Khởi đầu cuộc chiến một chiều

4 giờ sáng ngày 22-6-1941, quân đội Đức Quốc xã nổ súng xâm lược Liên Xô trong một phần của Chiến dịch Barbarossa, tiến về phía ba thành phố chính: Moscow, Leningrad và Kiev. Bất chấp sự kháng cự ngoan cường và các cuộc phản công liên tục của Hồng quân, kẻ thù đã nhanh chóng đột phá. Sau khi giáng một đòn mạnh vào các căn cứ không quân của Liên Xô, Không quân Đức đã giành được quyền kiểm soát trên không ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến.

“Sự bất ngờ hoàn toàn trong cuộc tấn công của chúng ta vào đối phương được chứng minh bằng thực tế là các đơn vị bị bất ngờ trong doanh trại của họ, các máy bay được đỗ trên các sân bay, phủ bạt và các đơn vị tiền phương, bất ngờ bị quân ta tấn công, đã hỏi chỉ huy phải làm gì...” , Tổng tham mưu trưởng lực lượng mặt đất Đức Franz Halder viết trong nhật ký cá nhân.

Quân đội phát xít Đức tiến vào lãnh thổ Liên Xô tháng 6-1941. Ảnh: Sputnik 

Ngày 24-6-1941, quân Đức chiếm Vilnius, ngày 28-6-1941 là Minsk và ngày 1-7 cùng năm là Riga. Sau khi lực lượng chủ lực của Mặt trận phía Tây bị bao vây và đánh bại trong Trận Belostok-Minsk (hơn 420.000 trong số 625.000 binh sĩ thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt), chỉ huy của lực lượng này phần lớn bị bắt và xử bắn.

Tại Ukraine, lực lượng của 5 quân đoàn cơ giới thuộc Phương diện quân Tây Nam của Liên Xô ở khu vực Brody-Lutsk-Rivne đã giao tranh ác liệt với Tập đoàn quân thiết giáp số 1 của Đức. Ưu thế áp đảo về số lượng xe tăng của Hồng quân (2.500 so với 800) đã không thể bù đắp sự thiếu hụt về thông tin liên lạc vô tuyến, thiếu tổ chức trinh sát và phối hợp chiến đấu và chỉ huy.

Trong một trong những trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử, quân đội Liên Xô đã phải chịu thất bại nặng nề: 70 đến 90% số xe tăng của quân đoàn cơ giới đã bị phá hủy hoặc bị bắt giữ. Sự tổn thất đáng kể của Hồng quân cũng thể ngăn cản đà tiến công khủng khiếp của quân phát xít.

Quân đội Đức không thể tiến hành hiệu quả “cuộc chiến chớp nhoáng” trên mọi khu vực của mặt trận Liên Xô - Đức. Ở Bắc Cực, đối phương chỉ tiến được vài chục ki-lô-mét vào lãnh thổ Liên Xô và không chiếm được cảng biển lớn Murmansk. “Chúng tôi đã được hứa sẽ chiếm Kandalaksha trong 12 ngày và đến được Biển Trắng, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể làm được điều này, mặc dù đã 6 tháng trôi qua. Tâm trạng của những người lính rất chán nản – họ không ngờ quân Nga lại kháng cự ngoan cường như vậy”, một hạ sĩ Đức bị bắt than thở vào tháng 1-1942. 

Trong hai tháng, từ ngày 10-7 đến ngày 10-9-1942, các trận chiến ác liệt diễn ra trên chiến tuyến rộng lớn ở vùng Smolensk với kết quả là Hồng quân mất hơn 750.000 binh sĩ. Khả năng chiến đấu của quân đội Liên Xô bảo vệ hướng Moscow đã bị suy yếu nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, xương máu của sĩ quan, chiến sĩ Hồng quân không vô ích, phát xít Đức đã bị thiệt hại tới hơn 100.000 lính và bị sa lầy trong cuộc chiến tại Smolensk trong suốt hai tháng. Bộ chỉ huy phát xít Đức bắt đầu nghi ngờ liệu họ có thể chiếm được thủ đô của Liên Xô trước khi thời tiết giá lạnh bắt đầu hay không.

Thất bại của Mặt trận Tây Nam gần Uman và Kiev đã tạo điều kiện cho quân Đức phát động một cuộc tấn công vào vùng Donbass giàu than và Crimea có vị trí chiến lược quan trọng, nơi mà Hitler gọi là tàu sân bay không thể đánh chìm của Liên Xô, đe dọa dầu mỏ của Romania.

