Học nghề để lập nghiệp - vững bước tương lai
Chia sẻ với chúng tôi, cô Xuân cho hay: “Trong thời đại công nghệ số bùng nổ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt thị trường lao động, các công ty nhà nước đang dần cổ phần hóa và đứng ra tự chủ hoàn toàn thì khó có thể kiếm được việc nhàn mà lương cao. Do đó, có một nghề nghiệp ổn định phù hợp với năng lực của bản thân, giỏi cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm sẽ giúp bạn không bị đào thải. Lựa chọn đúng thế mạnh của bản thân để vững tin trong cuộc sống, tự tin vào khả năng, đam mê của mình sẽ giúp các em thích ứng trong thị trường lao động 4.0 - thị trường lao động cần kỹ năng tay nghề luôn đổi thay”.
 |
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân (sinh năm 1982), Phó khoa Công nghệ thông tin, chuyên ngành TKĐH Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
|
Theo cô Xuân, kỹ năng nghề là yếu tố quyết định quan trọng được ví như một loại tiền tệ không thể thiếu. Bởi, trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đồng thời cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi thì thị trường lao động sẽ ưu tiên những lao động có kỹ năng tay nghề, trình độ cao.
Với kinh nghiệm 12 năm giảng dạy, cô Xuân được đánh giá là một giảng viên giỏi có thành tích xuất sắc, 5 năm liền tham gia các cuộc thi khu vực ASEAN và thế giới; trở thành Chuyên gia trưởng nghề TKĐH Cuộc thi tay nghề TKĐH cấp Quốc gia năm 2018-2020.
Các thế hệ học sinh của cô xuân được ra “lò” với thành tích đáng nể như: Em Bùi Đình Duy xuất sắc lọt top 10 thế giới Cuộc thi vô địch TKĐH thế giới 2020-2021; em Ngô Tiến Đạt đạt Giải nhất Cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020; nữ sinh duy nhất giành Huy chương vàng kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia 2021 - Trịnh Thị Lan và sẽ dự thi kỹ năng nghề ASEAN ở Singapore năm 2023 tới…
Cô Xuân chia sẻ: “Kết quả của em Bùi Đình Duy khẳng định tài năng và bản lĩnh tuổi trẻ Việt Nam tại đấu trường thiết kế sáng tạo thế giới, điều đó cho thấy sinh viên trường nghề không thua kém gì các trường đại học và các em có thể tự tin vào kỹ năng tay nghề của mình trên đấu trường quốc tế”.
 |
Em Bùi Đình Duy, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Top 10 thế giới ghi danh Việt Nam vào bảng thành tích thế giới năm thứ 8 của Cuộc thi vô địch TKĐH thế giới 2020-2021 (ACA World Championship).
|
Bùi Đình Duy tâm sự: “Thành tích đạt được tại cuộc thi là động lực lớn giúp em hướng tới mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực TKĐH, để có thành tích đó cũng nhờ sự động viên sát cánh của cô Nguyễn Thị Thanh Xuân và nhà trường. Điều khiến em tự hào chính là những thiết kế của mình đã được cộng đồng quốc tế công nhận và được lan tỏa góp phần khẳng định vị thế của ngành TKĐH tại Việt Nam cũng như trên thế giới”.
Nhớ lại quãng thời gian mới vào trường, em Ngô Tiến Đạt đạt Giải nhất Cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 cho rằng bản thân may mắn khi được dạy dỗ bởi những thầy cô giỏi và đầy tâm huyết, cùng với đó là những người bạn đã ở bên cạnh hỗ trợ động viên.
“Cô Xuân luôn là khách hàng khó tính nhất, luôn “bắt lỗi” và “đòi hỏi” những yêu cầu khắt khe. Thế nhưng cũng nhờ đó mà kỹ thuật, tốc độ và ý tưởng của chúng em được rèn luyện mỗi ngày, năng lực cũng tăng dần lên theo thời gian”, Đạt nói.
Với em Trịnh Thị Lan, cô Xuân chính là người giúp em định hướng “học nghề hay đại học đều có một mục đích chung chính là có kỹ năng nghề tốt, có trình độ cao và tìm ra một công việc yêu thích, khiến cho bản thân sẽ có ích với xã hội, tạo ra giá trị và chỗ đứng cho bản thân”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân nói: “Phát minh khoa học là của tiến sĩ, máy móc của phát minh khoa học được tạo ra bởi cử nhân đại học nhưng sử dụng thành thạo, vận hành chúng thì lại là những người học nghề. Tuy phát minh thì ít, máy móc thì có thể nhiều nhưng của cải vật chất thì vô số kể. Do đó, xã hội đang cần rất nhiều những con người tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với nhu cầu. Phải đào tạo nghề, hướng nghiệp nghề có hệ thống một cách chuyên nghiệp thì chúng ta mới đẩy nhanh tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để học lên tiến sĩ, con người này phải có tố chất và gen di truyền. Học lên đại học các bạn cần có sự thông minh và say mê nghiên cứu tìm tòi. Đối với học nghề chỉ cần các bạn hiểu rõ vấn đề, học nghề này xong chúng ta sẽ làm được cái gì, sản xuất ra cái gì”.
Có thể thấy, những sinh viên của cô Xuân chính là minh chứng cho việc học nghề để vững tin lập nghiệp, học nghề là xu hướng của tương lai. Số liệu tại hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022”, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây có thể thấy được xu hướng học nghề hiện nay. Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Tính đến đầu tháng 6-2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920.000 người (tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850.000 người”.
