Chúng tôi thực sự bị cuốn hút trước một chương trình tuyên truyền được dàn dựng công phu và nhiệt huyết của tuổi trẻ Đoàn 9 (Binh đoàn Cửu Long) nhân kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4) và 45 năm ngày truyền thống binh đoàn. Tâm điểm của chương trình là hoạt cảnh kịch “Thư gửi người đang sống”, tái hiện một sự kiện có thật, là niềm tự hào của Đoàn 9 những năm đánh Mỹ. Diễn biến sự kiện như sau:

Sau trận tập kích tiêu diệt địch ở thị xã Thủ Dầu Một (tháng 2-1966), trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội thông tin được phân công nghi binh đánh lạc hướng địch, bảo đảm an toàn cho đội hình hành quân. Các chiến sĩ trong tiểu đội lần lượt hy sinh, còn 3 chiến sĩ dìu nhau đến một cánh rừng thì kiệt sức. Các anh đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời, cùng nhau viết một bức thư “gửi người đang sống”, trong đó có đoạn: “Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3.Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam… Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi cho ai đó tìm được… Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên. Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng, chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm nghìn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn…”.

Hài cốt của ba liệt sĩ cùng bức thư được cất giữ cẩn thận trong bọc ni-lông được tìm thấy tại một cánh rừng nguyên sinh phía thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc tỉnh Bình Dương cách đây hơn 10 năm. Câu chuyện ấy, thông điệp của bức thư trở thành phương châm sống, hành động và cống hiến của tuổi trẻ Đoàn 9. Hằng năm, mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam hoặc ngày truyền thống đơn vị, câu chuyện và thông điệp từ bức thư đó lại được thổi bùng lên, trở thành tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ chiến sĩ. Năm nay, hình thức tuyên truyền được đổi mới thông qua hoạt cảnh kịch nói, do các chiến sĩ trẻ thể hiện. Đại tá Phạm Tiến Dũng, Chính ủy Đoàn 9 cho biết: Chúng tôi lựa chọn hình thức sân khấu để tái hiện lại hành động dũng cảm của các chiến sĩ năm xưa, đặc biệt là truyền lửa thiêng từ bức thư “gửi người đang sống” để giáo dục, bồi dưỡng, vun đắp vẻ đẹp nhân cách cho chiến sĩ”.

Mạch nguồn truyền thống

Giá trị truyền thống ấy như một mạch nguồn cảm xúc đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn 9. Đại tá Phạm Tiến Dũng tâm sự: Đoàn 9 là chiếc nôi của nhiều thế hệ cán bộ đã trưởng thành, giữ các cương vị cao trong quân đội, là những tấm gương sống động về ý chí, nghị lực, nhân cách để thế hệ trẻ noi theo.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (Sáu Thành), Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long, là một trong những cán bộ trưởng thành từ Đoàn 9. Tại buổi họp mặt truyền thống cựu chiến sĩ xe tăng Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp Miền, nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4, nhiều người được biết thêm một câu chuyện mang nghĩa khí anh hùng của ông (do ông Hoàng Trọng Khăng kể lại). Năm 1974, Sáu Thành là Đại đội trưởng Đại đội 10 xe tăng, Hoàng Trọng Khăng là Đại đội phó kỹ thuật. Gặp lại nhau sau bao năm xa cách, ông Khăng ôn lại kỷ niệm với người đại đội trưởng năm xưa:

- Tôi còn nhớ khi đơn vị hành quân đến Phước Long, chuẩn bị bước vào chiến dịch thì anh bị sốt rét nặng. Bộ chỉ huy chiến dịch giao tôi chỉ huy đại đội chiến đấu. Tôi lo lắng vô cùng vì mình làm công tác kỹ thuật, đâu có kinh nghiệm chỉ huy. Khi đơn vị đang chuẩn bị xe vào trận đánh thì anh đề nghị được tham gia chiến đấu. Nghe anh nói, tôi cũng thỏa lòng, còn cán bộ, chiến sĩ đơn vị như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực. Tài chỉ huy và bản lĩnh của anh, trong đơn vị ai cũng biết. Đội hình xe tăng đã phối hợp cùng các lực lượng khác đánh trận Phước Long giành thắng lợi giòn giã.

Chiến thắng Phước Long được nhiều người biết, nhưng chuyện Đại đội trưởng Sáu Thành bị sốt rét vẫn xung phong ra trận, chỉ huy đơn vị chiến đấu thì đến hôm nay nhiều người mới biết. Với chiến thắng vang dội ở Phước Long, Lộc Ninh, Đại đội 10 do Sáu Thành chỉ huy sau đó đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá Trương Văn Đàng (Năm Đàng), nguyên Phó tư lệnh Đoàn 9 giai đoạn 1969 -1971 đã nêu một tấm gương, gây xúc động mạnh mẽ đối với cán bộ, chiến sĩ. Ở thành phố “tấc đất tấc vàng”, ông đã dành một phần khuôn viên nhà mình cùng Ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn 9 xây dựng đền thờ đồng đội. Những năm gần đây, ông và các đồng đội trong ban liên lạc đã vận động, xây dựng gần 100 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Đồng đội một thời sống chết có nhau, mình là những người còn sống, phải sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình”.

Còn nhiều những tấm gương như vậy, đúc kết thành sức mạnh truyền thống của một đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 9 là lực lượng tiến công trên hướng Tây-Tây Nam vào giải phóng Sài Gòn, cắm cờ cách mạng tại trụ sở Biệt khu thủ đô Ngụy lúc 10 giờ 30 phút ngày 30-4, sau đó tiến đến Dinh Độc Lập, hòa chung niềm vui chiến thắng.

Đến các phân đội của Đoàn 9 hôm nay, chúng tôi đều bắt gặp khí thế tiếp lửa truyền thống từ những điều linh thiêng. Đại úy Ôn Xuân Trường- “thủ lĩnh thanh niên” của Đoàn, người viết kịch bản cho hoạt cảnh “Thư gửi người đang sống” sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ở Đoàn 9 hiện có hơn 30 sĩ quan sinh năm 1975, phần lớn là cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn. Đại úy Hoàng Văn Lừng, Chính trị viên Đại đội 16 (Đơn vị 1) có hai anh ruột đều là cán bộ cùng đơn vị; cả ba luôn gương mẫu, nhiệt huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại tá Phạm Xuân Trạo, Đoàn trưởng cho biết: Liên tục những năm gần đây, Đoàn 9 là đơn vị điển hình của Binh đoàn Cửu Long, được Bộ Quốc phòng tặng cờ thưởng. Nhờ làm tốt công tác quản lý, giáo dục, những năm qua Đoàn không có chiến sĩ đào bỏ ngũ. Năm 2009, Đoàn được Bộ Tổng tham mưu chọn làm đơn vị điểm về huấn luyện, xây dựng chính quy ở khu vực phía Nam. Đây cũng là đơn vị đi tiên phong triển khai mô hình “Công viên văn hóa quân nhân” mang lại hiệu quả thiết thực. Sôi nổi thi đua, tiếp lửa truyền thống, thế hệ trẻ Đoàn 9 hôm nay đang viết tiếp bản hùng ca về người chiến sĩ trên mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Nhân dân xã Phú Hữu, Đồng Nai đưa hàng trăm thuyền, xuồng chở bộ đội qua sông Đồng Nai tiến vào giải phóng Sài Gòn.

PHAN TÙNG SƠN