Trước thực trạng này, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15) đã triển khai mô hình “Lúa xen canh”, cho hàng nghìn hộ đồng bào mượn đất cao su tái canh, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, ngày công để trồng lúa và hoa màu.

Gia đình anh Rơ Ma Toanh, người dân tộc Gia Rai, ở làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ, trước đây những tháng giáp hạt lại thiếu gạo ăn, có những năm thiếu đến 3 tháng, vợ chồng phải “chạy gạo” từng bữa. Năm 2019, anh Toanh được Công ty 75 cho mượn 1ha đất cao su tái canh và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa. Nhờ đó, mỗi năm anh thu về hơn 1,5 tấn. Nỗi lo thiếu gạo đối với gia đình anh chấm dứt từ đó.

Anh Toanh cho biết: “Ngày trước đồng bào cũng trồng lúa nhưng lúa ít hạt nên nhiều người bỏ không làm nữa, cứ nghĩ cây lúa không nghe lời mình và thiếu gạo ăn là do Giàng bắt thế. May có cán bộ Công ty 75 phân tích cho bà con hiểu, lúa ít hạt là do chọn giống và trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật. Bà con làm theo hướng dẫn của bộ đội, cây lúa cho nhiều hạt hơn, thóc gạo đầy kho”.

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 3 (Công ty 75) giúp đồng bào thu hoạch lúa. 

Ông Rơ Châm Võng, người dân tộc Gia Rai, ở làng Ngo Rông (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cũng được Công ty 75 cho mượn 0,7ha đất cao su tái canh và đã trồng 1 vụ lúa, thu về gần 1,5 tấn. Ngày bộ đội giúp đưa lúa về nhà, ông Võng mừng lắm, gặp ai cũng khoe: “Giờ trong làng mình gần như không còn nhà nào thiếu gạo nữa. Nghe bộ đội trồng một đến hai vụ lúa là đủ ăn cả năm”.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi ghi nhận, “Lúa xen canh” không phải là mô hình mới mà đã được triển khai ở nhiều đơn vị trong Binh đoàn 15, nhưng Công ty 75 có cách làm linh hoạt và hiệu quả. Hằng năm, Ban giám đốc công ty chỉ đạo các đội sản xuất tiến hành khảo sát từng làng đồng bào DTTS trên địa bàn, nắm chắc những gia đình thiếu đói để vận động, hướng dẫn và cho họ mượn đất trồng lúa, hoa màu.

Quá trình trồng, đội sản xuất hỗ trợ bà con từ việc làm đất đến hạt giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch. Do diện tích đất cao su tái canh có hạn nên việc mượn đất được xoay vòng để gia đình nào cũng có đất canh tác. Chỉ tính trong 2 năm gần đây, Công ty 75 đã cho khoảng 2.000 lượt hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS mượn gần 1.500ha đất cao su tái canh để trồng lúa và hoa màu.

Đại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75, khẳng định: Cách làm này vừa giải được "bài toán" thiếu lương thực cho đồng bào, vừa động viên, khích lệ bà con tự mình vươn lên để thoát đói nghèo, không trông chờ vào cứu trợ của chính quyền, doanh nghiệp.

Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và phải có sự lãnh đạo, triển khai chặt chẽ từ công ty đến đội sản xuất. Yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân trong quá trình sản xuất. Thời điểm nào xuống giống, thời điểm nào bón phân và thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều được cán bộ, đảng viên của công ty “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ gia đình.

Hiệu quả của mô hình không chỉ giúp đồng bào cơ bản xóa đói thời điểm giáp hạt mà còn góp phần giữ vững an ninh nông thôn, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra bầu không khí tích cực, phấn khởi trong cộng đồng các DTTS.

Chứng kiến sự đổi thay trên quê hương và nghĩa cử cao đẹp của bộ đội, già làng Rơ Mah Peng, ở làng Nẻh không giấu được xúc động nói: “Nếu như trước đây, năm nào Công ty 75 cũng phải đến cứu đói những tháng giáp hạt thì nay phần lớn bà con trong làng đã dư lúa, dư gạo. Nhiều gia đình còn có lúa bán để mua cá, mua thịt và vật dụng sinh hoạt khác. Kết quả đó nhờ bộ đội bảy lăm đấy! Những ngày đầu cán bộ của công ty đến nói với già, “bây giờ bộ đội không cho đồng bào 20kg gạo nữa mà cho cả tấn lúa, già có chịu không?”. Các anh đã chỉ cho già biết nguyên nhân đồng bào thiếu gạo vào những tháng giáp hạt và cách làm để có một tấn lúa. Vụ lúa đầu già làng vận động một vài gia đình trồng, thấy đúng như lời bộ đội nói thì cả làng làm theo. Lúa, gạo cứ thế theo bà con về nhà, con “ma đói” cũng biến mất khỏi làng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN