Không quân Mỹ mới đây đã trao cho Hãng chế tạo Boeing hợp đồng trị giá lên tới 1 tỉ USD nhằm thực hiện thay thế bộ cánh mới cho 27 máy bay chiến đấu A-10 Thunderbolt II, với điều khoản tiếp tục đặt mua tiếp 85 bộ cánh khác trong tương lai.
Trước đó vài tuần, Boeing cũng vừa thông báo họ đã hoàn tất công tác lắp đặt 173 bộ cánh mới cho các máy bay A-10 trong khuôn khổ hợp đồng được ký kết từ năm 2011. Như vậy, nếu điều khoản bổ sung của hợp đồng mới giữa Không quân Mỹ và Boeing được kích hoạt, toàn bộ hạm đội máy bay A-10 Thunderbolt II sẽ được gia tăng tuổi thọ và tiếp tục hoạt động trong biên chế.
 |
Máy bay chiến đấu A-10 Thunderbolt II. Nguồn: Getty Images. |
Dự kiến, việc thay cánh máy bay cho toàn bộ hạm đội A-10 sẽ hoàn tất vào năm 2030. Theo đó, chiến đấu cơ có biệt danh “Lợn rừng” này có thể bay thêm hơn 10.000 tiếng đồng hồ nữa.
A-10 Thunderbolt II, hay còn có tên gọi khác là A-10 Warthog, là máy bay chiến đấu đầu tiên của Không quân Mỹ được chế tạo nhằm thực hiện nhiệm vụ chính yếu là yểm trợ cận chiến mặt đất. Bắt đầu hoạt động trong biên chế từ năm 1977, A-10 đã chứng minh khả năng chiến đấu ấn tượng qua nhiều chiến dịch lớn nhỏ của Không quân Mỹ.
A-10 Thunderbolt II nổi tiếng với khẩu pháo 30mm 7 nòng GAU-8/A được lắp đặt trên thân máy bay. Ngoài ra, máy bay còn có thể mang theo bom, rocket hay tên lửa dẫn đường tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
Không quân Mỹ đã nhiều lần trong quá khứ bày tỏ ý định thay thế A-10 với hạm đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A Lightning II tân tiến hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cũng như nghị sĩ trong Nghị viện Mỹ cho rằng, F-35A vẫn chưa được trang bị hệ thống vũ khí phù hợp, khả năng bay để yểm trợ cận chiến mặt đất chưa thể sánh bằng A-10. Hơn nữa, chi phí hoạt động cũng là vấn đề cần cân nhắc: trong khi F-35 tiêu tốn xấp xỉ 44.000 USD cho mỗi giờ bay, việc triển khai chiếc A-10 chỉ cần chưa tới 20.000 USD/giờ.
NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC (theo Flight Global, Popular Mechanics)