Kể từ cuối những năm 1990, hãng Dassault Aviation của Pháp đã quảng bá máy bay chiến đấu thế hệ 4+ mới nhất Rafale ra thị trường quốc tế. Trong những năm đầu, chiến đấu cơ này đã nhiều lần tham gia đấu thầu nước ngoài, nhưng chưa gặt hái được nhiều thành công. Tình hình chỉ thay đổi vào đầu thập kỷ gần đây, khi Dassault thường xuyên nhận các đơn đặt hàng mới.

Rafale là máy bay chiến đấu thế hệ 4+ của Pháp. Ảnh: Dassault Aviation

 

Cạnh tranh gay gắt

Đầu những năm 2000, máy bay Rafale đã vượt qua các bài kiểm tra, và tổ hợp công nghiệp bắt đầu bước vào quá trình sản xuất hàng loạt cho Không quân và Hải quân Pháp. Ngoài ra, việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài đã được triển khai. Lần đầu tiên tiêm kích thế hệ 4+ này tham gia đấu thầu nước ngoài. Song, kế hoạch sớm gặp nhiều khó khăn.

Khách hàng nước ngoài đầu tiên quan tâm đến Rafale là Không quân Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, họ đã lên kế hoạch thay thế phi đội máy bay chiến đấu của mình, và Dassault Aviation trở thành một trong những tập đoàn tham gia đấu thầu. Dựa trên những so sánh về công nghệ, Không quân Hàn Quốc sau đó đã chọn tiêm kích F-15K hiện đại hóa của Mỹ. 

Năm 2005, tập đoàn Dassault tiếp tục đưa máy bay chiến đấu Rafale tham gia vòng đấu thầu của Lực lượng vũ trang Singapore. Theo kết quả của giai đoạn đầu tiên, Rafale và F-15SG của Mỹ, phiên bản sửa đổi theo yêu cầu của khách hàng, đã lọt vào vòng chung kết. Sau đó, tiêm kích của Mỹ đã giành chiến thắng.

Năm 2007, các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin về kế hoạch không thành công các cuộc đàm phán bán máy bay Rafale cho Maroc. Nguyên nhân là các bên không thống nhất về các vấn đề tài chính và tổ chức. Không quân Maroc sau đó đã đặt mua các máy bay F-16C/D của Mỹ.

Vài tháng sau, tiêm kích Rafale tiếp tục lọt vào danh sách các bên tham gia vòng đấu thầu mới của Brazil. Cuối năm 2008, máy bay của Pháp đã trở thành 1 trong 3 sản phẩm được chọn vào chung kết và có mọi cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, nhiều thông tin khác nhau đã xuất hiện về các sản phẩm. Đồng thời, do nhiều vấn đề và sự chậm trễ khác nhau, năm 2013, người chiến thắng được công bố là máy bay JAS 39 E/F của Thụy Điển.

Song song với cuộc đấu thầu ở Brazil, nhà sản xuất máy bay của Pháp đã tham gia vào 2 chương trình tương tự khác. Theo đó, năm 2009, Rafale đã được chào bán cho Oman. Cuộc đấu thầu này kéo dài trong vài năm và kết thúc vào năm 2012 với chiến thắng thuộc về Eurofighter Typhoon. Cùng năm 2009, nhà sản xuất Pháp cũng quan tâm đến kế hoạch mua sắm của Không quân Kuwait. Việc đàm phán và ký kết hợp đồng đã được lên lịch trình, nhưng sau đó bị hoãn vô thời hạn. Năm 2015, Kuwait chính thức mua Typhoons.

Kể từ năm 2013, Dassault đã tham gia vòng đấu thầu thay thế máy bay chiến đấu CF-18 trong biên chế Không quân Canada. Khách hàng được đề nghị tổ chức sản xuất chung và bổ sung các điều kiện thuận lợi khác. Tuy nhiên, năm 2018, phía Pháp đã rút Rafale khỏi cuộc thi. Quyết định này là do các yêu cầu quá nghiêm ngặt của khách hàng, và phía Pháp không thể đáp ứng được.

Thất bại gần đây nhất của Rafale là vào năm 2017-2018. Tiêm kích của Pháp đã tham gia cuộc đấu thầu của Bỉ và được coi là một trong những dòng máy bay được yêu thích nhất. Tuy nhiên, cuối năm 2018, Không quân Bỉ đã quyết định mua máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ, do các đặc tính kỹ chiến thuật và khả năng tác chiến cao hơn.

Kỷ nguyên thành công

Năm 2007, Ấn Độ đã tổ chức cuộc thi dành cho máy bay chiến đấu đa năng hạng trung. Sau nhiều năm đánh giá, năm 2012, tiêm kích Rafale của Pháp đã trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu thầu này. Đây là chiến thắng đầu tiên của hãng Dassault trong cuộc cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

Theo đó, một hợp đồng cung cấp 126 máy bay dự kiến sẽ được ký kết, và các điều khoản của thỏa thuận đó đã được thảo luận. Trong năm 2016 đã có một thỏa thuận chắc chắn về việc cung cấp 36 máy bay. Chiếc Rafale đầu tiên đã đến Ấn Độ vào năm 2019, và cho đến nay đơn đặt hàng đã được hoàn thành khoảng 1/3.

