* Nga trình làng đội hình tiêm kích hùng hậu tại LIMA 2025
Mới đây, tại Triển lãm Hàng hải và Hàng không quốc tế Langkawi lần thứ 17 (LIMA 2025) diễn ra ở Malaysia, Nga đã đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng sau 6 năm vắng bóng, với đội hình máy bay chiến đấu hùng hậu, dẫn đầu bởi Sukhoi Su-35S và Su-57E.
Sự tham gia của Nga cho thấy rõ ý định của Moscow trong việc giành lại chỗ đứng trên thị trường quốc phòng đầy cạnh tranh này, đồng thời đối phó với những căng thẳng địa chính trị và các hạn chế kinh tế.
 |
Hiện tại, Su-57 của Nga được đánh giá là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới chứng minh được hiệu quả trong việc chống lại các hệ thống phòng không hiện đại trong điều kiện thực chiến. Ảnh: RIA Novosti
|
Su-35S được xem là đỉnh cao công nghệ thế hệ 4++ của Nga, được trang bị hai động cơ Saturn AL-41F1S với vòi phun điều hướng lực đẩy. Máy bay sử dụng radar mảng pha quét điện tử Irbis-E, có phạm vi phát hiện mục tiêu trên không lên tới 400km và khả năng theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu.
Vũ khí của Su-35S gồm tên lửa không đối không R-77 với tầm bắn hơn 100km và tên lửa không đối đất Kh-31, có khả năng đạt tốc độ Mach 3,5 (gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh). Hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến gồm thiết bị gây nhiễu và mồi bẫy hồng ngoại, giúp tăng khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không hiện đại.
Bên cạnh Su-35S, gian hàng của Nga còn trưng bày các mô hình Su-57E - phiên bản xuất khẩu của tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm và Su-75, một nền tảng hạng nhẹ, tiết kiệm chi phí đang trong quá trình phát triển.
Su-57E được thiết kế để cạnh tranh với Lockheed Martin F-35 và F-22, tích hợp các đặc tính tàng hình như lớp phủ hấp thụ sóng radar và khoang vũ khí bên trong để tránh phản xạ tín hiệu radar, giúp tăng khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu hiện đại. Radar Byelka của máy bay sử dụng công nghệ mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), cung cấp khả năng bao phủ 360 độ và có thể theo dõi đồng thời tới 60 mục tiêu. Su-57E có thể mang theo các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, đạt tốc độ Mach 10 và có tầm bắn lên tới 2.000km.
Su-75, từng được công bố dưới dạng mô hình tại Triển lãm MAKS 2021, là sản phẩm thể hiện nỗ lực của Nga trong việc chiếm lĩnh thị trường máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 phân khúc giá rẻ. Với thiết kế mô-đun, Su-75 hướng đến việc cung cấp khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hàng không hiện đại, với chi phí thấp hơn so với các mẫu phương Tây. Máy bay có vai trò dự kiến là tiêm kích đa năng, có thể thực hiện cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mặt đất.
* Hải quân Philippines biên chế tàu hộ vệ tên lửa mới
Trang Army Recognition đưa tin, tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường BRP Miguel Malvar (FFG-06) đã chính thức được đưa vào biên chế của Hải quân Philippines. Việc đưa vào hoạt động chiến hạm hiện đại này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến và thế trận chiến lược của lực lượng Hải quân Philippines.
 |
Hải quân Philippines chính thức đưa vào biên chế tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường BRP Miguel Malvar (FFG-06) trong lễ kỷ niệm 127 năm thành lập lực lượng tại Căn cứ hải quân Subic. Ảnh: X
|
BRP Miguel Malvar là tàu hộ vệ tên lửa hiện đại và là chiến hạm đầu tiên thuộc lớp Miguel Malvar mới được giới thiệu, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn hàng hải, phòng thủ lãnh thổ, tác chiến phòng không, tác chiến mặt biển và chống ngầm.
Tàu do công ty HD Hyundai Heavy Industries (HD HHI) của Hàn Quốc chế tạo, dựa trên nền tảng HDC-3100, một phiên bản cải tiến từ tàu hộ vệ HDF-2600 thuộc lớp Jose Rizal. Thiết kế của tàu nhấn mạnh đến khả năng tàng hình, tiết diện phản xạ radar thấp và khả năng sống sót trong môi trường tác chiến nguy hiểm. Đây là chiến hạm mặt nước hiện đại nhất hiện có trong biên chế Hải quân Philippines.
Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn, chiều dài 118,4m, chiều rộng 14,9m, sử dụng hệ thống động lực CODAD, cho phép đạt tốc độ tối đa 46,3km/giờ và tầm hoạt động 8.334km. Vũ khí được trang bị trên tàu gồm 16 ống phóng thẳng đứng VLS trang bị tên lửa phòng không VL MICA; 8 tên lửa hành trình chống hạm LIGNex1 SSM-710K C-Star (bố trí theo cấu hình 4 ống phóng đôi); hải pháo OTO Melara 76mm Super Rapid; hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần GOKDENIZ 35mm CIWS; 2 bệ phóng 3 ống cho ngư lôi chống ngầm K745 Blue Shark.
Việc đưa BRP Miguel Malvar vào hoạt động là một dấu mốc then chốt trong chiến lược dài hạn của Quân đội Philippines. Chiếc thứ hai của lớp tàu, BRP Diego Silang (FFG-07), đã được hạ thủy vào tháng 3 vừa qua và dự kiến bàn giao cuối năm nay.
* Pháp gửi hệ thống robot rà phá bom mìn đến Ukraine
Theo thông tin từ Milrem Robotics, 6 hệ thống robot phá mìn ROCUS, do công ty Estonia’s Milrem Robotics và CNIM Systèmes Industriels của Pháp phát triển, sẽ sớm được chuyển giao cho Ukraine, nhằm hỗ trợ công tác rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
 |
Robot phá mìn ROCUS sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: Milrem Robotics
|
Hệ thống ROCUS tích hợp thiết bị dò đường của CNIM vào nền tảng không người lái THeMIS, một phương tiện mặt đất không người lái có bánh xích, được thiết kế để hoạt động ở những địa hình nguy hiểm và thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu. Đại diện công ty cho biết, hệ thống này cho phép người vận hành kiểm tra, xác minh và xử lý chất nổ từ xa mà không phải tiếp xúc trực tiếp, qua đó cải thiện độ an toàn và hiệu quả trong môi trường có rủi ro cao.
Việc bàn giao này nhằm hỗ trợ Ukraine trong việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường, khôi phục quyền tiếp cận các khu vực nông nghiệp và thúc đẩy công cuộc tái thiết các cộng đồng bị tàn phá bởi xung đột. Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine (SESU) sẽ là đơn vị vận hành chính các hệ thống này, dự kiến sử dụng trong các nhiệm vụ nhân đạo và tái thiết tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi mìn và vật liệu nổ chưa nổ.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.