Vào ngày 26-9-1942, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân số 11 của Tướng Erich von Manstein đã đột phá qua tuyến phòng thủ của Liên Xô trên eo đất Perekop và tiến sâu vào Crimea. Tuy nhiên, sự kháng cự quyết liệt của quân đội Liên Xô và tổn thất nặng nề đã ngăn cản quân Đức chiếm Sevastopol ngay lập tức. Cuộc bao vây căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen bắt đầu vào ngày 30-10 cùng năm và kéo dài tổng cộng 250 ngày.

Tuy nhiên, đà tấn công của phe Trục trên lãnh thổ Liên Xô dần chậm lại và chuẩn bị cho 1 dấu mốc quan trọng tại ngoại vi Thủ đô Moscow.

Xe tăng T-34-76 của Hồng quân bị phá hủy tại chiến dịch Dubno-Lutsk-Brody. Ảnh: TASS 

“Bước tường Moscow” đã làm phá sản chiến lược Chiến tranh chớp nhoáng

Vào đầu tháng 10-1941, trận chiến quan trọng của cuộc chiến đã nổ ra tại gần Moscow. Khi cuộc chiến bắt đầu, Hồng quân đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Do không xác định được hướng tấn công chính của quân phát xít nên lực lượng chủ lực của Phương diện quân phía Tây và Phương diện quân Dự bị đã bị bao vây và đánh bại ở khu vực Vyazma. Quân đội Liên Xô mất hơn 900.000 binh sĩ. Tuy nhiên, cho đến ngày 13-10 cùng năm, lực lượng bị bao vây vẫn tiếp tục chiến đấu, khống chế 28 sư đoàn phát xít Đức tại trận địa.

Hướng tấn công tới Moscow thực tế rất ác liệt đối với phát xít Đức. Trước khi quân dự bị đến, toàn bộ lực lượng tại chỗ, bao gồm cả học viên trường quân sự, đều được điều động ra tiền tuyến.

Tuy nhiên, con đường tiến vào trung tâm Liên Xô không phải là một chặng đường dễ dàng đối với quân đội phát xít. Sau nhiều tháng kháng cự ngoan cường và các cuộc phản công liên tục của Hồng quân, quân Đức đã kiệt sức. Những quân nhân được đào tạo và có kinh nghiệm chiến đấu từ các chiến dịch ở Ba Lan và Pháp đã hy sinh trong những trận chiến đẫm máu. Việc rải mìn toàn bộ các lối vào thành phố khiến xe bọc thép khó di chuyển, thời tiết lạnh giá khiến ngựa chết hàng loạt và gián đoạn nguồn hậu cần kéo dài từ biên giới Liên Xô.

Phát xít Đức trông chờ vào một cuộc tấn công quyết định vào Moscow, mà không biết rằng vào thời điểm đó, lực lượng dự bị lớn của Hồng quân đang tập trung tại Thủ đô. Vào ngày 5 và 6-12-1941, quân đội từ nhiều mặt trận của Liên Xô đã tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn hoàn toàn bất ngờ đối với phe phát xít. Quân đội Đức choáng váng bị đẩy lùi 100-250km khỏi Moscow và ở một số khu vực, cuộc rút lui đã biến thành cuộc tháo chạy mất kiểm soát.

Người dân Liên Xô xúc động khi Hồng quân phá vỡ vòng vây xung quanh Thủ đô Moscow. Ảnh: Sputnik 

Tổng tư lệnh lực lượng mặt đất Đức, Walther von Brauchitsch, và chỉ huy Cụm tập đoàn quân Trung tâm, Fedor von Bock đã bị Hitler cách chức. Tướng Heinz Guderian, người được cho là “cha đẻ” của chiến lược Chiến tranh chớp nhoáng của phát xít Đức, cũng bị cách chức và thừa nhận trong hồi ký cá nhân: “Cuộc tấn công vào Moscow đã thất bại. Mọi hy sinh và nỗ lực của những người lính dũng cảm của chúng ta đều vô ích."

Chiến thắng gần Moscow có tầm quan trọng to lớn đối với cả Liên Xô và phe đồng minh. Giới lãnh đạo Liên Xô tự tin rằng kẻ thù đã bị đánh bại và đã đến lúc phải mở một cuộc tấn công quy mô lớn dọc theo toàn bộ mặt trận Liên Xô - Đức. Tuy nhiên dù chiến lược Chiến tranh chớp nhoáng đã thất bại, nhưng tiềm lực của phát xít Đức vẫn còn và cuộc chiến còn kéo dài tới tận năm 1945 sau nhiều chiến dịch quan trọng khác như Stalingrad hay vòng cung Kursk…

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.