Bài 3: "Hoa phong ba"

Phong ba là loài hoa có sức sống mãnh liệt trên đảo Cồn Cỏ. Loài hoa này cũng là biểu tượng cho ý chí, nghị lực của những công dân trên đảo, trong đó có các cô giáo và chiến sĩ quân y tự nguyện chia tay đất liền để ra “gieo chữ” và chữa bệnh nơi đầu sóng…

Lớp học đặc biệt

Nó đặc biệt từ tên gọi: “Lớp Mầm non Hoa Phong Ba”. Đặc biệt, còn vì cả huyện đảo chỉ có một lớp học, ngày đầu chỉ có một giáo viên và cơ sở vật chất thì hầu như chưa có gì. Đến nay lớp đã có hai cô giáo là Hoàng Thị Thắm, Hoàng Thị Hiếu và 12 “thiên thần” bé nhỏ cùng một dãy nhà khá khang trang. Gần hai năm, bỏ lại đằng sau phố xá tấp nập và đất liền đông vui, Thắm và Hiếu tự nguyện gắn bó với đảo xa, tận tụy, tâm huyết với nghề, vừa là “bảo mẫu”, vừa làm cô giáo cho các công dân “nhí” trên đảo.

Cô và trò của Lớp Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ.

Cô giáo Hoàng Thị Thắm quê ở Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp khoa mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô về làm giáo viên mầm non ở quê nhà. Năm 2008, khi biết có chủ trương tuyển giáo viên mầm non ra công tác tại đảo Cồn Cỏ, Thắm làm đơn xin chuyển công tác. “Lúc đầu gia đình không ủng hộ, bạn bè nhiều người cũng ái ngại vì lo “thân gái dặm trường”, không chịu được khổ. Nhưng em vẫn quyết tâm đi vì nghĩ những nơi khó khăn, xa xôi như thế thì mới cần đến tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ chứ!”.

Dù đã lường trước những vất vả ngoài đảo xa nhưng khi bắt đầu đối mặt với thực tế, Thắm không khỏi ngỡ ngàng vì đảo hoang vu, ít người và điều kiện sống thì khó khăn nhiều. Buổi tối Thắm ở trong một căn phòng nhỏ cạnh lớp học. Căn phòng chỉ rộng chừng hơn 10m2 thôi nhưng cô vẫn thấy nó rộng và trống trải quá. Nhiều lúc buồn, nhớ nhà đến phát khóc. Nhưng phút dao động đó cũng qua đi nhanh. Thắm nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của quân và dân trên đảo. Nhìn các cô cậu học trò chăm ngoan, khỏe mạnh, bi bô nói cười và tập đánh vần, Thắm rất vui... Hỏi về chuyện riêng, Thắm “khoe”: “Chồng em là bộ đội đấy. Anh ấy ra đảo sau em 9 tháng. Hai người gặp và quen nhau trên đảo, rồi yêu nhau lúc nào không hay. Năm 2009, sau khi tổ chức đám cưới trong đất liền, hai vợ chồng tiếp tục ra đảo. Hiện nay anh ấy đang công tác ở Ban chỉ huy quân sự huyện đảo”.

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu năm nay vừa sang tuổi 24. Thông minh, nhanh nhẹn nhưng lại khá bẽn lẽn và khiêm tốn khi phóng viên đến phỏng vấn. Cô bảo: “Em cũng như mọi người trên đảo thôi. Vả lại, khó khăn, vất vả em cũng đã quen và thích nghi rồi”. Câu chuyện bắt đầu từ khi Hiếu đang học nghiệp vụ sư phạm cô nuôi dạy trẻ tại Đắc Lắc. Lúc đó, tỉnh Quảng Trị có chương trình thanh niên ra đảo Cồn Cỏ để lập nghiệp sinh sống. Dù chưa một lần được đặt chân đến Cồn Cỏ nhưng mảnh đất này Hiếu đã được biết đến nhiều qua sử sách, phim ảnh nên cô vẫn cảm thấy đảo gần gũi, thiêng liêng. Tình cảm ấy cộng với “máu” tuổi trẻ muốn thử sức, xông pha, khám phá nơi đầu sóng ngọn gió, Hiếu làm đơn xin đi. Tuy nhiên, vì chưa có thời gian công tác ở đất liền nên không đủ điều kiện. Cô về làm giáo viên ở trường mầm non của một xã vùng sâu của huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc nhưng vẫn nuôi ước mơ được ra công tác ở Cồn Cỏ. Tháng 11-2008, đơn của Hiếu xin về công tác huyện đảo Cồn Cỏ được chấp nhận. Cô tâm sự: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng được ra công tác ở “đảo thép”, nơi ghi bao chiến công lừng lẫy của cha anh, là niềm tự hào của em. Em sẽ cố gắng đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình với đảo”.

Hiện nay trên đảo Cồn Cỏ, ngoài các đơn vị bộ đội còn có 12 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu đang sinh sống. Trong đó, lớp mầm non của cô Thắm và cô Hiếu có 12 cháu, tuổi từ 1 đến 5. Ngày hai buổi, các cháu được hai cô chăm sóc, dạy dỗ với tất cả tình thương của người mẹ, người thầy. Cô Thắm bảo: So với đất liền, điều kiện dạy và học ngoài đảo còn nhiều khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, cùng một lớp nhưng lại có nhiều độ tuổi; thiết bị, đồ dùng dạy học không đủ; “sân chơi”, điều kiện sinh hoạt cho trẻ, nhất là nước ngọt còn rất thiếu... Để khắc phục những khó khăn đó, các cô đã phải chia các cháu theo từng nhóm tuổi; căn cứ vào từng chủ đề quy định để phân công và có cách truyền đạt cho các cháu phù hợp và hiệu quả. Hai cô còn rất khéo léo và sáng tạo để tạo nên các đồ chơi, các hình ảnh nghe, nhìn trực quan; trang trí lớp học đẹp và sinh động… Nhờ vậy, dù ở nơi đảo xa nhưng các cháu nhỏ vẫn được tiếp cận và lĩnh hội kiến thức theo đúng chương trình chuẩn quy định.

Chia tay chúng tôi, cô Hiếu chỉ mơ ước một ngày đảo sẽ có bệnh viện để các cháu có điều kiện khám và chữa bệnh. Còn mong muốn giản dị của cô Thắm khiến chúng tôi rưng rưng: “Mong đảo ngày càng đông người, lớp học đông cháu để có thêm nhiều tiếng người, tiếng cười cho lớp và đảo đỡ buồn”…

“Bệnh viện” của đảo

Hiện nay, cơ sở khám và chữa bệnh duy nhất của Cồn Cỏ là bệnh xá Ban chỉ huy quân sự huyện đảo. Bệnh xá chỉ có 3 y, bác sĩ nhưng kiêm nhiệm chăm sóc sức khỏe và điều trị cho cả quân và dân, kể cả ngư dân gặp nạn trong khu vực. Trung tá Nguyễn Như Tiến, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện đảo tâm sự: “Nói là bệnh xá của huyện đội nhưng chức năng gần như bệnh xá quân dân y. Nhiều người còn gọi là “bệnh viện” của huyện”.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê kiểm tra sức khỏe cho chiến sĩ trên đảo.

Bệnh xá là một dãy nhà cấp 4 đã cũ. Trung úy, bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Bệnh xá trưởng và các y tá đang phạt cỏ, làm vệ sinh khu vực. Gạt mồ hôi đang chảy thành dòng trên mặt, anh Lê giãi bày: “Anh thấy đấy, cơ sở hạ tầng của bệnh xá còn khó khăn lắm. Chỗ ở, làm việc, khám và điều trị của bác sĩ và bệnh nhân chỉ “gói gọn” trong ba phòng của căn nhà tuềnh toàng này. Một phòng vừa làm kho thuốc vừa là nơi khám bệnh, một phòng là nơi ở của bác sĩ và bệnh nhân, còn lại là phòng tiểu phẫu”. Dù đang trong tình trạng “4 thiếu”: Thiếu thầy thuốc, thiếu thuốc, thiếu máy móc, thiếu phòng chuyên môn nhưng các y, bác sĩ ở đây đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ quân y nơi đầu sóng ngọn gió. Bệnh nhân của đảo cơ bản được xử lý tại tuyến, trên đảo không để xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, bệnh xá còn tổ chức khám và cấp thuốc cho 100% các cháu nhỏ trên đảo...

Theo bác sĩ Lê thì đặc thù công việc của các anh ở đây là tính độc lập rất cao. Ngoài y đức, các thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn vững vàng để tự tin và sẵn sàng cứu chữa các ca khó, nhất là những rủi ro, tai nạn của các ngư dân đi khai thác hải sản trong khu vực. Trong sổ theo dõi khám chữa bệnh được lưu trong bệnh xá còn ghi lại khá nhiều trường hợp như vậy. Đầu năm 2008, 4 ngư dân Cửa Việt - Gio Linh đi biển ăn cá nóc bị ngộ độc được đưa vào đảo trong tình trạng nguy kịch. Các y bác sĩ đã nhanh chóng cho truyền dịch để giải độc, đồng thời cấp thuốc điều trị. Sau một ngày, một đêm, các ngư dân đã được cứu sống. Cuối năm đó, một ngư dân Quảng Trị bị tai nạn dập nát cẳng chân, người hôn mê do mất máu nhiều được các y bác sĩ của đảo cấp cứu kịp thời, sau đó chuyển vào đất liền để phẫu thuật an toàn. Vào tháng 1-2010 vừa qua, một ngư dân ở tỉnh Quảng Bình khi đi biển bị mỏ neo đập vào vùng trán gây rạn hộp sọ. Lúc đưa vào đảo, bệnh nhân này đã bất tỉnh, thể trạng rất yếu. Bác sĩ Lê cùng đồng nghiệp đã cứu chữa kịp thời, sau 30 phút ngư dân này tỉnh dậy. “Với những bệnh nhân này, chúng tôi chỉ có thể sơ cứu để họ qua cơn nguy kịch và bệnh không diễn biến xấu hơn để đưa vào bờ chụp chiếu và chữa trị tiếp. Nếu có phương tiện như máy X quang, phòng vô trùng... thì bệnh xá có thể xử lý tại chỗ mà không phải chuyển vào đất liền nữa”- Bệnh xá trưởng Nguyễn Thành Lê trăn trở...

Rời đảo Cồn Cỏ, chúng tôi còn cầm một cành phong ba làm kỷ niệm. Giữa khắc nghiệt của thiên nhiên, loài cây này vẫn tươi xanh, vẫn đơm hoa và trổ quả. Quả phong ba tròn xinh, cũng tươi xanh màu lục. Ngắm phong ba, nhớ đến những con người đang ngày đêm lặng thầm hy sinh, lặng thầm cống hiến nơi “Đảo thép” thân yêu...

Bài và ảnh: Hoàng Tiến - Quang Thái

"Đảo thép" Cồn Cỏ (bài 2)

"Đảo thép" Cồn Cỏ (bài 1)