Ăm ắp tình yêu thương

Năm học 2024-2025 là năm học vô cùng đặc biệt đối với Sộng A Tảng (sinh năm 2012, nhà bản Nong Phụ, xã Mường Lạn) và Sộng Mạnh Quốc (sinh năm 2015, nhà ở bản Pá Kạch, xã Mường Lạn). Lần đầu tiên, hai cậu học trò nhỏ xa vòng tay của mẹ để bắt đầu cuộc sống ở một gia đình mới - Đồn Biên phòng Mường Lạn. Dù mới về Đồn Biên phòng Mường Lạn chưa được bao lâu nhưng Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc không lạ lẫm mà có phần tự tin, khoanh tay chào khi gặp người lớn.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình cùng các con nuôi chuẩn bị đồ dùng học tập cho năm học mới. 

Thực ra, cả hai đã được Đồn Biên phòng Mường Lạn nhận làm con nuôi từ mấy tháng trước, nhưng, vì còn nhỏ, việc xa gia đình không thể nói là làm luôn nên đơn vị vẫn để các cháu sống ở nhà. Hàng tuần, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn đều đến nhà đón các cháu về Đồn Biên phòng ở một vài ngày làm quen. Một tuần trước, Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc đã không ngần ngại gật đầu trước câu hỏi “Cháu có sẵn sàng về đồn Biên phòng ở không?”.

Hẳn có người sẽ nghĩ, những bữa ăn ngon, bộ quần áo đẹp, trò chơi mới là điều níu giữ 2 đứa trẻ sinh ra trong thiếu thốn thiệt thòi này ở lại đồn Biên phòng. Thế nhưng, chứng kiến Tảng và Quốc háo hức đi theo các anh chiến sĩ ra vườn tăng gia, lăng xăng giúp các chú cán bộ chuyển đồ vào kho, cảm thấy thích thú khi được nhờ lấy cái này, cầm cái kia sẽ cho người ta cách nhìn nhận khác. Đặc biệt, nhìn cách mà những người lính Biên phòng chu đáo chuẩn bị quần áo, sách vở cho năm học mới, ai cũng có thể thấy đó là tình cảm của người cha mẹ với con, của anh trai với em nhỏ trong gia đình.

Trung tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: “Trước khi đưa các cháu về đơn vị, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất giao cho Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình, nhân viên Đội Vận động quần chúng phụ trách 2 cháu con nuôi. Sự dịu dàng của người phụ nữ sẽ khiến các cháu cảm thấy ấm áp hơn khi ở đồn. Cháu Tảng và Quốc được bố trí phòng riêng, gần phòng đồng chí Bình để tiện chăm sóc, kèm cặp. Đơn vị chúng tôi từng nhận nuôi 5 cháu và các cháu đến nay đều trưởng thành, ngoan ngoãn, tiếp tục học lên cao. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cháu Tảng, cháu Quốc được phát triển bản thân”. Những lời tâm sự nhẹ nhàng nhưng chứa đầy trách nhiệm và có cả sự quyết tâm của người chỉ huy đơn vị khiến chúng tôi tin nhất định Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc sẽ có những tháng ngày hạnh phúc ở Đồn Biên phòng Mường Lạn.

leftcenterrightdel
 Sộng A Tạng và Sộng Mạnh Quốc đã thoải mái vui chơi ở Đồn Biên phòng Mường Lạn. 

Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở thành phố Sơn La. Đã có quãng thời gian nghèo khó, vất vả, đến trường với chiếc bụng đói, manh áo mỏng bởi vậy mà khi nhìn những đứa trẻ ở nơi biên cương này, chị càng thương hơn và muốn làm một điều gì đấy. Khi chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc chị nhận nhiệm vụ mà như thể nhận được điều mà mình mong ước bấy lâu. Chúng tôi hiểu rằng, Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình sẽ là mẹ của Sộng A Tạng, Sộng Mạnh Quốc trong những ngày ở đồn.

