Quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng trang phục mới cho quân đội là Nga. Theo thông tin tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 10-2016, Thượng tướng Oleg Salyukov, Tư lệnh Lục quân Nga đã tiết lộ rằng, quân đội Nga vừa nhận khoảng 100.000 bộ quân phục “Ratnik-3” để trang bị cho binh sĩ. Dự kiến, trong những năm tới, mỗi năm sẽ tiếp nhận thêm 70.000 bộ “Ratnik-3”. Trước đó, năm 2015, quân đội Nga đã nhận khoảng 80.000 bộ quân trang “Ratnik-2”.
Bộ quân phục “Ratnik” của quân đội Nga. Nguôn: armyrecognition.com.
Theo đó, bộ “Ratnik-3” của quân đội Nga được ví là trang phục dành cho "người lính tương lai". Nó nặng 24kg, gồm khoảng 50 thành phần, tích hợp nhiều loại vũ khí, trang bị như súng, đạn, hệ thống ngắm bắn mục tiêu, thiết bị quan sát ban ngày, ban đêm, hệ thống giáp bảo vệ, cung cấp năng lượng, hệ thống truyền thông và định vị, dẫn đường, mặt nạ bảo vệ, kính bảo vệ, cấp cứu, hệ thống theo dõi sức khỏe. Bộ quân phục này là thế hệ thứ 3 kể từ khi dự án sản xuất “Ratnik” được triển khai. “Ratnik” bao gồm các mô-đun giúp người lính có thể thay đổi tùy theo nhiệm vụ tác chiến nhanh chóng và chịu được nhiệt từ -50
oC đến +50
oC. Bộ quân phục này có thể được trang bị cho cả lính dù, lính đặc nhiệm trong tác chiến.
Bên cạnh thiết kế ưu việt cho hoạt động chiến đấu, trang phục “Ratnik” còn nổi bật nhờ khả năng bảo vệ tối đa binh sĩ mỗi khi ra trận. “Ratnik” có thể bảo vệ đến 90% bề mặt cơ thể và có khả năng bảo vệ cao hơn 70% so với các loại áo giáp thế hệ trước. Quân phục này không chỉ bảo đảm an toàn cho người mặc khi tiếp xúc trực tiếp với lửa hoặc mảnh đạn nhỏ, mà còn biến họ thành những "chiến binh vô hình" trước tia hồng ngoại từ ống ngắm ban đêm của đối phương. Trên mũ của trang phục “Ratnik” còn được gắn camera, với chức năng ghi lại toàn bộ diễn biến trận đánh cùng một màn hình nhỏ kết nối với thước ngắm của vũ khí, để giúp các binh sĩ ngắm bắn chuẩn xác hơn.
Với 50 thành phần khác nhau cấu thành tổ hợp trang bị dã chiến, “Ratnik” có thể được chế tạo hoàn toàn mới hoặc nâng cấp hiện đại hóa từng thành phần: Trang phục cá nhân, vũ khí đi cùng, trang bị bảo vệ cá nhân, trang bị phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí phi sát thương...
Cơ sở căn bản của tổ hợp trang bị dã chiến “Ratnik” là bộ quân phục dã chiến aramid mặc ngoài, được chế tạo từ sợi alyuteks, sản xuất bởi Kamenskvolokno. Bộ quân phục aramid mặc ngoài có thể chịu được các mảnh mìn, lựu đạn, đạn pháo và tác động trực tiếp của lửa trong thời gian ngắn.
