Về với Tr’hy

Nhắc đến Tr’hy, người ta nghĩ đến 1 trong 4 xã vùng cao, xa xôi bậc nhất của huyện biên giới Tây Giang, nơi có hơn 90% là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Tr’hy cũng là một phần của Khu 7- căn cứ cách mạng đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi đất nước cần, rất nhiều thanh niên trai tráng, cả nam và nữ Cơ Tu nơi đây đã không tiếc công, tiếc sức, người ra chiến trường cầm súng chiến đấu, người làm dân công vận chuyển gùi lương thực, vũ khí cho bộ đội vào Nam đánh giặc. Những câu chuyện ấy cho tới bây giờ vẫn luôn là niềm tự hào không chỉ của người già mà còn cả lớp trẻ hôm nay.

Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Quảng Nam tặng quà người dân xã Tr’hy tại Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản Xuân Ất Tỵ 2025. 

Trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, Đồn Biên phòng A xan (đóng chân tại xã A Xan (huyện Tây Giang) buộc phải di dời do bị sạt lở. Vị trí mới được lựa chọn là thôn A Banh 2 (xã Tr’hy). Sau gần 2 năm xây dựng, đầu năm 2024, Đồn Biên phòng Tr’hy kiên cố được đưa vào sử dụng. Sự hiện diện của Đồn Biên phòng khang trang, đẹp đẽ trở thành niềm tự hào của người dân Tr’hy. Đó cũng là lý do UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn Tr’hy là nơi diễn ra Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là lần đầu tiên, Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản được UBND tỉnh Quảng Nam đứng ra tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban ngành đoàn thể, đại diện lãnh đạo các huyện, xã biên giới trong tỉnh.

Chương trình gồm hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc như: Hát múa "Đất nước mùa xuân", "Nhịp điệu Tây Giang", múa cồng chiêng truyền thống do đồng bào dân tộc trên địa bàn biểu diễn. Ngoài ra, các hoạt động thi hội trại, trò chơi dân gian, lễ hội ẩm thực vùng cao và khám bệnh cấp thuốc miễn phí cũng đã mang lại ấn tượng sâu sắc. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao 24 con bò giống; 18 giếng khoan đảm bảo nguồn nước sinh hoạt; 16 ngôi nhà "Mái ấm biên cương"; 5 công trình "Thắp sáng vùng biên" dài 5km bằng đèn năng lượng mặt trời; 1 khu vui chơi trẻ em; 1.500 suất quà; 600 chăn ấm; 3.000 áo ấm; 74 xe đạp; 200 suất bánh kẹo; 500 cặp bánh chưng cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín và gia đình khó khăn trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng. Chương trình là hoạt động tri ân đồng bào các dân tộc khu vực biên giới đã sát cánh cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 Trẻ em không chỉ được nhận quà bánh kẹo, quần áo, xe đạp mới, còn được tham gia nhiều trò chơi thú vị.

Đây là dịp thể hiện tinh thần "Quảng Nam chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau". Đêm lửa trại tại Đồn Biên phòng Tr’hy thu hút đông đảo mọi người tham gia. Những bài hát Nối vòng tay lớn, Bến cảng quê hương tôi… được hát với tất cả niềm say mê. Những cái nắm tay thật chặt kết nối người với người cứ xoay tròn như không có hồi kết trong đêm Xuân biên giới.

Lắng nghe mùa Xuân về

Nếu như trước đây, đồng bào Cơ Tu ở Tr’hy làm nhà dưới tán rừng theo từng tốp vài nhà thì nay, với sự đầu tư của chính quyền địa phương, các bản làng được quy hoạch để thuận tiện cho việc đầu tư xây dựng điện, đường, trường, trạm. Việc làm này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tạo nên diện mạo mới cho vùng biên giới Tây Giang. Với những món quà từ Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản Xuân Ất Tỵ 2025, chắc chắc sẽ có nhiều gia đình có cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Già A lăng Danh chia sẻ: “Năm nào, BĐBP cũng tổ chức chương trình để bà con lên đồn vui Xuân, đón Tết. Vui lắm vì mọi người được ăn uống, được xem ca nhạc, được múa hát và có quà mang về. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, trẻ em được đi học. Già đã sống 70 năm rồi nhưng năm nay già thấy vui nhất”.

Ban Tổ chức Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản trao sinh kế cho người dân khó khăn trên địa bàn. 

Đây là lần đầu tiên Pơ Loong Khang (sinh năm 2013, tại thôn A Banh 2, xã Tr’Hy) ăn Tết tại Đồn Biên phòng Tr’Hy. Tháng 9-2024, em được Đồn Biên phòng Tr’hy nhận em làm con nuôi, đưa về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng. Em Pơ Loong Khang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mất sớm, mẹ bị khuyết tật, hiện đang học lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan). Rời xa gia đình, thế nhưng Pơ Loong Khang không cảm thấy lạc lõng bởi luôn nhận được sự quan tâm của các bố, các chú và đặc biệt là các anh chiến sĩ trong đồn. Thêm nữa, Pơ Loong Khang cũng không phải là con nuôi duy nhất của Đồn Biên phòng Tr’hy. Trước đó là anh Cơ Lâu Ân (nhà ở thôn A Banh 2, xã Tr’hy, nay đã chuyển xuống trung tâm huyện Tây Giang để theo học cấp 3) và Hốih Đức Hữu (sinh năm 2013, nhà ở thôn K’non, xã A Xan, cũng dân tộc Cơ Tu). Hốih Đức Hữu về đồn Biên phòng trước nên thường chỉ cho Pơ Loong Khang những việc cần chú ý khi sống ở Đồn Biên phòng. Vì cùng bằng tuổi nên Hốih Đức Hữu và Pơ Loong Khang nhanh chóng thân nhau; nhờ vậy đã giúp Pơ Loong Khang vơi đi nỗi nhớ nhà, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống ở Đồn Biên phòng. “Cháu rất thích ở Đồn Biên phòng vì được ăn no, mặc ấm tới trường. Cháu sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để không phụ công các bố, các chú Biên phòng”- Pơ Long Khang chia sẻ.

 Nhiều người dân được khám, cấp thuốc miễn phí.

Điều đặc biệt là Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản Xuân Ất Tỵ 2025, đó là Ban Tổ chức dành 300 suất quà trị giá 150 triệu đồng cho người dân các bản giáp biên phía đối diện (nước bạn Lào). Có một sự thật và được coi là điều hiển nhiên, đó là chưa khi nào chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang quên những người anh em Lào ở bên kia biên giới. Trong tâm trí, những người dân các bản Lào giáp biên luôn là anh em, không chỉ vì mối quan hệ thân tộc mà còn vì đã cùng nhau kề vai sát cánh đánh đuổi đế quốc Mỹ. Những con người ấy, vẫn chảy dòng máu Việt, nhiều người đã đóng góp công sức, thậm chí là một phần thân thể cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù đã thành công dân Lào nhưng những con người này 1 năm vẫn đón hai cái Tết đó là Bun Pimay (theo phong tục của người Lào) và Tết Nguyên đán (theo phong tục của người Việt). Mùa xuân Tr’hy trên khúc đoạn biên giới Việt Nam-Lào này được tô đẹp thêm sắc màu như thế bởi vậy mà càng thêm ý nghĩa, tươi đẹp hơn. 

Bài, ảnh: THANH TRÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.