* UAV Lancet XXL của Nga có tầm hoạt động lên tới 200km?

Các báo cáo từ các quan sát viên Nga cho biết quân đội Nga đã triển khai một phiên bản nâng cấp của máy bay không người lái (UAV) cảm tử (đạn tuần kích) Lancet, được gọi là Lancet XXL, với tầm hoạt động được cải thiện đáng kể lên tới 200km và đầu đạn có sức nổ tương đương 20kg thuốc nổ TNT.

Tuy nhiên, những thông tin này mới vẫn chưa được xác nhận bởi nhà sản xuất UAV, Tập đoàn ZALA Aero, hay Bộ Quốc phòng Nga.

 Lancet là dòng UAV cảm tử do Tập đoàn ZALA Aero – công ty con của Tập đoàn Kalashnikov, phát triển. Ảnh: ZALA Aero

Những cải tiến được cho là có trong Lancet XXL, bao gồm tích hợp trí tuệ nhân tạo để lựa chọn mục tiêu tự động, đây được xem là một bước tiến tiềm năng trong năng lực tác chiến bằng thiết bị bay không người lái của Nga. Nếu được xác thực, sự phát triển này có thể làm thay đổi cục diện chiến trường, đặc biệt là trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, nơi mà đạn tuần kích đang trở thành công cụ quan trọng cho các cuộc tấn công chính xác.

Dòng UAV Lancet, do Tập đoàn ZALA Aero – công ty con của Tập đoàn Kalashnikov, phát triển, đã trở thành trụ cột trong các chiến dịch quân sự của Nga kể từ khi được giới thiệu vào tháng 6-2019 tại Triển lãm kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2019 ở Moscow.

Lancet-3 nguyên bản, phiên bản nổi bật nhất trong dòng UAV này, được thiết kế để bay lảng vảng trên khu vực mục tiêu, xác định các mục tiêu có giá trị cao và tấn công chính xác, thường nhắm vào pháo binh, xe bọc thép và hệ thống phòng không. Với tầm bắn tối đa 40-50km và đầu đạn nặng tới 5kg, Lancet-3 đã được sử dụng rộng rãi tại Ukraine từ năm 2022.

Các quan sát viên Nga cho rằng mẫu UAV Lancet XXL có kích thước gấp đôi Lancet-3, mang đầu đạn mạnh gấp 4 lần và có phạm vi tấn công lên tới 200km, cho phép UAV tấn công các mục tiêu vượt xa tuyến đầu, có khả năng đe dọa các vị trí hậu cần như sở chỉ huy hoặc trung tâm tiếp vận.

Việc tích hợp hệ thống lựa chọn mục tiêu bằng AI cho thấy xu hướng đến khả năng tác chiến tự động cao hơn. Tính năng này sẽ cho phép UAV tự động xác định và tiêu diệt mục tiêu mà không cần điều khiển liên tục từ người vận hành, giúp giảm thiểu nguy cơ bị gây nhiễu điện tử.

* Ba Lan đàm phán mua hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ

Ba Lan đang tiến hành các cuộc đàm phán quan trọng với Mỹ để mua hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS nhằm tăng cường năng lực pháo binh tầm xa của nước này.

M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực do Lockheed Martin sản xuất, được thiết kế để triển khai nhanh và thực hiện các cuộc tấn công chính xác. Ảnh: X.com

Các cuộc đàm phán cũng đang xem xét khả năng sản xuất đạn pháo phản lực ngay tại các cơ sở do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Ba Lan (PGZ) vận hành. Nếu đạt được thỏa thuận, thương vụ này có thể tái cấu trúc toàn diện lực lượng pháo binh của Ba Lan, với thời điểm giao hàng dự kiến bắt đầu từ năm 2026.

M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực do Lockheed Martin sản xuất, được thiết kế để triển khai nhanh và thực hiện các cuộc tấn công chính xác. Được gắn trên khung gầm xe chiến thuật hạng trung Oshkosh M1140 (FMTV) 6 bánh, hệ thống này nặng khoảng hơn 10 tấn, có thể đạt tốc độ di chuyển lên đến 85km/giờ với tầm hoạt động 480km.

Thiết kế nhỏ gọn giúp HIMARS có thể được vận chuyển bằng máy bay C-130 Hercules, C-5 Galaxy và C-17 Globemaster, phù hợp cho các hoạt động triển khai viễn chinh. HIMARS có thể mang theo hộp phóng chứa 6 đạn rocket phóng loạt hoặc một tên lửa đạn đạo ATACMS, mang lại tính linh hoạt cao cho nhiều loại nhiệm vụ. Khả năng “bắn rồi di chuyển” giúp hệ thống có thể khai hỏa và rút khỏi vị trí trong vài phút, giảm tối đa nguy cơ bị phản pháo.

Trong chương trình Homar-A của Ba Lan, bệ phóng HIMARS dự kiến sẽ được tích hợp lên khung gầm xe tải 6×6 Jelcz do trong nước sản xuất, kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực TOPAZ của Ba Lan nhằm đảm bảo tương thích với các cấu trúc chỉ huy quốc gia.

* Rauma hạ thủy tàu hộ vệ đa năng đầu tiên cho Hải quân Phần Lan

Mới đây, tàu hộ vệ đa năng mới đầu tiên của Hải quân Phần Lan đã chính thức được hạ thủy. Con tàu đang được đóng bởi công ty Rauma Marine Constructions (RMC), với Saab đảm nhận vai trò nhà thầu phụ chính, phụ trách hệ thống tác chiến cũng như nhiều cảm biến và hệ thống phụ trợ liên quan.

 Rauma hạ thủy tàu hộ vệ đa năng đầu tiên cho Hải quân Phần Lan. Ảnh: Rauma

Chuẩn Đô đốc Tuomas Tiilikainen, Tư lệnh Hải quân Phần Lan, cho biết cả 4 tàu hộ vệ sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2027 đến 2029. Những con tàu này sẽ là nòng cốt của sức mạnh tấn công hải quân, phục vụ nhiệm vụ phòng thủ quốc gia lẫn phòng thủ tập thể trong khuôn khổ liên minh trong nhiều thập kỷ tới.

So với lực lượng hiện tại, với 8 tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ, các tàu hộ vệ mới không chỉ được trang bị vũ khí hiện đại hơn và năng lực phòng không, chống ngầm vượt trội, mà còn mang lại bước tiến lớn về khả năng hoạt động lâu dài trên biển, bất kể điều kiện thời tiết.

Tính đa nhiệm của tàu không những cho phép thực hiện các nhiệm vụ truyền thống như tác chiến mặt nước, bảo vệ tàu thương mại, phòng không và chống ngầm, mà còn bao gồm nhiệm vụ tác chiến bằng thủy lôi, vốn là một thế mạnh truyền thống của Hải quân Phần Lan.

QUỲNH OANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.