Áo khoác ngoài, trong điều kiện chiến đấu có thể lắp các tấm giáp bằng gốm tổng hợp, chống được các đầu đạn 7,62mm của súng trường SVD hoặc đạn 5,45mm của AK - 74. Đi cùng với bộ quân phục dã chiến mặc ngoài là mũ bảo vệ. Tất cả các thành phần của tổ hợp trang bị “Ratnik” có thể dễ dàng tích hợp và thay thế vị trí của nhau. Khối lượng tổ hợp và quân phục đáp ứng tiêu chuân bảo vệ cấp 5, nặng khoảng 10kg. Khối lượng cực đại của tổ hợp ở mức bảo vệ cao nhất cấp 6, bao gồm mũ bảo vệ, các tấm giáp bảo vệ bên sườn, vai, đùi, nặng khoảng 20kg. Khả năng thông thoáng của tổ hợp cho phép quân nhân có thể mang mặc, hoạt động liên tục trong vòng 48 giờ.
Sợi vải tổng hợp của quân phục dã chiến được ngâm tẩm hóa chất đặc biệt, cho phép thông khí và luôn giữ độ ẩm cho cơ thể. Một điểm đặc biệt là bộ quân phục dã chiến mặc ngoài có thể ngăn chặn bức xạ hồng ngoại và tia cực tím, do đó người mặc quân phục trở nên “vô hình” trước kính ngắm hồng ngoại và quang ảnh nhiệt. Khi cần thiết, quân phục dã chiến có thể được tháo bỏ nhanh chóng.
Hệ thống điều hành của tổ hợp trang bị dã chiến “Ratnik” bao gồm các thiết bị nhận dạng, hệ thống thông tin liên lạc, bộ vi xử lý thông tin, dẫn đường. Trên bao đựng đạn và trang bị cá nhân của tổ hợp trang bị dã chiến có thiết bị truyền thông, cho phép xác định chính xác tọa độ của người lính nhờ hệ thống định vị vệ tinh GLONASS và GPS, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau liên quan đến định hướng trên địa hình và chỉ thị mục tiêu. Thông tin về vị trí của binh sĩ trên chiến trường tự động cập nhật trên bản đồ kỹ thuật số của người chỉ huy các cấp.
Hệ thống bảo vệ cơ thể của tổ hợp trang bị dã chiến “Ratnik” có kính bảo vệ mắt, các tấm giáp bảo vệ khuỷu tay và đầu gối, tai nghe chống xung nhiễu âm thanh, phin lọc nước sạch, thiết bị sinh nhiệt giữ ấm cơ thể và các trang bị cá nhân khác. Trong đó có cả thiết bị cấp điện (dùi cui điện) để trấn áp đối tượng. Hiện nay, vũ khí, trang bị của tổ hợp trang bị “Ratnik” bao gồm súng tiểu liên AK thế hệ mới lắp kính ngắm, súng phóng lựu kẹp nòng, kính ngắm ngày, đêm quang ảnh nhiệt. Trong bộ kính ngắm của binh sĩ có một thiết bị video nối với camera kính ngắm, cho phép xạ kích từ vị trí ẩn nấp và góc khuất, không phải ngắm trực tiếp trong tầm hỏa lực của đối phương.
Một trong những khí tài tiên tiến mà “Ratnik” có được là hệ thống kính ngắm quang ảnh nhiệt IRM-139 được lắp trên súng và màn hình hiển thị lắp trên mũ bảo vệ, cho phép binh sĩ có thể tiến hành xạ kích trong điều kiện sương mù, đêm tối, hoặc trong khói bụi chiến trường. Kính ngắm có thể lắp được trên tất cả các loại vũ khí như: Súng tiểu liên, súng máy, súng bắn tỉa. Bộ khí tài còn bao gồm cả ống nhòm quân sự chỉ thị mục tiêu và trinh sát hồng ngoại. Các bộ phận quang điện của kính ngắm có thể phát hiện mục tiêu trong khoảng cách 1.200m. Bức xạ thân nhiệt cơ thể người, hội tụ thông qua một lăng kính đặc biệt và chiếu lên thiết bị thu-nhận tín hiệu rồi chuyển hóa thành hình ảnh. Kính ngắm quang ảnh nhiệt có thể phân biệt được sự chênh lệnh nhiệt độ so với môi trường đến 0,1 độ. Kính ngắm sẽ hoạt động đồng bộ song song với kính màn hình gắn trên mũ bảo vệ của người lính và chuyển tải hình ảnh từ camera kính ngắm quang ảnh nhiệt lắp trên súng. Bằng phương pháp này, người lính từ vị trí che chắn, ẩn nấp có thể quan sát được mục tiêu trong đêm và tiêu diệt mục tiêu mà không cần thiết phải ngắm bắn trực tiếp. Kính ngắm quang ảnh nhiệt được chế tạo bởi công ty NRI Tsiklon và đã trải qua hàng loạt các thử nghiệm khắc nghiệt, thiết bị được thử nghiệm trong môi trường có nhiệt độ từ -50°C đến +70°C cũng như các thử thách khác như rơi, rung lắc, va đập thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm này có giá rất đắt, khoảng 900.000 rúp (tương đương 20.455 EURO).
