Người thầy giữ vững phẩm chất người lính

PGS, TS Phạm Thành Hưng (sinh năm 1954) ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông được biết đến là một người thầy đầy tâm huyết, cống hiến không ngừng nghỉ suốt 42 năm trên giảng đường đại học. Thế nhưng trước khi là một người thầy, PGS, TS Phạm Thành Hưng là một người lính, chiến đấu dũng cảm trên chiến trường.

Năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi và đang học đại học năm thứ nhất tại Trường Đại học Tổng hợp, chàng thanh niên Phạm Thành Hưng lên đường nhập ngũ. Tháng 3-1971, ông nhập ngũ rồi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị, trong đội hình của Sư đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên phong. Ông đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt và bị thương trong một cuộc tập kích bằng pháo binh của địch gần Thành cổ Quảng Trị. Năm 1974, do vết thương ngày càng nặng, không thể tiếp tục ở lại chiến trường, ông phải nhận quyết định trở về hậu phương điều trị. “Tôi vẫn nhớ mình bị thương đúng vào ngày sinh nhật. Thời điểm đó, sự khốc liệt của chiến trường Quảng Trị không bút mực nào tả xiết. Tôi bị thương bê bết máu, phần lớn các mảnh đạn đã lấy ra nhưng đến nay vẫn còn một mảnh đạn pháo to bằng hạt đậu xuyên thủng hộp sọ sâu đến 2cm, hai mảnh khác găm ở cổ tay; cả 3 mảnh vẫn còn lưu trú trong cơ thể”, PGS, TS Phạm Thành Hưng chia sẻ…

PGS, TS Phạm Thành Hưng tại nhà riêng. 

Khi đấy, ông đã cố tình giấu đi và khai nhẹ các vết thương, hy vọng sẽ tiếp tục được ở lại đơn vị chiến đấu cùng đồng đội. Song tất cả nỗ lực của ông không qua mắt được các bác sĩ quân y dạn dày kinh nghiệm. Vì thế, ông phải trở ra miền Bắc điều trị.

PGS, TS Phạm Thành Hưng kể: “Sau khi điều trị thương tật ổn định, tôi về Hà Nội tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Những ngày mới ra quân, tâm trạng tôi bứt rứt không yên. Nhất là năm 1975, cả đất nước sôi sục với những trận đánh lớn và những thắng lợi liên tiếp trên mọi chiến trường. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì chất người lính trong tôi lại trỗi dậy. Lúc ấy, tôi chỉ khao khát được rời giảng đường, trở lại đơn vị, cùng đồng đội hòa mình vào cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Chỉ đến khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, tôi mới yên tâm, lấy lại được cảm hứng học hành, nghiên cứu”.

Sau này, khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Phạm Thành Hưng được giữ lại làm giảng viên tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vốn là người có ý chí và nghị lực, mặc dù trong những năm tháng khó khăn và thiếu thốn của thời bao cấp, hàng ngày, thầy vẫn âm thầm rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, tự học hỏi nghiên cứu, không ngừng trau dồi vốn tri thức để phục vụ những giờ giảng bài có chất lượng cao.

Năm 1985, thầy Phạm Thành Hưng được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc. Về nước, thầy tiếp tục công tác và lần lượt đảm nhiệm nhiều vị trí như: Phó chủ nhiệm Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tổng biên tập Nguyệt san Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa-nghệ thuật. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn luận văn, thầy còn viết báo, dịch văn học, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị như: Lý luận văn học, Cộng hòa Séc-Đất nước, con người; Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo; Thuật ngữ báo chí-truyền thông; Các khuynh hướng và trào lưu văn học.

Suốt 42 năm, từ 1978 đến 2020, thầy Phạm Thành Hưng đã cống hiến không ngừng cho sự nghiệp đào tạo đại học. Thầy đã hướng dẫn 6 luận án tiến sĩ, hơn 100 luận văn thạc sĩ thuộc ba lĩnh vực: Văn học, báo chí, điện ảnh...

Dù đã về hưu 2 năm nay, nhưng PGS, TS Phạm Thành Hưng vẫn miệt mài viết sách về nhiều đề tài lý luận.  

Dù bận rộn với việc nghiên cứu và giảng dạy đại học, nhưng năm nào thầy Phạm Thành Hưng cũng dành thời gian vào thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho những người đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị. Thầy Hưng chia sẻ: “Mỗi lần từ nghĩa trang liệt sĩ trở về, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, thấy giá trị của từng giây phút sống, vì vậy mình yêu cuộc đời này hơn và tự thấy mình là người may mắn, hạnh phúc. Tôi cũng tự hào vì mình từng chung chiến hào với những liệt sĩ đang nằm yên lặng dưới những hàng bia mộ trắng. Họ đã hy sinh như những anh hùng, như những chàng trai vô tư, trong sáng và cao thượng, họ ngã xuống mà không cần biết tới sự ghi công. Tôi quyết tâm phải sống và làm việc thêm phần đời của họ, phần việc mà các liệt sĩ, đồng đội của tôi để lại…”.

“Về hưu” nhưng không “nghỉ”

PGS, TS Phạm Thành Hưng nghỉ hưu từ năm 2020. Nhưng với ông, cho đến nay dường như chưa có một ngày nghỉ hưu đúng nghĩa. “Tôi là người sống sót sau chiến tranh, may mắn thoát chết nhiều lần, nhiều trận đánh lẽ ra mình phải chết thì đồng đội chết thay. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm cố gắng làm thay phần việc của người đồng đội đó. Tôi phải cố quên đi mảnh đạn trong đầu và vết thương cũ, để nỗ lực trong công việc và cuộc sống”, thầy Hưng chia sẻ.

PGS, TS, nhà giáo, cựu chiến binh Phạm Thành Hưng vẫn dành thời gian nghiên cứu, viết các tham luận hội thảo khoa học...

Từ ngày về nghỉ hưu, PGS, TS Phạm Thành Hưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động của trường như: Đánh giá luận án, phản biện độc lập, hướng dẫn và bảo vệ các luận án tiến sĩ, tham gia hội thảo khoa học… Bên cạnh đó, thầy còn được nhà trường mời dạy chuyên đề cho học viên cao học và tham gia viết bài cho nhiều tờ báo lớn, hoặc thầy dành phần lớn thời gian nghiên cứu, viết các tham luận hội thảo khoa học...

PGS, TS Phạm Thành Hưng chia sẻ, ngành giáo dục hiện nay nhìn chung vẫn đang đang trong xu thế phát triển, hiện đại hóa, ứng dụng được nhiều công nghệ hiện đại vào giảng dạy và học tập, giúp giảm được thời lượng giảng dạy các bộ môn phụ, thúc đẩy tư duy năng động sáng tạo của người học, nhiều buổi học đối thoại mang tính thực tế. Thầy cũng bày tỏ mong muốn các trường đại học sớm đi vào tự chủ, hạn chế dùng ngân sách nhà nước để trả lương cho giáo viên cũng như việc cấp học bổng cho sinh viên, nhằm giúp cho các giảng viên, giáo viên có mức thu nhập cao hơn trong xã hội, từ đó mở ra nhiều hướng đi mới, nâng tầm vóc của ngành giáo dục nước ta lên một bước mới, ngang tầm với các nước có nền giáo dục tiên tiến hiện nay.

Bài, ảnh: THÁI PHƯƠNG