Trong bối cảnh đó, kể từ năm 2011, Pháp đã có nhiều cuộc đàm phán thành công với Qatar. Quốc gia này công bố về khả năng mua 72 máy bay Rafale, nhưng sau đó số lượng của hợp đồng đã giảm xuống còn 24 chiếc. Thỏa thuận được ký vào tháng 5-2015, đến năm 2019 khách hàng đã nhận được chiếc máy bay đầu tiên.

Tiêm kích Rafale trong biên chế Không quân Ai Cập. Ảnh: Dassault Aviation 
 

Ai Cập cũng thực sự trở thành khách hàng nước ngoài tiếp theo của Rafale. Năm 2014, quốc gia này đã khởi xướng các cuộc đàm phán với nhà sản xuất Pháp. Đến đầu năm 2015, một thỏa thuận mua bán đã xuất hiện. Giữa năm đó, chiếc Rafale đầu tiên trong tổng số 24 máy bay đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng. Năm 2016, Ai Cập đã quyết định thực hiện tùy chọn mới đối với 12 máy bay Rafale. Tháng 5-2021, họ đã đặt hàng thêm 30 máy bay.

Năm ngoái, Pháp đã đàm phán với Hy Lạp về việc bán 18 máy bay Rafale cải tiến. Đầu năm 2021, phía Hy Lạp đã thông qua kế hoạch mua sắm, và hợp đồng đã được thực hiện. Theo các điều khoản chung, phía Pháp sẽ chuyển giao 12 chiếc Rafale cải tiến và đóng mới 6 chiếc. Chiếc đầu tiên trong số đó đã được bàn giao vào tháng 6 vừa qua. Ngay sau đó đã xuất hiện thêm một thỏa thuận mua bổ sung 6 chiếc Rafale khác. Việc ký kết hợp đồng đã được hoàn thành vào tháng 9-2021.

Triển vọng tương lai

Hiện tại, Dassault đang tham gia vào một số chương trình đấu thầu nước ngoài. Theo đó, hãng này tuyên bố tham gia các hợp đồng của Lực lượng Không quân Tây Ban Nha, Phần Lan và Thụy Sĩ. Kết quả vẫn chưa được xác định, nhưng máy bay Pháp vẫn có cơ hội chiến thắng. Đồng thời, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ công nghệ nước ngoài. Trong đó đứng đầu là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.

Triển vọng cung cấp hợp đồng cho UAE là rất khả thi. Trước đó, quốc gia này đã bay thử nghiệm Rafale và tỏ ra hài lòng. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành và việc ký kết hợp đồng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vào đầu năm ngoái, Indonesia đã thể hiện sự quan tâm đến máy bay Pháp. Tháng 6 năm nay, Pháp đã nhận được đề nghị mua 36 máy bay chiến đấu, có kèm vũ khí. Cuối năm 2021, dự kiến sẽ có một thỏa thuận mua bán giữa Pháp-Croatia đối với 12 chiếc Rafale đã qua sử dụng.

Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Dassault Aviation 

Xem xét tiến độ và kết quả đấu thầu nước ngoài của máy bay chiến đấu Rafale trong vài năm qua, các chuyên gia cho rằng, quá trình thành công của hãng Dassault dựa trên các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, chính trị và một số vấn đề khác.

Ngay sau khi tham gia thị trường, Rafale phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của Mỹ, nhất là trong cuộc đấu thầu ở Hàn Quốc và Singapore. Hãng của Pháp rất khó để cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ, cả vì lý do kỹ thuật và khả năng vận động hành lang.

Đồng thời, máy bay Pháp có chi phí cao, các đặc điểm được khai báo không phải lúc nào cũng tương ứng với đặc điểm thực. Ngoài ra, khách hàng cũng lo lắng về quá trình phát triển và thử nghiệm kéo dài, cũng như tốc độ sản xuất và giao hàng.

Tuy vậy, Pháp và Dassault Aviation đã giải quyết được các vấn đề chính. Một số dự án hiện đại hóa đã được phát triển liên tiếp; các bản sửa đổi tiếp theo được đưa vào sản xuất trong tương lai rất gần. Do nhất quán đổi mới nên đã tháo gỡ được hầu hết các thiếu sót. Ngoài ra, các máy bay Pháp đã chứng tỏ được khả năng trong hoạt động thực chiến.

Trong những năm gần đây, phía Pháp đã sử dụng một cách tiếp cận linh hoạt trong việc ký kết các điều khoản hợp đồng, và đạt được một số lợi thế. Khách hàng có thể chọn thành phần của thiết bị và vũ khí trang bị cho máy bay đã mua. Trong một số cuộc đấu thầu, hoạt động tổ chức sản xuất thiết bị tại quốc gia mua sắm đã được đề xuất.

Nhìn chung, trước một số thất bại trên thị trường vũ khí quốc tế, hãng Dassault và một số cơ quan chính phủ Pháp đã thực hiện các biện pháp thay đổi. Nhờ vậy, tình hình đã dần được cải thiện, và trong 8 - 10 năm trở lại đây, Rafale thường xuyên thắng thầu ở nước ngoài và trở thành đối tượng được quan tâm cho các bản hợp đồng mới. Nhiều hợp đồng triển vọng khác được chờ đợi trong tương lai gần.

MINH TUẤN (Theo Topwar)