Không riêng quân đội Nga mà quân đội nhiều nước khác, đặc biệt là các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh, cũng đang tích cực nghiên cứu và phát triển trang phục chiến đấu hiện đại cho các binh sĩ.
Pháp là một trong số những quốc gia đã triển khai thành công dự án “Felin”, hệ thống trang bị toàn diện dùng cho lực lượng bộ binh. Trang phục Felin được cấp phát cho quân đội Pháp từ năm 2010. Đến nay, nếu xét về các tính năng tối ưu, Felin được coi là đối thủ xứng tầm của hệ thống “Ratnik” mà Nga đang phát triển. Thậm chí, số lượng trang thiết bị được tích hợp trong hệ thống Felin còn vượt trội so với “Ratnik”, với khoảng 150 thành phần khác nhau. Chỉ riêng chiếc mũ bảo vệ đã có tới 13 thiết bị đi kèm như kính nhìn đêm, tấm che mặt, camera… Một trong những điểm nổi bật của Felin là thiết bị quang học gắn trên súng trường Famas, giúp các binh sĩ phát hiện mục tiêu dễ dàng trong mọi điều kiện thời tiết. Khi chiến đấu, người mặc Felin cũng có thể xác định mục tiêu ngay từ vị trí ẩn nấp của mình nhờ một máy tính cá nhân đi kèm hoặc màn hình gắn trên mũ bảo vệ.
Quân đội Đức cũng phát triển hệ thống trang thiết bị cá nhân dành cho binh sĩ với tên gọi Gladius. Hệ thống Gladius gồm nhiều thiết bị, từ thiết bị điện tử tới bảo vệ thân thể. Đây được coi là thiết kế mang tính tổng thể để đáp ứng những yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Điểm mạnh của Gladius là khả năng tăng cường kết nối giữa các binh sĩ hoặc nhóm binh sĩ với nhau trên chiến trường. Nhờ hệ thống điện tử tối tân kết nối với vệ tinh, các binh sĩ riêng lẻ sẽ liên tục được cập nhật các thông số về chiến thuật, bao gồm vị trí của đồng đội, tình trạng thực hiện nhiệm vụ, qua đó giúp họ trao đổi thông tin nhanh chóng và phối hợp hiệu quả hơn trong quá trình tác chiến. Trang phục Gladius cũng bảo đảm cho người lính sống sót trong chiến tranh sinh hóa.
Tương tự, một số quốc gia khác cũng đã và đang nghiên cứu các trang phục “số hóa” cho các binh sĩ của mình như: Chương trình Fist của Anh, Comfut của Tây Ban Nha, Imess của Thụy Điển… Riêng quân đội Mỹ đã dày công phát triển hệ thống trang thiết bị chiến đấu cá nhân Land Warrior (Chiến binh trên bộ). Tuy nhiên, thông tin về chương trình này chưa được tiết lộ nhiều. (còn nữa)
MẠNH THẮNG
Tài liệu tham khảo: Thông tin hậu cần quân đội nước ngoài