Quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ. Mới đây, vào đầu tháng 5-2016, Viện Khoa học Quốc gia Lawrence Livermore ở California của Mỹ tuyên bố, trong những năm tới, quân đội Mỹ sẽ tiếp nhận một loại trang phục thông minh thế hệ mới, không những giúp dễ thở mà còn được thiết kế để bảo vệ binh sĩ thoát khỏi những mối đe dọa như virus và vũ khí hóa học.
Quân phục và thiết bị phòng độc của binh sĩ Mỹ. Nguồn: nationalinterest.org.
Loại quân phục mới này được làm bằng vải chứa nhiều ống than hạt hoạt tính kích thước siêu nhỏ có chức năng làm thoát hơi nước, nhưng đồng thời ngăn chặn tác nhân sinh học, chẳng hạn virus xâm nhập.
Mỗi ống than hoạt tính nhỏ hơn tóc người đến 5.000 lần. Các nhà khoa học gọi loại vải chế tạo bộ quân phục này là “lớp da thứ 2” vì nó giúp binh sĩ Mỹ dễ thở hơn so với quân phục Gore-Tex đã có trước đây. Bởi loại vật liệu này giống như một lớp da thông minh, nhạy cảm với môi trường xung quanh. Cụ thể, các vật liệu ống nano carbon chỉ dày bằng một tờ giấy Xerox và được thiết kế thoáng khí trong thời tiết nóng. Khi gặp một chất độc thần kinh như Sarin hoặc VX, polyme nhúng vào vải sẽ nhanh chóng phản ứng với các phân tử khí độc để bịt kín các vật liệu, bảo vệ ngay lập tức lớp da trên cơ thể binh sĩ. Các polyme này cũng sẽ được thiết kế để tiêu diệt lớp bề mặt bị ô nhiễm. Cơ chế này đã giúp ngăn chặn hóa chất bên ngoài xâm nhập, chẳng hạn mù tạt sulfur, chất độc thần kinh GD và VX, chất độc entero gây tụ huyết cầu cũng như bào tử sinh học gây bệnh than.
Đầu tháng 7-2016, các nhà khoa học quân đội Mỹ đã công bố thiết kế, chế tạo mô hình quân phục 3D avatar kèm theo phần mềm đặc biệt dành cho binh sĩ sử dụng trong chiến đấu. Đây là nội dung trong Dự án đã tạo ra 250 avatar dành cho binh sĩ năm trong năm 2015, thông qua chương trình USARIEM.
Phần mềm chủ yếu dựa trên công nghệ quét mặt ngoài cơ thể do Trung tâm Khoa học Nhân trắc học và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ quân sự Natick (NSRDEC) thiết kế. Khi binh sĩ mặc bộ quân phục này, phần mềm sẽ từ kiểm tra khớp tay, khớp chân, những vùng dễ bị tổn thương sẽ tự động kích hoạt. Nó giúp thể tiến hành kiểm tra phản ứng sinh lý ở mọi điều kiện môi trường khác nhau, giúp binh sĩ quân đội Mỹ sẽ được bảo vệ an toàn hơn, chống lại đạn súng thông thường khi tham gia chiến đấu trên mặt đất.
Cũng trong năm 2016, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm khoa học công nghệ và quốc phòng (DSTL) của Bộ Quốc phòng Anh đã sử dụng những vật liệu siêu nhẹ tân tiến để sản xuất robot Porton. Đây là loại Robot thế hệ mới nhất được các nhà khoa học nước này nghiên cứu thành công, nhằm xác định các tác động của khí độc thần kinh như sarin và các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ đối với quân phục đang được các lực lượng vũ trang Anh sử dụng.
Robot Porton có thể chuyển động trong mọi tư thế như: Đi, chạy, ngồi, quỳ ... Trên "cơ thể" robot này được lắp hơn 100 cảm biến có khả năng ghi nhận thông tin trong các cuộc thử nghiệm mà nhờ đó các nhà khoa học có thể phân tích trong thời gian thực.
Robot Porton có trọng lượng 14kg, nhẹ hơn so với các phiên bản robot trước có trọng lượng tới 80kg. Ông Jaime Cummins- chuyên gia thuộc DSTL cho biết, phòng thí nghiệm này hy vọng robot nói trên sẽ giúp sản xuất ra những bộ quân phục bảo vệ binh sĩ nhẹ hơn trong tương lai. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Anh đang đầu tư khoảng 1 triệu bảng vào mẫu robot này để thử nghiệm các quân phục bảo vệ binh sĩ Anh khỏi các chất độc hóa học và sinh học.
