Theo Euronews, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên EU tại Brussels (Bỉ), ông Josep Borrell cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine đang đặt ra các thách thức an ninh và quốc phòng cho châu Âu. Một số quốc gia thành viên sau khi cung cấp vũ khí cho Ukraine đã bị suy giảm năng lực quốc phòng, để lộ những điểm yếu và sự thiếu hụt trong kho vũ khí, đặc biệt là đạn dược, pháo hay tên lửa.
Vì vậy, 27 nước thành viên EU đã nhất trí từ nay đến năm 2025 sẽ tăng thêm 70 tỷ euro để lấp đầy các khoảng trống quốc phòng hiện nay.
 |
Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại. Ảnh: The Telegraph
|
Quan chức cấp cao EU cũng cho biết, mục đích của gói ngân sách bổ sung này là bù vào khoản cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính trước đây. Ông Borrell nêu rõ: “Đây là kế hoạch phục hồi sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính và kế hoạch này nhằm bảo đảm các LLVT của chúng ta thực sự có đủ khả năng sẵn sàng đối mặt với những thách thức”.
Theo ông, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch mua vũ khí chung trên toàn EU, tương tự như mô hình được sử dụng để mua vaccine trong thời đại dịch. “Điều quan trọng là cùng nhau hành động để tránh phân chia thị trường, tránh cạnh tranh. Chúng ta phải tránh những gì từng xảy ra với việc mua vaccine. Phối hợp cùng nhau, chúng ta sẽ có được mức giá tốt hơn, chất lượng tốt hơn và thời hạn tốt hơn”, ông Josep Borrell nói.
Từ trước tới nay, các quyết định mua sắm quốc phòng ở châu Âu phần lớn được đưa ra ở cấp quốc gia, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi nước. Những năm gần đây, EU tỏ rõ quyết tâm hướng đến một nền quốc phòng chung nhưng đến nay vẫn chưa có một khuôn khổ chính thức cho việc mua chung vũ khí.
Trước đó, báo cáo thường niên của Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) đã xác nhận chi tiêu quốc phòng năm 2021 của EU tăng đáng kể lên mức 214 tỷ euro (tăng 6% so với năm 2020) và được dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng này trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tình trạng sụt giảm trong khoản chi tiêu chung của các quốc gia thành viên EU. Cơ quan này cho biết, chỉ 18% các khoản đầu tư vào quốc phòng có liên quan đến hợp tác chung giữa các nước châu Âu.
Hợp tác và tăng cường chi tiêu quốc phòng được coi là hai trụ cột để bảo đảm rằng châu Âu có một hệ thống phòng thủ chung và các lực lượng có khả năng ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Thế nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia EU lại chuộng mua vũ khí và thiết bị riêng lẻ từ các nhà cung cấp ngoài biên giới châu Âu hơn là đầu tư tiền vào các dự án chung vốn được coi là tốn thời gian và phức tạp hơn.
Hệ quả là EU đang thiếu các dự án hợp tác mua sắm vũ khí chung, đặc biệt là máy bay vận tải quân sự, tàu sân bay, tàu tiếp dầu và hệ thống phòng không tiên tiến, nhằm tạo ra lực lượng đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng của các nước thành viên EU cũng còn rời rạc và thiếu hợp tác.
Để giải quyết những thách thức an ninh hiện nay, điều quan trọng đối với EU là sự gắn kết giữa 27 quốc gia thành viên nhằm chấm dứt cuộc chạy đua đơn lẻ trên thị trường mua bán vũ khí, vốn được cho là nguyên nhân làm suy yếu những nỗ lực cải thiện lĩnh vực quốc phòng của khối. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sẽ mất nhiều năm để tất cả các nước thành viên EU có thể thống nhất về những hợp đồng mua chung vũ khí có giá trị lớn do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính trị, kỹ thuật hay lợi ích đối với nền công nghiệp quốc phòng của mỗi quốc gia.
HÀ LAN