Tác chiến liên hợp (TCLH) là một phương thức được các nước có nền khoa học quân sự, quốc phòng mạnh trên thế giới phát triển, ứng dụng trong chiến tranh những năm gần đây, nhằm để đạt được mục đích chính trị nhanh chóng, hiệu quả cao nhất. Chính những đặc điểm này đã làm thay đổi một số tiêu chí đánh giá, nhất là về thời gian tác chiến trong khái niệm về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược đã có trong lịch sử quân sự và chiến tranh thế giới.

Theo các nhà khoa học quân sự thế giới, TCLH có đặc điểm là lực lượng tham chiến gồm nhiều nước, nhiều quân, binh chủng và bố trí trên chiến trường rộng lớn, đa chiều (trên không, trên biển, trên đất liền, vũ trụ, điện từ) với nhiều hướng, mũi tấn công, phòng ngự lớn. Đặc điểm làm lên sự khác biệt nhất của phương thức tác chiến này là số lượng vũ khí, trang bị (VKTB) công nghệ cao, lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ rất lớn và đa dạng.

Quá trình tác chiến diễn ra trong không gian chiến trường đa chiều, với các hoạt động và phương thức tác chiến đa dạng. Trong đó, trình tự tiến hành tác chiến nhanh, mức độ đối kháng giữa các bên tham chiến rất quyết liệt. Những yếu tố này chi phối không nhỏ đến tâm lý binh sĩ, ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý của người chỉ huy trong chiến đấu. Đặc biệt, TCLH có ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm HC-KT. Bởi nhu cầu bảo đảm và mức độ tiêu hao, hỏng hóc vật tư, VKTB là rất lớn, làm cho công tác bảo đảm HC-KT trở nên hết sức khẩn trương, phức tạp.

leftcenterrightdel
 Máy bay chiến đấu USAF F-16A, F-15C, F-15E bay trên các giếng dầu đang cháy (do các lực lượng Iraq đốt) trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Nguồn: kplanes.tumblr.com.
Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh (1991), Mỹ đã tập hợp lượng đồng minh gồm 34 nước tham chiến. Quân đội Mỹ chiếm 74% trong tổng số lính trước chiến tranh. Theo thống kê của cơ quan có chức năng, trong tranh Chiến vùng Vịnh, Mỹ đã đưa vào đây 540.000 quân, xấp xỉ quân số đông nhất trong Chiến tranh Việt Nam (560.000). Ngoài ra còn có khoảng 205.000 quân các nước đồng minh, trong đó Anh (35.000), Pháp (gần 15.000). Mỹ động viên từ lực lượng dự bị tới 200.000 người để làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu.

Về vũ khí trang bị, đây là lần đầu tiên các phương tiện vũ trụ được dùng trực tiếp và cũng là lần đầu tiên, tên lửa đường đạn - phương tiện trả đũa duy nhất của Iraq bị bắn hạ với tỉ lệ hơn 35%.

Mỹ và các nước đồng minh đã đưa vào cuộc chiến tranh này lực lượng máy bay chiến đấu rất hùng hậu. Phía Mỹ mang đến 1.800 máy bay các loại, trong đó có khoảng 1.600 chiếc hoạt động với nhịp độ trung bình 2.000 lần/chiếc mỗi ngày. Phía Mỹ đã thực hiện tổng cộng gần 110.000 phi vụ chiến đấu, ném 82.000 tấn bom, đạn, trong đó có 26.000 tấn vũ khí điều khiển chính xác (vũ khí kỹ thuật cao chiếm tới 34%). Tính trung bình, tỷ lệ diệt mục tiêu đạt 32%, có lúc lên tới 80% với mức thiệt hại rất thấp (chỉ mất 42 máy bay, chủ yếu do pháo phòng không Iraq bắn hạ).

Hầu như mọi máy bay chiến đấu hiện đại nhất đều được sử dụng: Tornado (Anh), F-15, F-16, A-10 và F-117A (loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Mỹ). Mặc dù chỉ chiếm 2,5% tổng số máy bay của liên quân, song F-117 được giao tới 40% số mục tiêu của chiến dịch. Ưu điểm chính của loại máy bay này là khó bị radar phát hiện, do đó giảm đáng kể nhu cầu hộ tống và gây nhiễu. Song vì khả năng quan sát hạn chế (nhất là vì không có radar), F-117A khó hoạt động khi tầm nhìn kém (mây thấp hoặc khói dầu).

Các máy bay tương đối cũ F-111, F-4, A-6, B-52... cũng đã được hiện đại hóa đáng kể vào những năm 1980. Ngoài radar mới (thường là bán dẫn), chúng còn được trang bị cảm biến hồng ngoại TV và laser, tạo khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện bị gây nhiễu. Máy bay còn được trang bị rộng rãi các hệ thống chiến tranh điện tử và mang các vũ khí công nghệ cao (xác suất trúng đích đạt tới 80%, uy lực lớn).

Mỹ và liên quân có 1.500 trực thăng các loại, phần lớn thuộc về Thủy quân Lục chiến Mỹ, dụng để tấn công các vị trí phòng không, tạo hành lang cho máy bay đột nhập sâu vào lãnh thổ Iraq. Trên biển, chúng được sử dùng chủ yếu để phá thủy lôi và tấn công các đội tàu nhỏ. Ngoài ra, chúng còn được dùng để chuyển quân, chuyển phương tiện chiến đấu, cứu thương, đồng thời tham gia chi viện hỏa lực cho lực lượng trên bộ.

Về hải quân, Mỹ huy động 42 tàu chiến (29% lực lượng), 31 tàu đổ bộ (50%) và 6 tàu sân bay (43%). Nhiều lớp tàu đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu, như các tàu tuần dương có trâng bị hệ thống AEGIS, tàu đổ bộ đệm khí. Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ, cả tàu nổi lẫn tàu ngầm được dùng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Riêng 6 tàu sân bay ở vùng Vịnh đã có số máy bay chiến đấu nhiều gấp rưỡi so với Iraq. Các tàu đổ bộ Mỹ có sàn sân bay khá rộng, cho phép đổ quân cả bằng máy bay lên thẳng và đảm bảo chi viện hỏa lực bằng máy bay cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B.

Hay như trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria từ ngày 30-9-2016, theo đề nghị của chính phủ Syria, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân, hiện đại để thực hiện ý định. Về không quân có chiến đấu cơ Su-30SM, cường kích Su-24/25, trực thăng tấn công Mi-28N và máy bay vận tải, tiếp dầu... Về phòng không, Nga đã điều đến Syria hệ thống phòng không SA-22, hệ thống Buk và có thể sẽ có cả hệ thống phòng không tầm cao S-300. Về hải quân, Nga điều 4 chiến hạm đến áp sát Syria, trong đó, sức mạnh khủng khiếp nhất là tuần dương hạm Moskva. Về vũ khí, Moskva được trang bị 16 quả tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 “Sandbox”).

Từ những ví dụ sinh động trên và thực tiễn trên cho thấy, việc nhanh chóng thiết lập cơ cấu và khả năng bảo đảm HC-KT thích ứng với cơ cấu tác chiến, thực hiện mục tiêu tổng thể “bảo đảm có hiệu quả” là yêu cầu bức thiết, bảo đảm cho việc tiến hành thắng lợi trong chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của quân đội các quốc gia trên thế giới. (còn nữa)

ĐỨC TÂM (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo: Thông tin khoa học kỹ thuật quân sự