Tại đây, chúng tôi gặp được những thầy giáo, cô giáo và cả những em học sinh tiêu biểu-vừa được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng đã góp phần tạo nên kỳ tích trong năm học 2020-2021 của nhà trường. Chuyện của người đảng viên này không màu mè, không dài dòng, rất thật, rất tâm huyết. Đó không chỉ là câu chuyện của một giáo viên trên bục giảng đơn thuần.

Dù không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quỳ Hợp, nhưng thầy giáo Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 2 lại là người hiểu rõ từng ngôi làng, các bản người dân tộc Thái, Thổ, Ê-Đê... vùng đất miền tây bắc tỉnh Nghệ An này. Đứng bên dòng sông Quỳ Hợp đang mùa nước lũ, cuồn cuộn chảy, thầy Sơn giới thiệu:

"Bên kia là Châu Lộc, phía này là Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Yên Hợp, Đông Hợp... Trước đây học sinh ở các xã này phải đi học xa, đường  khó khăn, cứ đầu mỗi năm học là học sinh thường xuyên phải nghỉ học do nước lũ về cô lập từng xã, từng thôn! Từ năm 1997, Trường THPT Quỳ Hợp 2 được khánh thành và đưa vào hoạt động đã giúp cho hơn một nghìn học sinh các xã Đông Bắc của huyện thuận tiện hơn trên đường đến trường".

 Một hoạt động của học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 2.

Câu chuyện của thầy Sơn đưa chúng tôi trở lại thời khó khăn của người dân vùng đất này. Thời ấy, Quỳ Hợp từng là điểm nóng nổi tiếng vì đá đỏ, để lại cho nơi đây hậu quả nặng nề. Trẻ em là những đối tượng thiệt thòi nhất. Chúng cũng bị cơn lốc kiếm tiền cuốn theo mà bỏ quên sự chí thú học hành. Những năm gần đây, khi tác động, ảnh hưởng của cơn lốc đá đỏ vơi dần thì sự học của các em mới bắt đầu nhen nhóm những yếu tố tích cực.

Thầy Phan Văn Sơn khoe, từ nay, Trường THPT Quỳ Hợp 2 đã có tên trên “bản đồ tri thức” trong nước. Theo thầy Sơn, năm qua lần đầu tiên nhà trường có 100% học sinh tốt nghiệp THPT, có nhiều học sinh đậu vào các trường đại học tốp đầu cả nước, làm rạng danh vùng quê nghèo miền núi khó khăn.

Đặc biệt, toàn bộ học sinh lớp 12A1 và 12A2 đều trúng tuyển nguyện vọng 1, nhiều em đạt điểm cao như: Đậu Ngọc Hà Phương (28,9) trúng tuyển Học viện Quân y, Nguyễn Quán Thục Anh (28,75) trúng tuyển Đại học Ngoại Thương, Nguyễn Tiến Hưng (28,55) trúng tuyển Học viện Hậu cần… Và nhiều em đậu vào các trường: Bách khoa Hà Nội, Y dược Hà Nội, Học viện Tài chính… Đặc biệt, lớp có 3 em được tuyển thẳng là Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Trí Đạt (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phan Văn Tài Nguyên (Đại học Sư phạm Hà Nội).

Một trong số những thầy giáo có thâm niên “Chủ nhiệm lớp” và “Chủ nhiệm thôn” lâu năm nhất của nhà trường là Nguyễn Hải Thành, giáo viên môn Vật lý. Thầy Thành có cách làm riêng, độc đáo để học sinh tập trung học tập. Theo thầy Thành, muốn học sinh học tốt thì chỉ còn cách yêu thương, động viên vỗ về; chia nhóm để thảo luận, để tự học, để chuyển kiến thức của thầy thành kiến thức của trò.

Thầy tâm tình, khi nhận thức của học trò khác xưa và ngày càng tốt hơn thì không thể quản và ép học sinh được. Cái chính là phải định hướng, khơi gợi, trang bị phương pháp tự nghiên cứu và tổ chức cho các em tự học. Học một mình chưa đủ mà phải học theo nhóm. Qua đó để các em tự đua đuổi nhau, tự bổ khuyết, lấp chỗ trống kiến thức đều nhau.

 Thầy giáo Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 2  (áo trắng).

Thầy Thành trải lòng: "Lúc đầu khó khăn lắm. Vào học lớp 10, dù có định hướng nhiều buổi, dù nói khản cổ nhưng các em vẫn chưa thông. Phải nắm nhu cầu từng em, phải xem chất lượng học của chúng thế nào rồi xếp vào từng nhóm theo khối thi. Sau đấy thì phải kết hợp với các thầy bộ môn, ngoài học trên lớp sẽ phụ đạo thêm cho các em vào các buổi chiều".

Chúng tôi gặp em Phan Mạnh Hùng, một học sinh khá đặc biệt của Trường THPT Quỳ Hợp 2. Vào lớp 10, bố mẹ Hùng chia tay và em về ở với ông bà nội. Hùng buồn lắm, đến lớp chẳng tiếp xúc với bạn giống như người tự kỷ. Thầy Thành phải đến tận nhà gặp riêng; phải chia sẻ, động viên, hướng dẫn, định hướng từng ly từng tí.

Cụ Phan Văn Tiêm, ông nội của Hùng quý thầy Thành như con trong nhà, tạo mọi điều kiện để thầy Thành làm tròn bổn phận người thầy tâm huyết. Hùng hòa nhập, học khá dần. Sang năm lớp 11, Hùng vượt lên và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đầu năm lớp 12, Hùng vào đội tuyển học sinh giỏi toán đi thi tỉnh. Chỉ tiếc là trước hôm thi mấy ngày em đã xin rút. Dù động viên thế nào Hùng cũng không đi. Cậu ta chia sẻ là chưa đủ tự tin để đua tài với các bạn. Cuối cùng, Hùng đã đỗ vào Trường Sĩ quan Pháo binh như mong ước được rèn luyện, cống hiến cho quân đội.

Trước khi đến Quỳ Hợp, chúng tôi chỉ biết tới đây là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội; có nhiều dân tộc anh em sinh sống; là vùng đất nổi tiếng với các mỏ đá quý thiên nhiên, như: Rubi, Safia, Spaner….; có nhiều sông, suối mát trong, như những dải lụa xanh uốn mình dưới chân núi Pù Huống - Pù Khạng, tạo nên những điểm du lịch đẹp như tranh vẽ: Khe nước Lạnh, Hồ Thung Mây, Thác Bản Bìa, Thác Bản Tạt, Bãi Tập, Tam Hợp….

Còn nay, đến Quỳ Hợp, chúng tôi tận thấy được những đổi thay, trong đó việc đổi thay và kết quả trong việc trồng người là rất căn bản. Điều ấy báo hiệu một tương lai tươi sáng của vùng đất xa xôi và còn nhiều khó khăn này.
Tôi tự đặt câu hỏi, nếu không có những người như thầy tâm huyết như thầy Thành và các giáo viên ở Trường THPT Quỳ Hợp 2 thì cuộc sống sẽ thế nào, liệu những “tờ giấy trắng” kia có đủ động lực và quyết tâm để đạt kết quả, thành tích học tập cao như thế hay không? Quả là đáng quý khi có những giáo viên tiêu biểu về nghị lực và phương pháp, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp trồng người như các giáo viên ở trường này.

Bài và ảnh: MẠNH THẮNG – PHÚ SƠN – THÁI HƯNG