Cũng ở việc đầu tư nghiên cứu quân phục chiến đấu, trước đó, trong tháng 3-2016, quân đội Hoàng gia Vương quốc Anh đã thử nghiệm một loại quân phục chiến đấu mới có khả năng tàng hình kiểu Harry Potter. Theo đó, những binh sĩ đến từ Tiểu đoàn Vũ trang Đặc công 3 đã tham gia thử nghiệm thực địa một loại vật liệu ngụy trang công nghệ cao được Mỹ sản xuất có tên gọi Vatec. Khi mặc quân phục được may từ loại vải này đã giúp cho binh sĩ biến mất trước mắt đối phương. Áo tàng hình thậm chí giúp họ tránh được thiết bị dò tìm bằng hồng ngoại và tầm nhiệt. Chính những người tham gia thử nghiệm cho biết, mặc dù sử dụng thiết bị tìm kiếm tầm nhiệt và hồng ngoại, nhưng họ không thể nhận ra khi binh sĩ khác đóng giả quân địch.
Theo thông tin, do các nhà khoa học quân sự Mỹ phát hiện ra các động vật thân mềm: Mực ống, bạch tuộc có khả năng thay đổi màu sắc hòa vào môi trường sống, tránh kẻ thù nên đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng. Những bước thử nghiệm thực hiện trong thời gian gần đây đều hướng đến việc tái lập quy trình được gọi là biến điệu trực giác bằng cách sử dụng một loại vật liệu tân tiến chứa hàng ngàn tế bào nhỏ xíu có thể phát hiện màu sắc môi trường xung quanh. Tín hiệu điện tử sau đó được sử dụng để bắt chước những màu sắc đó nhờ sử dụng thuốc nhuộm nhạy nhiệt, quá trình biến đổi chỉ diễn ra trong vài giây. Theo đánh giá của các nhà khoa học sau thực nghiệm, loại vật liệu này có nhược điểm là chỉ có tác dụng ở một nơi nhất định và không thể biến hóa ở nơi khác, cũng như khẳng định được tính năng, tác dụng rõ rang, hiệu quả, nhất là trong khả năng bảo vệ binh sĩ trước vũ khí hóa học, sinh học. Tuy nhiên, từ kết quả thực nghiệm, chính vì Vatec có thể tự điều chỉnh để phù hợp với địa hình đồi núi, rừng sâu nên quân đội Anh đang yêu cầu chính phủ đầu tư vào công nghệ ngụy trang hiện đại này để trang bị cho quân đội.
Có thể nói, mẫu số chung của các chương trình nói trên của các quốc gia là nhằm tăng khả năng sống còn của người lính trong chiến đấu, giúp cho quá trình chi viện, hiệp đồng tác chiến giữa các cá nhân, tổ, đội, nhóm và các lực lượng nhanh hơn, liên tục, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, không gian và thời gian. Việc tăng cường trang bị vừa có tính bảo vệ tốt, vừa có khả năng tấn công nhanh, hiệu quả giúp các quốc gia giải được bài toán khó, không chỉ là những mâu thuẫn giữa tinh thần, tâm lý của chiến binh với mục tiêu chiến thắng bằng mọi giá mà xa hơn, nó giải quyết được các vấn đề giảm đáng kể việc đưa lực lượng đến các chiến trường nằm ngoài đất nước. Chính điều này sẽ hạn chế phần nào tác hại từ đấu tranh của dư luận trong các quyết định, đưa quân đội đến tham chiến ở một quốc gia khác mà ít được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nhân dân sở tại. Đây có lẽ là lo ngại không nhỏ với đại bộ phận mong muốn được sống trong điều kiện hòa bình, không có chiến tranh trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, việc tích hợp trang bị cá nhân hiện đại cho người lính trong chiến đấu như trình bày ở trên sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Trước tiên là đòi hỏi lựa chọn đầu vào để huấn luyện sẽ khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn. Công tác tổ chức huấn luyện cũng sẽ bị chi phối rất nhiều theo hệ thống về chuyên ngành cũng như tổ chức chỉ huy. Nếu không đầu tư đồng bộ thì khó mà phát huy hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, chiến trường mới là nơi đưa ra câu trả lời chính xác nhất về tính hiệu quả về quân phục, trang bị cá nhân của người lính.
MẠNH THẮNG
Tài liệu tham khảo: Thông tin hậu cần quân đội nước ngoài