Khoảng hơn nửa triệu phụ nữ Liên Xô đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hàng trăm người trong số họ đã chiến đấu với kẻ thù trên những chiếc máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, làm hoa tiêu, nhân viên vô tuyến và cả thợ máy.
Trung đoàn không quân toàn nữ
Ngay từ khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô, rất nhiều phụ nữ đã bày tỏ mong muốn được gia nhập Hồng quân để chiến đấu với kẻ thù. Tuy nhiên, vào thời điểm đó họ chỉ được phép thực hiện vai trò hỗ trợ và không tham gia chiến đấu trực tiếp.
 |
Những "phù thủy đêm" của Trung đoàn 588. Ảnh: Sputnik |
Tuy nhiên, với sự nguy ngập của chiến trường, giới lãnh đạo Liên Xô đã đồng ý cho phép phụ nữ tham gia hoạt động chiến đấu. Ngày 8-10-1941, Ủy ban Quốc phòng nhân dân Liên Xô ban hành lệnh thành lập 3 trung đoàn không quân nữ trong Không quân Hồng quân: Trung đoàn Không quân Tiêm kích 586 với máy bay Yak-1, Trung đoàn Không quân ném bom 587 với máy bay Su-2 và Trung đoàn Không quân Ném bom đêm 588 với máy bay hai tầng cánh U-2.
“Những chuyến bay đầu tiên, chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt, kỷ luật quân đội, huấn luyện có hệ thống, làm việc trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt đã giúp chúng tôi trở nên cứng cáp hơn, kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi dễ dàng nạp và tháo bom huấn luyện nặng 40kg từ xe và treo chúng lên máy bay một cách dễ dàng và nhanh chóng”, chuyên gia vũ khí trên máy bay Darya Chalaya chia sẻ.
Những “Phù thủy đêm”
Những người đầu tiên hoàn thành khóa huấn luyện vào tháng 5-1942 là các phi công của Trung đoàn 588. Đây là đơn vị không quân duy nhất trong tất cả vị trí, từ thợ máy, kỹ thuật viên cho đến hoa tiêu và phi công, đều do phụ nữ đảm nhiệm.
Máy bay hai tầng cánh U-2 (Po-2) di chuyển chậm, là phương tiện chiến đấu chủ lực. Nó có thể bay lơ lửng trên ngọn cây, cất cánh từ một mảnh đất nhỏ và hạ cánh xuống đó. Do dễ bị tổn thương, máy bay này được sử dụng để ném bom ban đêm và cũng được sử dụng tích cực cho mục đích liên lạc, tiếp tế cho lực lượng du kích và các đơn vị bị bao vây.
Tắt động cơ trước khi lao xuống mục tiêu, máy bay U-2 sẽ bất ngờ xuất hiện từ bóng đêm và tấn công chính xác vào mục tiêu quân sự của đối phương hoặc một nhóm lính phát xít đang tụ tập quanh đống lửa. Tiếng động đặc trưng mà máy bay tạo ra vào thời điểm đó khiến người Đức liên tưởng đến tiếng chổi quét. Đây chính là lý do để các nữ phi công Hồng quân có biệt danh nổi tiếng là “phù thủy đêm”.
Dưới sự chỉ huy của sĩ quan Evdokia Bershanskaya, Trung đoàn 588 đã vượt qua chặng đường khó khăn từ phía Nam Liên Xô đến Đức, tham gia giải phóng Bắc Kavkaz, Crimea, Belarus và Ba Lan. Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị được trao tặng danh hiệu “Cận vệ” và vào năm 1943 được đổi tên thành Trung đoàn Không quân ném bom đêm Cận vệ số 46.
Trong suốt cuộc chiến, 32 nữ quân nhân của Trung đoàn 588 đã hy sinh trong chiến đấu và tai nạn.
