Chiến đấu trên chiến trường là một dạng lao động đặc biệt trong các loại lao động hiện có của con người. Ở đây, khoảng cách giữa sự sống và cái chết của người lính là hết sức mong manh. Mục tiêu cao nhất trong chiến đấu trên chiến trường là giành chiến thắng và đây cũng là mục tiêu chính trị của bất cứ cuộc chiến tranh nào. Thế nên, các nước tham chiến không ngại bỏ ra chi phí lớn để xây dựng, củng cố sức mạnh quốc phòng một cách toàn diện, trong đó, việc trang bị cho người lính bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu.

leftcenterrightdel
Quân phục ngụy trang của bộ binh Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Nguồn: atthefrontshop.com.
Để chiến đấu và giành chiến thắng, từ xa xưa, cùng với sự phát triển các loại vũ khí “lạnh”, vũ khí “nóng”, con người cũng tìm ra các loại phương tiện để phần nào khắc chế tác hại của các loại vũ khí ấy. Mục đích cuối cùng là tăng khả năng sống sót của binh sĩ trên chiến trường. Ví dụ dễ nhìn thấy nhất là, để khắc chế tác hại của giáo, gươm… và các loại vũ khí “lạnh” khác, các binh sĩ được trang bị khiên, áo giáp bảo hộ bằng đồng, sắt và các vật liệu từ da, lông thú…

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, việc nghiên cứu vũ khí trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu lớn, ứng dụng trong các điều kiện, có thể phát huy tác dụng trên nhiều chiến trường khác nhau. Ví dụ như máy bay chiến đấu tiêm kích, cường kích có thể mang lượng lớn bom, tên lửa, cơ động từ xa đến tiêu diệt mục tiêu. Hay các loại tàu mặt nước, tàu ngầm có thời gian hoạt động dài ngày trên biển, mang nhiều loại vũ khí có uy lực lớn… Đa phần các loại phương tiện hiện đại này được tích hợp nhiều loại hệ thống trang bị mới, cả về động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống hỏa lực, trinh sát, dẫn đường, tác chiến điện tử… ít bị chi phối bởi điều kiện thời tiết, thời gian cũng như không gian, nên đã nâng cao khả năng cơ động và hiệu suất chiến đấu lên nhiều lần.

Ngoài các loại phương tiện kỹ thuật, vũ khí kể trên thì các loại vũ khí, trang bị cho người lính trên chiến trường cũng được nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển theo các tiêu chí nhẹ hơn, bền hơn, tính năng kỹ-chiến thuật hoàn thiện hơn, độ chính xác cao hơn, uy lực sát thương lớn hơn. Đặc biệt, nó giúp cho người lính có thể hoạt động độc lập, đảm nhiệm và thực hiện nhiều nhiệm vụ và chức năng khác nhau cùng một lúc. Điều này có nghĩa là họ không chỉ có khả năng chiến đấu tấn công, phòng thủ đơn thuần như trong các loại hình chiến thuật ở chiến tranh truyền thống vốn có mà còn có khả năng trinh sát, điều khiển và liên lạc, phối hợp, hiệp đồng tác chiến nhanh, hiệu quả. Hiện nay, xu thế này đặc biệt phát triển ở các nước như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Thụy Điển, Anh, Pháp…

Để tích hợp được các loại vũ khí cá nhân hiện đại, các nước này đã tăng cường nghiên cứu trang phục chiến đấu. Đối với các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, quân phục chiến đấu thể hiện được nhiều tính chất khác nhau. Trước hết, quân phục chiến đấu thể hiện tính dân tộc, bản chất nhà nước, sự uy nghiêm khác biệt so với các lực lượng cùng chức năng trên thế giới.

Thứ hai, quân phục chiến đấu của binh sĩ phải đảm bảo được khả năng ngụy trang. Đây được xem là xu thế phát triển khá mạnh mẽ ở các giai đoạn trước và cả hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới.

