QĐND - Qua nhiều ngày tìm hiểu tại xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi có “đại bản doanh” của Tổng cục Chính trị (TCCT) trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi phần nào cảm nhận, hiểu hơn về một chặng đường hoạt động của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ TCCT-Một nét son đáng tự hào, tô thắm sử vàng truyền thống xây dựng, trưởng thành của TCCT Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỳ 1: Căn cứ bí mật
Trong những cánh rừng Định Biên, thuộc An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị (cơ quan tiền thân của TCCT) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng. Tại đây, Cục Chính trị đã chỉ đạo, tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tạo nên những thắng lợi to lớn của LLVT và phong trào cách mạng của quần chúng.
Trong lòng dân ATK
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Định Biên, đồng chí Ma Khánh Huân, Chủ tịch UBND xã Định Biên vui mừng cho biết: “Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, vào đầu năm 1947, bà con nhân dân xã Định Biên vinh dự được đón Cục Chính trị (đơn vị tiền thân của TCCT) đến xây dựng doanh trại. Những ngày tháng đó đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của nhiều người dân địa phương. Trang sử hào hùng đó của quê hương, của TCCT là nguồn động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Định Biên thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu mạnh”.
 |
Di tích lịch sử đình làng Quặng, xã Định Biên-nơi ghi dấu ấn lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng, từng là nơi ở và làm việc của nhiều cơ quan Cục Chính trị (tiền thân của TCCT) |
Để giúp chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của TCCT trên địa bàn xã trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí chủ tịch giới thiệu chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Luận, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Biên. Ông Luận sinh năm 1944, nghỉ hưu năm 2000, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông còn nhỏ, nhưng được tiếp xúc với nhiều cán bộ cách mạng, lại làm bí thư đảng ủy xã trong thời gian dài, nên các sự kiện lịch sử diễn ra trên địa bàn, ông là người nắm khá rõ.
Căn nhà của ông Luận nằm ven sườn đồi Thâm Chuông, thuộc thôn Khau Diều. Tiết trời mùa thu se lạnh, vậy mà ông vẫn đánh trần ngồi viết. Hỏi ra mới hay, ông đang làm công tác biên tập giúp Đảng ủy xã Định Biên hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn từ năm 1930 đến nay. Phòng viết của ông rộng chưa đầy 10m2, ngổn ngang giấy tờ, tài liệu và những cuốn vở học sinh đã ngả màu vàng quạch.
Theo ông Luận, trong những quyển vở đó là nội dung được ông và các đồng chí trong Đảng ủy xã Định Biên ghi những dấu ấn lịch sử diễn ra trên địa bàn xã và những câu chuyện về kháng chiến của các cụ nhân chứng kể lại với con cháu. Trong chồng vở dày xếp trên bàn, ông Luận dành sự quan tâm đặc biệt và trân trọng giữ gìn một cuốn bìa màu xanh đã sờn gáy, trong đó ghi lại những bài phát biểu, những câu chuyện kể của ông Ma Công Điền nói về kháng chiến và hoạt động bí mật của Cục Chính trị và TCCT trong thời gian đóng quân tại địa phương.
Nghe ông Luận giới thiệu, chúng tôi không khỏi thắc mắc: Ông Ma Công Điền là ai? Đoán được băn khoăn đó, ông Luận giải thích: “Ông Ma Công Điền là cán bộ lão thành cách mạng, sinh năm 1906, mất năm 2010, thọ 104 tuổi. Năm 1939, ông Điền, làm Tổ trưởng Tổ công tác cách mạng xã Định Biên; tháng 4-1945, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh lâm thời Tổng Định Biên Thượng (xã Định Biên sau này). Lúc đón Cục Chính trị đến địa phương xây dựng doanh trại, ông Điền là Bí thư Chi bộ xã Định Biên (Bí thư chi bộ đầu tiên của xã). Chính ông đã chỉ huy lực lượng thanh niên, dân quân địa phương dẫn đường đưa cán bộ về các thôn xây dựng lán trại bí mật và phân công lực lượng canh phòng tuần tra cảnh giới cùng bộ đội. Thời điểm Cục Chính trị đến xã Định Biên lập doanh trại, đồng chí Văn Tiến Dũng là Cục trưởng, đồng chí Khuất Duy Tiến là Cục phó. Cục Chính trị lúc đó gồm các phòng: Văn Thư, Tuyên truyền-Huấn luyện; Cán bộ, Địch vận, Thương binh, Dân quân. Các phòng nằm rải rác ở sườn đồi thuộc các thôn Thâm Tắng, Khau Lầu, Nong Nia, Khau Diều, Làng Vẹ, Làng Quặng.
Theo tài liệu Lịch sử Kháng chiến huyện Định Hóa: Tháng 11-1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội Công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, đi khảo sát tìm địa điểm để lập ATK. Đội công tác đã chọn địa bàn giáp ranh 3 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, gồm các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm trung tâm ATK căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc và chọn huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là ATK tuyệt mật. Cục Chính trị được Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung ương Quân ủy chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật tại xã Định Biên, huyện Định Hóa. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói với đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị: “Định Biên có địa thế rất thuận lợi, rừng núi nhiều, tiến có thế công, lùi có thế giữ; cánh đồng rộng lớn, người dân một lòng theo cách mạng, có thể tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm; từ Định Biên có thể tỏa đi khắp vùng, lên biên giới hoặc xuống đồng bằng. Đóng quân ở nơi này, Cục Chính trị sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tham mưu cho Tổng Quân ủy và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác chính trị đối với LLVT”.