Lái máy bay tiêm kích đối mặt với quân phát xít
Tiếp nối "phù thủy bóng đêm", các phi công của Trung đoàn Không quân 586 đã tham chiến vào tháng 6-1942. Các nữ phi công với máy bay chiến đấu Yak-1 mới nhất đã được cơ động từ Engels đến ngoại vi Saratov, nơi họ bắt đầu bảo vệ thành phố như một phần của lực lượng tiêm kích phòng không.
 |
“Hoa loa kèn trắng của Stalingrad” Lidiya Litvyak. Ảnh: TASS |
Vì mặt trận chính diễn ra xa hơn về phía Nam tại Stalingrad, nên hoạt động của các nữ phi công tương đối bình lặng. Tuy nhiên, vào mùa thu, Saratov liên tục bị ném bom và các nữ phi công bắt đầu ra trận. Ngày 24-9-1942, Trung đoàn không quân 586 có chiến thắng đầu tiên: Trung úy Valeria Khomyakova đã bắn hạ một máy bay ném bom Junkers Ju-88.
Nhiều nữ phi công muốn được ra tiền tuyến để đối mặt trực tiếp với quân phát xít, nơi họ thấy mình ở giữa chiến trường khốc liệt.
Không phải tất cả những người tham gia vào cuộc chiến đều có thể sống sót để chứng kiến Ngày Chiến thắng. Vào mùa hè năm 1943, “Hoa loa kèn trắng của Stalingrad”, Lidiya Litvyak, người đã trở nên nổi tiếng trong các trận không chiến bảo vệ thành phố nổi tiếng trên sông Volga, đã hy sinh trên bầu trời Donbass. Nữ phi công này đã có 4 chiến thắng cá nhân được xác nhận và 3 chiến thắng tập thể. Cùng thời gian đó, đồng đội của bà là Ekaterina Budanova và Antonina Lebedeva cũng hy sinh trong các trận chiến với quân phát xít.
Nữ phi công tham chiến ở tuyến đầu
Ngày 25-12-1942, trung đoàn không quân nữ cuối cùng trong 3 trung đoàn là Trung đoàn 587 chính thức tham gia chiến đấu. Gần như ngay lập tức, bi kịch đã xảy ra với đơn vị khi vào ngày 4-1-1943, Trung đoàn trưởng Marina Raskova tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay. Đơn vị sau đó được chỉ huy bởi Trung tá Valentin Markov.
Các nữ phi công được cho là sẽ chiến đấu trên máy bay Su-2, nhưng cuối cùng lại được điều khiển máy bay Pe-2. Máy bay ném bom bổ nhào này được coi là khó điều khiển, nhưng các nữ phi công đã điều khiển nó một cách xuất sắc.
 |
Đội hình máy bay ném bom tiền tuyến Pe-2 tham gia chiến đấu. Ảnh: TASS |
Đại tá Leon Cuffault thuộc Trung đoàn không quân chiến đấu Normandie-Niemen của Pháp, chiến đấu cùng với Không quân Liên Xô nhớ lại, vào mùa đông năm 1944, trong một trận bão tuyết dữ dội, một máy bay ném bom Pe-2 của Liên Xô đã bay đến sân bay của họ: “Chúng tôi, những phi công người Pháp, đã thích thú theo dõi anh chàng liều lĩnh đã hạ cánh máy bay của mình một cách hoàn hảo trong tầm nhìn kém như vậy và vội vã đến máy bay để nhanh chóng gặp phi công. Và chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc khi biết rằng máy bay được lái bởi các cô gái!”
Trung đoàn Không quân 587 đã tham gia vào hầu hết các trận chiến quan trọng nhất của cuộc chiến – ở Stalingrad, ở Kavkaz và trên Vòng cung Kursk. Các nữ phi công đã hỗ trợ quân đội Liên Xô trong Chiến dịch tấn công quy mô lớn Bagration ở Belarus năm 1944 và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên lãnh thổ vùng Baltic và Đông Phổ.
Trong năm 1943, vì những thành tích xuất sắc, Trung đoàn Không quân 587 đã được đổi tên thành Trung đoàn ném bom Cận vệ số 125 mang tên Marina Raskova. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, 5 nữ phi công của đơn vị đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.