Quân phục ngụy trang xuất hiện lần đầu tiên là trong cuộc chiến tranh Boer (1880-1902) giữa Đế quốc Anh và hai nước độc lập tại Nam châu Phi. Tiếp đó, quân phục với màu sắc ngụy trang được sử dụng rộng rãi vào thời gian đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào cuối những năm của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, việc sử dụng quân phục ngụy trang đã mở rộng ở quân đội nhiều quốc gia, như: Anh, Mỹ, Đức, Liên Xô, Ý, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Quân phục ngụy trang đạt được sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Sau rất nhiều nghiên cứu về đặc điểm chiến đấu, địa hình, thời tiết,… các chuyên gia quân sự đã xác định được 5 loại màu sắc ngụy trang chủ yếu và thường sử dụng may quân phục chiến đấu cho lục quân ở các nước.

Sang đến cuối thế kỷ XX, kỹ thuật ngụy trang phát triển nhanh chóng, ngụy trang được áp dụng với các khí tài quân sự như: Xe tăng, pháo, máy bay, tàu chiến, quân phục... Hiện nay, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, nhiều khí tài quan sát hiện đại được đưa vào sử dụng càng đặt ra yêu cầu cao hơn cho kỹ thuật ngụy trang, trong đó quân phục của mỗi người lính là một nhân tố quan trọng.

Quân phục ngụy trang hiện nay là loại quân phục sử dụng nhiều mảng màu xếp cạnh nhau (cách sắp xếp và họa tiết từng mảng màu tùy thuộc vào mẫu ngụy trang các nước thiết kế và sử dụng), giúp người lính hòa mình tốt nhất vào môi trường xung quanh, hạn chế nguy cơ bị đối phương phát hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại, trên thế giới có rất nhiều mẫu họa tiết ngụy trang khác nhau, như: MultiCam, Digital, Woodland, DPM, ERDL, Tiger Stripe... cùng nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào điều kiện môi trường của mỗi quốc gia.

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ may mặc, những vấn đề về màu sắc, độ bền và các yếu tố khác của quân phục trang bị cho binh sĩ trong chiến đấu vẫn được các quốc gia trên thế giới tính đến, nhưng điều chủ yếu mà họ hướng tới đó là khả năng tự bảo vệ binh sĩ trước những tác động khắc nghiệt của điều kiện chiến trường. Ví dụ như trong năm 2010, khi triển khai lực lượng tới Afghanistan, quân đội Australia đã trang bị quân phục chiến đấu mới có khả năng đeo dưới áo giáp. Ngoài tác dụng ngụy trang, giúp lực lượng làm nhiệm vụ của Australia tại đây che giấu hành động tại địa hình ở Afghanistan, bảo đảm an toàn mục tiêu, loại quân phục này còn giúp binh sĩ thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Điển hình là, những chiếc áo sơ mi và quần có khuỷu tay, đầu gối đệm được trang bị cho binh sĩ Australia có tác dụng giảm chấn thương mô mềm, thoáng mát.

Thứ ba, trang phục chiến đấu là cơ sở quan trọng để bảo vệ binh sĩ trong tác chiến, hạn chế tối đa mức độ thương vong, có thể tích hợp các loại vũ khí hiện đại, tăng khả năng sống còn, hiệu suất chiến đấu của binh sĩ trên chiến trường. Ngoài những yêu cầu này thì từng quốc gia, từng quân đội có những yêu cầu riêng trong việc chế tạo quân phục chiến đấu, chẳng hạn như việc tích hợp khả năng ngụy trang, khả năng thoát nước, giữ nhiệt và nhanh khô như trước đây cũng như các tính năng tự bảo vệ chống lại vũ khí hóa học, sinh học… Đây là một trong những xu thế mới mà nhiều quốc gia có nền quân sự quốc phòng mạnh trên thế giới đang hướng tới. Theo các chuyên gia quân sự, đây có thể được xem là cuộc đua ngầm giữa các cường quốc quân sự và mới chỉ bước vào giai đoạn bắt đầu. (còn nữa)

MẠNH THẮNG 

Tài liệu tham khảo: Thông tin hậu cần quân đội nước ngoài