Vun đắp những ước mơ

Về ở Đồn Biên phòng Mường Lạn, cuộc sống của Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc như bước sang trang mới. Căn phòng ở có đệm ấm, chăn êm. Thích nhất là chiếc bàn học được kê ngay ngắn ở gần cửa sổ. Đây là những thứ mà cả trong mơ Tảng và Quốc cũng không dám nghĩ tới. Rồi, Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc chợt nhận ra, có thứ còn hơn cả bữa ăn ngon, quần áo đẹp, đó chính là tình cảm của mọi người trong đồn dành cho hai anh em. Những lời động viên để hai con nuôi của đơn vị dần hình thành ý thức việc học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

leftcenterrightdel
Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc có phòng riêng ở Đồn Biên phòng Mường Lạn. 

Qua những câu chuyện mẹ Bình kể, Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc biết rằng, mình còn có những người anh chị khác. Trước khi Tảng và Quốc đến đây, các bố, mẹ đã nuôi các anh chị, nay mọi người đã trưởng thành và rời ngôi nhà này. Đó là chị Sộng Thị Dở, ở đồn từ lớp 5 đến lớp 9, lên cấp 3 thì phải ra trung tâm huyện học, ngày lễ, tết mới về thăm. Đặc biệt, có những anh chị đã tốt nghiệp lớp 12, thi đỗ đại học, cao đẳng, như chị Thào Thị Dâu là sinh viên Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sơn La; anh Thào Tra Pó là sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; anh Giàng Động Tủa là sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc còn có anh Sạn Bun Ni bên Lào, hiện đang học lớp 10. Mẹ Bình bảo, Tảng và Quốc cũng giống các anh chị, gia đình nghèo nhưng hiếu học nên Đồn Biên phòng Mường Lạn nhận về nuôi để tạo điều kiện cho đi học. Và, nếu Tảng và Quốc ngoan, học giỏi thì có một ngày mấy anh chị em sẽ được gặp nhau.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình và Binh nhất Lò Tuấn Linh đưa 2 con nuôi của đơn vị đi nhận lớp.  

Chia sẻ về “nhiệm vụ” của mình, Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình cho biết: “Cháu Quốc năm nay mới vào lớp 4, cháu Tảng lớp 5. Con đường học của các cháu còn rất dài. Tôi xác định, sẽ có nhiều khó khăn, nhất là khi hai cháu tiếng phổ thông còn hạn chế, sẽ phải tập cho các cháu nói thường xuyên hơn. Nói là giao cho tôi nhưng việc chăm sóc các cháu sẽ là của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Các cháu sẽ được sinh sống, học tập và lớn lên điều kiện tốt nhất có thể. Việc chăm sóc, kèm cặp hai cháu không chỉ là nhiệm vụ do chỉ huy đơn vị giao mà tôi đối với các cháu còn là tình thương”. Vì Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc còn nhỏ nên hằng ngày Thiếu tá QNCN Quàng Thị Bình và Binh nhất Lò Tuấn Linh sẽ thay phiên đưa đón các con nuôi đi học. Mọi người tin rằng, những hành động quan tâm như thế sẽ là sợi dây kết nối tình cảm giữa cha mẹ và các con của đơn vị.

Căn phòng của Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc vừa đủ kê 2 chiếc giường, tủ, bàn học tập và giá để sách. Cũng như các phòng khác, phòng của Tảng và Quốc  gọn gàng, ngăn nắp. Để có được điều này, từ khi mới về, Sộng A Tảng và Sộng Mạnh Quốc được anh Tuấn Linh hướng dẫn gấp chăn màn và tự dọn vệ sinh căn phòng mình ở. Anh Tuấn Linh muốn rèn cho Tảng và Quốc hình thành thói quen ăn ở gọn gàng, ngăn nắp. Tảng và Quốc nhớ mãi lời anh Tuấn Linh nói: “Trước khi học giỏi thì phải ngoan ngoãn, lễ phép và biết chăm sóc bản thân. Có như vậy các em mới trưởng thành như các anh Pó, Tủa, chị Dâu, chị Dợ… Khi rời đồn Biên phòng sẽ tự tin hơn để bước vào cuộc sống tự lập”.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.