Những bức ảnh màu thời chiến

Team Lee là một nhóm các bạn trẻ gồm 12 người, sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng họ đều có chung lý tưởng hướng về quê hương, đất nước. Với khả năng đồ họa sẵn có, các cá nhân ấy đã tìm đến nhau và cùng phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ. Đến nay đã có khoảng hơn 1.000 bức ảnh chân dung liệt sĩ được phục dựng.

Năm 2022, nhóm Team Lee dự tính phục dựng 75 bức ảnh liệt sĩ nhằm kỷ niệm 75 Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhưng số lượng thực tế mà nhóm tổng hợp đã lên tới 10.000 yêu cầu. Khi ấy, các thành viên trong nhóm đều có chung dự cảm “chưa thể dừng lại công việc này”. Bởi lẽ, dù cống hiến cả một đời cho đất nước nhưng khi hòa bình lập lại, trong hơn 1 triệu liệt sĩ, có những người không có nổi một bức ảnh chân dung vẹn nguyên để gia đình hương khói, nhớ về. Ở trong nhà, con cháu muốn thấy mặt ông, mặt cha cũng chỉ biết nhìn qua những bức ảnh đã mờ, cũ, thậm chí là không có ảnh.

Do đó, trong những năm qua, bên cạnh công việc chính, mỗi thành viên trong Team Lee đều cố gắng hỗ trợ các gia đình, thân nhân có liệt sĩ. Những hình ảnh mờ, cũ của những thanh niên quyết tử vì Tổ quốc khi mới vừa tròn đôi mươi; hay những cô gái thanh niên xung phong đầy kiên cường và nghị lực... mà thân nhân liệt sĩ gửi về đều mang một câu chuyện khác nhau. Nhưng đến khi được phục dựng lại, tất cả đều thấm đẫm màu của ký ức, hoài niệm và tinh thần anh hùng.

leftcenterrightdel
Team Lee trao 32 bức chân dung anh hùng tiêu biểu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử như anh Phan Đình Giót, anh Tô Vĩnh Diện... tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 

“Khó khăn lớn nhất của nhóm Team Lee khi phục dựng ảnh đó là chất lượng của những tấm ảnh gốc quá thấp. Ảnh đen trắng, lại mờ, có bức mất đi cả nửa gương mặt; có bức mất đi đôi mắt; có cả bức được vẽ bằng máu. Biết là rất khó nhưng chúng tôi luôn thôi thúc nhau, nếu có thể, hãy cố gắng nhiều hơn nữa”- anh Lê Quyết Thắng (Trưởng nhóm Team Lee) chia sẻ.

Ngoài ra, trên hành trình phục dựng ảnh màu liệt sĩ, không ít lần, Team Lee đã vinh dự hỗ trợ các khu di tích lịch sử, trung tâm, bảo tàng trưng bày chân dung của nhiều anh hùng, chiến sĩ trong những trận chiến đặc biệt. Ví dụ như: Chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh); chân dung 13 liệt sĩ ở “tọa độ lửa” Truông Bồn (Khu di tích Quốc gia Truông Bồn, Nghệ An); chân dung 65 cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định (Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, TP Hồ Chí Minh); chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội). Nhờ vậy, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến tham quan các khu di tích lịch sử có cơ hội được biết thêm, nhớ về gương mặt của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Công việc bắt nguồn từ cảm xúc

Được nhóm phục dựng và trao tặng ảnh tại quê nhà Nghệ An, ông Nguyễn Tiến Liêm (71 tuổi) xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi vô cùng phấn khởi khi nhận ảnh người thân. Các anh trong nhóm là những người trẻ rất có tâm, có đức. Hành động của nhóm cần được nhân rộng vì còn nhiều gia đình liệt sĩ luôn mong mỏi tấm ảnh người thân như gia đình tôi”. Chứng kiến niềm hạnh phúc của người thân liệt sĩ, các thành viên Team Lee càng có thêm động lực làm việc.

Ở tuổi 21, thành viên trẻ tuổi nhất Team Lee - anh Khuất Văn Hoàng cho biết: “Tôi thường bắt đầu sửa ảnh vào ban đêm, thức lâu và làm nhiều, dần rồi cũng quen. Nhiều lúc cũng mệt nhưng luôn có tinh thần làm việc, vì đây giống như một sứ mệnh mà thế hệ trẻ cần làm để báo đáp công ơn của những người đi trước”.

Vượt qua những khó khăn về kỹ thuật làm ảnh hay thời gian làm việc, công việc phục dựng chân dung liệt sĩ miễn phí không biết từ bao giờ đã trở thành “sứ mệnh” - luôn gắn bó với cuộc sống của mỗi thành viên trong Team Lee. Với họ, sứ mệnh không phải là những hành động lớn lao mà chỉ đơn giản là vui cùng sự hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng đang ôm lấy di ảnh của người con “trốn nhà đi đánh Mỹ”; hay khóc cùng những gia đình chỉ có duy nhất bức ảnh của người anh, người chồng đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt.

Thấy rằng, từng bức ảnh mà Team Lee thực hiện đều rất gần với gương mặt mà gia đình mong nhớ. Để có được thành phẩm tỉ mỉ đến từng chi tiết, đường nét mắt, mũi, miệng; phần lớn là nhờ công nghệ hiện đại. Những bức ảnh khiến người xúc động đến vậy thì đó phải là cảm xúc do con người truyền tải vào. Như cách mà Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu nhắn nhủ tới công việc mà Team Lee đang làm: “Máy và người là khác nhau, nếu chúng ta đều như cái máy thì cuộc đời này vô nghĩa. Con người chúng ta khác máy là vì chúng ta có cảm xúc”.

leftcenterrightdel
Những con người đã sẵn sàng ngã xuống vì Tổ quốc, nay trở về với gia đình trong hình dáng tuổi thanh xuân. 

Hy vọng sẽ có thật nhiều “Team Lee”

Hiện nay, theo thống kê, cả nước ta còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây là nỗi trăn trở không chỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Quân đội mà còn của hàng triệu người dân Việt Nam. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, việc tri ân, báo đáp công lao của những anh hùng thời chiến càng được chú trọng hơn cả.

Góp một phần nhỏ vào công việc ấy, Team Lee vẫn miệt mài hỗ trợ những gia đình có mong cầu phục chế di ảnh. “Số lượng ảnh mong được phục dựng mà chúng tôi nhận được là rất lớn. Vì vậy, Team Lee rất hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ và các nhóm phục dựng khác giống như Team Lee được thành lập để cùng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ” - anh Lê Quyết Thắng gửi gắm hy vọng. Ngoài ra, trưởng nhóm Team Lee mong muốn những những người trẻ trong gia đình liệt sĩ như thế hệ con, cháu sẽ giúp đỡ ông, bà trong quá trình trao đổi thông tin với nhóm để việc phục dựng ảnh thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Trong khoảng thời gian tới, bên cạnh những gia đình đã liên hệ, Team Lee đang hỗ trợ Điện ảnh Quân đội nhân dân phục dựng 38 bức chân dung của những nhà báo chiến trường, cũng như hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Bài, ảnh: HÀ PHƯƠNG - HOÀNG LAM - THÚY NGÂN