Để bảo đảm bí mật cho Cục Chính trị hoạt động, xã Định Biên đã thành lập 10 trạm kiểm soát di động ở các ngả đường, cùng bộ đội tuần tra canh gác nhằm phát hiện Việt gian, chỉ điểm. Ở từng xóm bản đều cử người canh phòng, khi có người lạ vào địa bàn thì gõ mõ, thổi tù và làm tín hiệu báo cho cán bộ cách mạng. Người dân ở các thôn đều hiến đất, ủng hộ gỗ, lá cọ, tre, nứa, công lao động giúp các phòng của Cục Chính trị xây dựng nhà làm việc, nhà ở, hội trường, hầm trú ẩn… Nhiều gia đình còn nhường nhà cho bộ đội, huy động con cháu giã gạo, may vá quần áo giúp bộ đội.
Hai hội nghị quan trọng tại hội trường mái lá
Ông Hoàng Văn Luận cho biết: “Khi còn sống, trong các lần nói chuyện truyền thống ở địa phương, ông Ma Công Điền thường nhắc đến Hội trường Tám mái của Cục Chính trị ở thôn Nong Nia, xã Định Biên, nay chỉ còn dấu tích của nền đất”. Nói về hội trường này, ông Điền tâm đắc hai vấn đề. Thứ nhất hội trường rất rộng, thoáng mát, được bộ đội và nhân dân xã Định Biên làm vào khoảng đầu tháng 1-1947, có hệ thống cột bằng cây táu rừng chắc chắn, lợp lá cọ. Thứ hai, sự kiện quan trọng đầu tiên diễn ra tại hội trường này là Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất.
Theo ông Luận, ở địa phương, ông Ma Công Điền nắm khá chắc về sự kiện Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hội trường Tám mái, bởi thời điểm đó, ông Điền là bí thư chi bộ xã, được cán bộ huyện thông báo cụ thể, chi tiết về tình hình chính trị vũ trang trên địa bàn, hoạt động của các cơ quan Trung ương, quân đội tại địa phương. Ông được chi bộ phân công trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy LLVT địa phương làm công tác bảo vệ, phòng gian giữ bí mật cho hội nghị. Sau này, để phục vụ công tác tuyên truyền và giúp địa phương bổ sung, hoàn chỉnh cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Định Biên, Lịch sử Đảng bộ huyện Định Hóa, ông Điền lại tìm tòi, nghiên cứu, thu thập nhiều tư liệu về Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất. Theo đó, hội nghị diễn ra từ 14 đến 16-2-1947; các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh và đồng chí Văn Tiến Dũng, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Cục trưởng Cục Chính trị chủ trì. Hội nghị đã đề ra 10 nhiệm vụ của công tác chính trị trong quân đội, 12 điều kỷ luật dân vận; quyết nghị ra Báo Vệ Quốc quân; quyết nghị kiện toàn tổ chức cơ quan công tác chính trị trong toàn quân, trong đó xác định đại đội là đơn vị căn bản của công tác chính trị trong quân đội; quy định nội dung công tác chính trị trong đại đội. Nghị quyết của hội nghị cũng quy định rõ chức trách, quyền hạn của chính trị viên các cấp. Sau hội nghị này, Trung ương Quân ủy đã họp hội nghị mở rộng, ra Nghị quyết về tổ chức đảng trong quân đội và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nghị quyết về tổ chức Đảng trong quân đội. Sau hội nghị quan trọng trên, năng lực lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được nâng lên, tạo không khí dân chủ, đoàn kết thống nhất trong các đơn vị, góp phần để quân đội ta lập nên những thành tích vẻ vang.
Tuy nhiên, Hội trường Tám mái của Cục Chính trị chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Đêm 24, rạng sáng 25-10-1947, thực dân Pháp tấn công lên huyện Định Hóa; quân dân Định Hóa cùng bộ đội chủ lực đã chủ động ngăn chặn địch ở nhiều nơi, gây cho chúng thiệt hại nặng nề, nhưng Hội trường Tám mái bị đạn pháo của địch bắn cháy. Đến cuối năm 1947, Cục Chính trị xây dựng một hội trường nhỏ gồm 3 gian cột gỗ, lợp lá cọ, ở chân đồi Thâm Chuông, thôn Khau Diều, xã Định Biên. Tại hội trường này đã diễn ra một sự kiện rất quan trọng là Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai (từ 6 đến 11-3-1948). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến hội nghị; đặc biệt, Người căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Hội nghị đã thống nhất đề nghị Chính phủ thiết lập chế độ chính trị ủy viên (gọi tắt là chính ủy) từ cấp trung đoàn trở lên và chính trị viên từ cấp tiểu đoàn trở xuống. Đến giữa năm 1948, do yếu tố bí mật, hội trường của Cục Chính trị ở thôn Khau Diều bị dỡ bỏ. Từ đó đến cuối năm 1951, các hội nghị của Cục Chính trị (sau này là TCCT) được tổ chức bí mật với địa điểm thường xuyên thay đổi.
Dù hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh nào, gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng với sự nỗ lực cố gắng cao nhất, cùng sự đùm bọc, giúp đỡ của chính quyền, nhân dân tại ATK, Cục Chính trị (sau này là TCCT) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ, Tổng Quân ủy giao; đã chỉ đạo, tổ chức hoạt động CTĐ, CTCT trong LLVT đạt hiệu quả cao, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn trong các chiến dịch.
Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG
Kỳ 2: Ký ức Hầm Năm cửa