Không một ai có thể tự học mà thành tài…
Khi những khái niệm về công nghệ thông tin hay TKĐH chưa phổ biến thì cô Xuân đã nỗ lực nghiên cứu và học hỏi, cứ chỗ nào dạy là cô đến học bằng tất cả sự đam mê và yêu nghề. Ngoài những giờ giảng dạy trên trường, cô Xuân cũng dạy thêm nhiều lớp thiết kế đồ họa 2D ngắn hạn được tài trợ cho học sinh, sinh viên một số trường đại học và cao đẳng.
 |
Đến nay, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân đã có 14 năm gắn bó cùng sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội.
|
Có một sinh viên đại học chính quy đã nói với cô Xuân rằng: “Kiến thức chuyên môn em có thể hiểu rõ hơn các bạn học trường nghề nhưng kỹ năng thực hành lại không thể bằng các bạn ấy. Ở trường nghề, các bạn có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với máy móc, thời lượng thực hành trên máy nhiều nên kỹ năng sử dụng phần mềm rất tốt”.
Điều đó cho thấy, sinh viên trường nghề chưa hẳn đã kém. Sinh viên trường nghề luôn được ưu tiên thực hành hơn lý thuyết nhằm giúp các em có kỹ năng nghề thành thạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động “khó tính”.
“Không một ai có thể tự học mà thành tài, không thầy cô thì sẽ là cha mẹ hoặc phải có người định hướng cho bạn, bằng cấp là tấm vé may mắn”, cô Xuân khẳng định việc học TKĐH cần có bằng cấp.
Đối với nghề TKĐH, nhà tuyển dụng đều nói là không quan trọng bằng cấp mà cần người có tay nghề dẫn đến nhiều bạn sinh viên sẽ nghĩ, bằng cấp không quan trọng. Tuy nhiên, để được đỗ vòng nộp hồ sơ khi đi phỏng vấn ở một công ty dù lớn hay nhỏ thì người ta vẫn nhìn vào CV ("Curriculum Vitae" là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm...) của các bạn, nhìn vào thành tích và quá trình học tập của các bạn. CV nào nhiều kinh nghiệm, bằng cấp, chất lượng đào tạo của trường thì nhà tuyển dụng mới ưu tiên lựa chọn.
Cô Xuân cho biết thêm: "Cùng là sinh viên của tôi, trong lớp Cao đẳng Khóa 42, ngành Thiết kế đồ họa có nhóm sinh viên khá như nhau. Nhưng hiện tại khi ra trường rồi, các bạn có trong tay chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay mức lương cơ bản 10 đến 12 triệu đồng. Những sinh viên khác có bằng khá, doanh nghiệp đưa ra mức lương cơ bản từ 5 đến 7 triệu đồng. Nhà tuyển dụng chưa biết bạn giỏi như thế nào nhưng bằng cấp và chứng chỉ sẽ chứng minh thay cho các bạn một cách nhanh nhất".
Bằng cấp quan trọng nhưng kỹ năng nghề cũng sẽ phân tầng mức lương cao hay thấp. Không chỉ ở nước ngoài mà ở Việt Nam, doanh nghiệp trả lương cho người học nghề có khi còn cao hơn cả học đại học vì họ có những chứng chỉ nghề bậc cao, năng suất lao động hiệu quả.
 |
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội. |
Nghề giáo viên giáo dục nghề nghiệp còn nhiều thiệt thòi, đồng lương ít ỏi nhưng lại có nhiều niềm vui. Cô bộc bạch: “Thầy cô giáo khi liên tục tiếp xúc với các thế hệ, được gần gũi cùng các em cũng khiến tính tình trẻ ra rất nhiều. Chẳng thế mà giáo viên trường nghề không chỉ giỏi chuyên môn, giỏi tay nghề mà còn giỏi cả môn tâm lý nữa”.
Tuy nhiên, điều làm cô Xuân cùng đồng nghiệp luôn trăn trở chính là đồng lương quá thấp, đặc biệt là đối với giáo viên dạy nghề. Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội đã tự chủ được 2 năm trong đại dịch Covid-19, Ban giám hiệu và các thầy cô giáo đã phải nỗ lực phấn đấu hết mình để có thể là một trong những trường nghề thuộc hàng đầu của thành phố Hà Nội.
“Dù bạn có đam mê nhiệt huyết tới đâu, có yêu nghề đến chừng nào thì bạn cũng không thể yêu học sinh, sinh viên của mình hơn gia đình và con cái được. Trừ khi người thầy cô đó có sẵn điều kiện đầy đủ từ gia đình còn nếu không, với mức lương không đủ lo cho cuộc sống của gia đình thì các thầy cô không thể nào có đam mê và tâm huyết với nghề mãi mãi được”, cô Xuân trăn trở trước đồng lương ít ỏi hàng tháng của giáo viên trường nghề.
Mong muốn của cô Xuân là đưa được nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN và thế giới, để biết được công nghệ và kỹ năng nghề TKĐH ở các quốc gia có điểm gì khác biệt. Hơn hết, cô muốn sinh viên học TKĐH tại trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội ngày càng phát triển tương lai với chính nghề của mình. Cô mong sẽ có nhiều công ty và doanh nghiệp liên kết đào tạo với nhà trường hơn nữa để các em có cơ hội trải nghiệm và làm việc ngay khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC