Cựu chiến binh Lê Văn Bằng, sinh ngày 10-2-1932, tại làng Vân, xã Vân Hòa, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - người đã vượt qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta là một người như thế.
Chúng tôi có mặt tại nhà cựu chiến binh Lê Văn Bằng (phố Kim Mã, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) và được người lính lái xe của Tiểu đoàn 734 năm xưa kể lại những kỷ niệm của một thời hào hùng, đội mưa bom bão đạn trên chiến trường xưa.
Năm 1950, khi tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Lê Văn Bằng xung phong lên đường nhập ngũ. Do có nghề ô tô nên ông được chuyển ngay về Cục Vận tải của Bộ Quốc phòng. Đến ngày 25-5-1950, Cục Vận tải thành lập xưởng sửa chữa Tiền Phong, nhiệm vụ của xưởng là đi thu hồi các vật tư, vật liệu về sửa chữa, lắp ghép thành xe chạy được. Đến cuối năm 1950, khi Chiến dịch Biên giới kết thúc, đơn vị ông thu được 73 xe chiến lợi phẩm của quân Pháp. Ngay sau đó, Cục Vận tải quyết định thành lập Đại đội 200 và Đại đội 203. Đây cũng chính là 2 đại đội xe đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Theo cựu chiến binh Lê Văn Bằng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của đội.
 |
Bức ảnh Bác Hồ quay maniven xe ô tô của cựu chiến binh Lê Văn Bằng được treo trang trọng trong phòng khách nhà ông.
|
“Dịp đó, Bác Hồ đi công tác từ chợ Chu - Bắc Kạn lên Cao Bằng. Đến ngày 28-3-1951, Bác đi kiểm tra các đơn vị chuẩn bị cho chiến dịch Hoàng Hoa Thám thì tiểu đội xe của tôi được lệnh ra ngã ba Khâu Đồn, đường số 3 cách thị xã Cao Bằng 8km về phía Nam để đón Bác. Lúc đó tôi lái chiếc xe Gaz 63 do Liên Xô chế tạo, khi Bác đến xe tôi, tôi lên cầm maniven xuống để khởi động xe nhưng Bác nhanh tay đón lấy và bảo tôi “chú lên xe đi để Bác quay cho”. Sự việc diễn ra quá nhanh không ai kịp xin Bác nhường lại việc này và cũng rất nhanh, chỉ vài động tác Bác đã khởi động được xe. Một đồng chí bảo vệ ở đó chỉ kịp giơ máy ảnh lên chụp và tấm ảnh này hiện nay được treo trang trọng trong phòng của tôi”, cựu chiến binh Lê Văn Bằng nhớ lại.
Theo cựu chiến binh Lê Văn Bằng, đêm ấy, Bác Hồ vào thăm hai đại đội xe. Cả hai đội tập hợp trên thửa ruộng bậc thang, cán bộ, chiến sĩ của hai đại đội 200, 203 vô cùng xúc động khi nghe những lời dạy ân cần của Bác: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Xe, xăng là tài sản, là mồ hôi, là xương máu của nhân dân, vì vậy, Bác yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ ngành xe cần phải thực hành tiết kiệm, ra sức giữ gìn tài sản của nhân dân như máu của chính mình. Lời dạy đó đã trở thành phương châm chỉ đạo, khẩu hiệu hành động trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành xe - máy Quân đội từ khi thành lập đến nay.
