Bảo đảm HC-KT là hai mặt của một vấn đề trong công tác quân sự và nó có vai trò rất quan trọng, quyết định thành bại của từng trận đánh cho đến cả chiến dịch. Đó là các hoạt động nhằm làm cho quân đội các nước có đủ lực để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từng thời điểm. Trong chiến tranh, bảo đảm HC-KT luôn đi đôi với nhau, tập trung vào các vấn đề theo chức năng chuyên môn, như: Bảo đảm ăn, mặc, ngủ, nghỉ, đi lại; bảo đảm lượng dự trữ phương tiện, vật tư, vũ khí… phục vụ nhu cầu và nhiệm vụ tác chiến.

Việc bảo đảm HC-KT phụ thuộc vào từng loại hình tác chiến và điều kiện, khả năng kinh tế của chủ thể. Đối với các quốc gia có điều kiện kinh tế và nến tảng quốc phòng, quân sự vững chắc, phát triển, việc bảo đảm HC-KT phục vụ tác chiến liên hợp có nhiều nét mới hơn so với các phương thức bảo đảm HC-KT truyền thống. 

Tuy nhiên, do mục đích sử dụng quân đội vào các nhiệm vụ tác chiến khác nhau mà mỗi nước nghiên cứu, lựa chọn những phương thức bảo đảm HC-KT khác nhau. Ở bài viết này chỉ đề cập đến phương thức bảo đảm HC-KT của các nước thường xuyên đưa lực lượng tham chiến xa, ở ngoài vùng lãnh thổ, quốc gia hoặc là ở những nơi xa căn cứ đã được xây dựng từ trước.

leftcenterrightdel

Tàu khu trục 23.560 của Nga dự kiến sẽ mang 200 tên lửa chống máy bay, tàu ngầm. Nguồn: ria.ru. 

Như đã trình bày, TCLH là hình thức tác chiến tổng hợp gồm nhiều quân binh chủng tham gia (không quân, hải quân và lục quân), thực hiện phương thức tác chiến nhất thể hoá hiệp đồng tác chiến và chi viện lẫn nhau trong không gian vừa hữu hình, vừa vô hình, bao gồm trên không, trên bộ, trên biển, trên vũ trụ và điện từ. Việc thực hiện bảo đảm HC-KT đối với hình thức tác chiến đồ sộ, quy mô lớn này, nếu chỉ dựa vào phương thức bảo đảm đơn thuần như trước đây sẽ không đáp ứng được yêu cầu của tác chiến hiện đại. Cho nên, cần phải thiết lập một cơ cấu bảo đảm HC-KT nhiều hướng, nhiều chiều và toàn phổ, đồng thời tích cực nâng cao khả năng bảo đảm HC-KT tổng hợp.

Vấn đề tác chiến liên hợp đã làm phát sinh nhiều yêu cầu trong bảo đảm HC-KT. Trước hết đó là các phương tiện phục vụ bảo đảm HC-KT cũng phải được đổi mới theo hướng hiện đại, tiện dụng, cơ động nhanh, hiệu quả lớn. Để đạt được các yêu cầu này, các nước có ý muốn đưa chiến tranh ra ngoài lãnh thổ thường tổ chức các cơ sở quân sự tại nước ngoài để khống chế phạm vi khu vực nào đó. Những cơ sở này được xây dựng từ trước, có đủ năng lực để phát triển cho các nhiệm vụ lớn trong tương lai.

Một yếu tố quan trọng nữa là, nhờ vào sự phát triển khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại, các nước này trang bị hệ thống vận tải có quy mô lớn bằng các loại phương tiện đường không, đường thủy và đường bộ. Chính những phương tiện hữu dụng này đã giúp cho khả năng cơ động bảo đảm đáp ứng nhu cầu tác chiến nhanh, hiệu quả hơn so với bảo đảm truyền thống. Mặt khác, các loại vũ khí công nghệ cao mà các nước sử dụng trong tác chiến hiện nay có một số đặc điểm là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nên nhỏ, gọn hơn, ít tốn nhiên liệu hơn, nhưng lại có nhiều tính năng kỹ thuật, chiến thuật tốt hơn. Do vậy, việc bảo đảm vận tải cũng nhanh hơn, năng lực vận chuyển cũng vì thế mà cao hơn rất nhiều so với truyền thống.

Hiện nay, Quân đội Nga, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đang xây dựng cơ cấu bảo đảm HC-KT nhất thể hoá ba quân chủng, đồng thời quy hoạch thống nhất lực lượng bảo đảm của cả ba quân chủng, nhằm hình thành lực lượng bảo đảm HC-KT theo chỉnh thể thống nhất. Cụ thể là xây dựng cơ cấu bảo đảm HC-KT liên hợp giữa các quân binh chủng, bảo đảm tổng hợp và bảo đảm chuyên ngành; tổ chức và thực hiện thống nhất lực lượng bảo đảm HC-KT của cả ba quân chủng.

Việc bảo đảm này có tác dụng là, khi các hoạt động tác chiến mở rộng trong không gian chiến trường nhiều chiều, có thể cần căn cứ vào các yêu cầu cụ thể trên từng chiến trường, từng trận đánh của các chiến dịch khác nhau; yêu cầu của phương thức tác chiến thông thường và tác chiến đặc biệt, để thực hiện phương thức bảo đảm HC-KT tổng hợp, toàn phổ. Hiện nay, Quân đội Nga và Trung Quốc đang thực hiện cơ cấu bảo đảm HC-KT liên hợp ba quân chủng lấy cấp quân khu làm tổ chức cơ sở, nhằm nâng cao khá năng bảo đảm HC-KT tổng hợp của cả ba quân chủng.

Quân đội Nga và Trung Quốc đang tăng cường một bước khả năng liên kết của hệ thống bảo đảm HC-KT ba cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, nâng cao khả năng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và khả năng bảo đảm toàn phổ cho chiến dịch. Các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây trên thế giới cho thấy, trong các hành động chiến dịch luôn có mục đích của chiến lược và luôn phải cần đến các hoạt động bảo đảm của trình tự chiến lược, đồng thời các hành động chiến thuật lại thường hàm chứa mục đích chiến dịch.

Nắm vững các khâu then chốt, xác lập cơ cấu bảo đảm thích hợp, thực hiện các nội dung trọng điểm của việc liên kết ba quân chủng chính là nâng cao khả năng bảo đảm nhanh cho chiến dịch. Quân đội Nga và Trung Quốc đặc biệt chú trọng xây dựng các căn cứ hậu phương chiến lược, tăng cường khả năng bảo đảm cơ động ứng cứu nhanh, tăng cường xây dựng hậu phương chiến dịch, hoàn thiện cơ cấu bảo đảm HC-KT tổng hợp, nâng cao khả năng bảo đảm chi viện đối với hướng tác chiến chủ yếu.

Để đạt được mục đích, họ xây dựng kế hoạch bảo đảm HC-KT thống nhất, nắm vững trọng tâm, trọng điểm, hiệp đồng tổ chức chặt chẽ từ các điểm liên kết giữa ba quân chủng, thực hiện bảo đảm trên các phương diện, như: Chuẩn bị lực lượng, phương thức bảo đảm và thời cơ bảo đảm luôn đáp ứng yêu cầu của các lực lượng tham chiến. Như vậy, dù trong điều kiện đối tượng tác chiến, không gian tác chiến và hướng tác chiến có thay đổi như thế nào, thì công tác bảo đảm HC-KT cho chiến dịch vẫn có thể lấy cái không thay đổi để đối phó với cái thường xuyên biến đổi, lấy cái biến đổi ít để đối phó với cái biến đổi nhiều, thực hiện bảo đảm HC-KT linh hoạt trên mọi hướng, hiệu quả cao.

Xây dựng cơ cấu bảo đảm HC-KT nhiều cấp, kết hợp không, bộ, biển, vũ trụ, hình thành khả năng bảo đảm toàn phổ là nét mới tiêu biểu trong tác chiến liên hợp. Trong chiến tranh tương lai, phương thức bảo đảm HC- KT đa dạng, toàn phổ sẽ là một trong những đặc trưng quan trọng của công tác bảo đảm HC-KT so với truyền thông. Cho nên, cũng trong tương lai, trên bộ, trên không, trên biển, thậm chí cả trên vũ trụ, trong lòng đất, ngầm dưới nước cũng đều trở thành các lĩnh vực cần bảo đảm HC-KT trong tác chiến. (còn nữa)

ĐỨC TÂM (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo: Thông tin khoa học kỹ thuật quân sự