QĐND Online - Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa thông qua quyết định mua các tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai Spike do Israel sản xuất. Theo Defense News, tổng cộng phía Ấn Độ sẽ mua 321 cơ cấu phóng, 8.356 đạn tên lửa và 15 thiết bị hỗ trợ huấn luyện trị giá khoảng 1 tỉ USD. Dự kiến, việc chuyển giao các tổ hợp tên lửa chống tăng Spike sẽ được tiến hành ngay sau khi phía Ấn Độ ký hợp đồng với hãng Rafael (Israel).
Được biết, Rafael hiện là công ty duy nhất tham gia gói thầu tìm nhà cung cấp các tổ hợp tên lửa chống tăng cá nhân được phía Ấn Độ mở từ tháng 7-2010. Lúc đầu, ngoài Rafael, tham gia vào gói thầu này là hãng General Dynamics và Raytheon (Mỹ), MBDA (Pháp) và Rosoboronexport (Nga). Tuy nhiên, sau đó toàn bộ các nhà thầu nói trên đã xin rút thầu và quân đội Ấn Độ đã kiến nghị lên Quốc hội cho phép tiến hành mở thầu với chỉ một nhà thầu tham gia duy nhất là Rafael.
 |
Tổ hợp tên lửa chống tăng Spike. Ảnh: rafael.co.il
|
Nguyên nhân rút thầu của các nhà thầu quốc tế tại Ấn Độ được cho là quốc gia Nam Á này yêu cầu nhà thầu thắng cuộc phải chuyển giao công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Rafael liệu có chấp nhận yêu cầu này của phía Ấn Độ?
Dự kiến, quân đội Ấn Độ sẽ tiếp nhận các tổ hợp Spike qua ba phiên bản: bản hoàn chỉnh từ phía Israel, bản lắp ráp nội địa từ các bộ phận nhập khẩu (Israel) và bản nội địa hoàn toàn do công ty Bharat Dynamics chế tạo. Cùng với đó, Ấn Độ cũng dự kiến sẽ lắp tổ hợp Spike trên các phương tiện chiến đấu bộ binh nước này đang sở hữu.
Cũng cần biết rằng, cuối tháng 7-2010, Ấn Độ đã quyết định mua tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai FGM-148 Javelin của Mỹ. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi phía Pakistan cũng chọn mua dòng vũ khí này. Trước đó, Ấn Độ cũng đã từng 2 lần đưa ra “tuyên bố cuối cùng” về vấn đề mua tổ hợp Javelin. Lần đầu tiên là năm 2008, khi tiến hành cuộc thử nghiệm so sánh tính năng giữa Spike và Javelin, tiếp đó là năm 2009, khi lục quân quốc gia Nam Á này tiến hành thử nghiệm so sánh.
Ngoài Spike, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố hiện rất quan tâm tới khả năng sở hữu các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm xa Arrow-2 do hãng Israel Aerospace Industries (Israel) và Boeing (Mỹ) phối hợp phát triển. Tuy nhiên, để mua được dòng vũ khí phòng thủ tên lửa này, Ấn Độ không chỉ cần có sự chấp thuận của phía Israel, mà còn cả của Mỹ.
Tuấn Sơn (theo Lenta)