Với cựu chiến binh Lê Văn Bằng, cung đường nào, chuyến xe nào cũng để lại nhiều kỷ niệm, mỗi ngày đi qua mới biết mình còn sống. Có những lúc sự sống và cái chết mong manh đến nỗi không ai dám nghĩ đến bởi đường đi đầy bom mìn, không biết nổ khi nào… và đã nhận nhiệm vụ là lên đường, chỉ nghĩ có tiến chứ không bao giờ chịu khuất phục.
 |
Cựu chiến binh Lê Văn Bằng
|
Năm 1954, ông trực tiếp tham gia lái xe phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể: “Có một kỷ niệm sâu sắc với tôi, hôm đó tôi lái chiếc xe GMC Pen bệ sắt nhận nhiệm vụ chở 20 thùng phuy xăng từ đèo Mèo lên Tuần Giáo. Đợt đó máy bay địch đánh phá làm hỏng mặt đường chính, dân công phải mở đường đi tránh, trời mưa khiến đường lầy lội mà còn dốc cao. Khi tôi lên đến đỉnh dốc Pha Đin dừng lại nhìn ra sau thì 20 thùng xăng đã biến đâu mất, cửa thì bị gãy. Hồn vía trên mây, tôi quay lại đèo Mèo, may mắn thay 20 thùng phuy đã được bộ đội và dân công tập trung lại một chỗ. Sau đó, bộ đội và dân công giúp tôi vần các thùng phuy lên xe và chằng buộc thật kỹ, xe lại tiếp tục lên đường và khi lên đến đỉnh Pha Đin thì cũng là lúc trời sáng. Hôm đó chỉ sợ máy bay địch phát hiện, cũng rất may khi xuống đèo Tuần Giáo sương mù dày đặc nên tôi đã về và trả hàng an toàn”.
Cũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã bị mảnh bom găm vào cơ thể nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ, sau phẫu thuật và nghỉ ngơi vài hôm ông đã có thể quay lại công việc của mình.
Đến năm 1964, vì là chiến sĩ lái xe có nhiều kinh nghiệm vào phục vụ cho chiến trường nên ông được chuyển vào Binh trạm 12 thuộc Đoàn 559. Sau đó, ông được biên chế từ lái xe lên cán bộ phụ trách đại đội đầu tiên của Trung đoàn ô tô vận tải 235 nhưng đến tháng 11-1965, Trung đoàn 235 giải thể. Sau khi được Tổng cục Hậu cần tăng cường cán bộ chỉ huy, lái xe và phương tiện, Cục Vận tải thành lập 3 tiểu đoàn ô tô vận tải trực thuộc Cục, thì ông thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 734. Tuy bom đạn của địch rất ác liệt nhưng Đại đội 9 của ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cựu chiến binh Lê Văn Bằng nhớ lại: “Đội của tôi có nhận nhiệm vụ phá bom từ trường. Đây là việc vô cùng nguy hiểm vì rất dễ hy sinh. Có lần đồng đội của tôi là Nghiêm Xuân Oanh xung phong đi phá bom từ trường trên Đường 15A. Lúc đồng chí Oanh lên xe đi phá bom từ trường, chúng tôi đã làm lễ truy điệu sống, khi bom nổ cả xe và người phi nhanh xuống vực nhưng may mắn đồng chí Oanh không hy sinh. Trước đó có 2 đồng chí đã hy sinh khi đi phá bom từ trường”. Với những thành tích của mình, Đại đội 9 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì; ngày 22-12-1967, Đại đội 9 được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
 |
Cựu chiến binh Lê Văn Bằng và vợ.
|
Đến năm 1975, ông tham gia vào Chiến dịch Tây Nguyên và với việc quân ta giành chiến thắng trong trận Buôn Ma Thuột, đã tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1977, Thượng tá Lê Văn Bằng chuyển ngành sang Bộ Nội thương theo nguyện vọng của bản thân và làm phó giám đốc công ty thực phẩm. Đến năm 1989, ông nghỉ hưu theo chế độ và được nhân dân tin tưởng bầu giữ chức Tổ trưởng dân phố đến năm 2012.
Giờ đây khi đã ở cái tuổi xế chiều, vết thương chiến tranh vẫn còn trên da thịt, nhưng người chiến sĩ lái xe năm nào vẫn luôn phát huy truyền thống cao đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ, luôn lạc quan, gương mẫu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, mãi là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Bài và ảnh: MINH CHÂU