Tu-160 của Nga.

Cây bút Dave Majumdar của tạp chí The National Interest nhận định, trong tương lai máy bay ném bom Tu-160 của Nga và B-1B của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho không quân chiến lược một cách hiệu quả.

THÙY LINH (Theo The National Interest)