Người sinh ra để đi chiến trường
Những người từng gắn bó với ông Sáu Dân-cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều cho rằng dường như ông Võ Văn Kiệt là người sinh ra để đi chiến trường. 20 năm đánh Mỹ, ông đi suốt, đi không nghỉ. Đang từ căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R), ít bữa sau, ông đã có mặt ở Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (T4). Vừa chủ trì hội nghị ở miền Đông xong, ông lại nhanh chóng có mặt để chỉ đạo kháng chiến ở miền Tây. Ổn việc ở Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, bóng ông lại xuất hiện trên chiến trường T3 (Tây Nam Bộ), rồi sau đó lại lộn về R, T4.
Đi nhiều, làm việc nhiều, đội ngũ cận vệ, bảo vệ ông Sáu Dân ở các chiến trường trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phải lên tới hàng trăm người. Ông Phạm Thanh Dân, nguyên Trưởng phòng PX15, Công an TP Hồ Chí Minh, một trong những người từng cận kề bên ông Sáu Dân thời kháng chiến, kể: “Nguyên tắc của cận vệ là sống để dạ, chết mang theo. Ngay cả giấy tờ, bằng khen anh em cũng không được giữ. Cùng là đồng đội, cùng bảo vệ ông Sáu Dân ở nơi này, nơi khác nhưng anh em gặp nhau cũng chỉ biết tên hoạt động, không biết tên thật. Chẳng người nào, dù gắn bó với ông Sáu lâu đến mấy có được một tấm hình chụp chung với ông. Vậy mà hàng chục năm sau gặp lại, ông Sáu vẫn không hề quên ai, vẫn thuộc tên, nhớ nết của từng người”.
 |
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng gia đình ông Nguyễn Văn Ấm. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Dĩ nhiên, những người lính cận vệ ai cũng nhớ và thương ông. Trong số các cận vệ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Ấm (Út Ấm), nguyên Quận ủy viên, công tác ở Ban Thanh tra quận 4, TP Hồ Chí Minh là một trong những cận vệ có thời gian đi theo ông Sáu lâu nhất. Chia sẻ những kỷ niệm với thủ trưởng của mình, ông Ấm bộc bạch: “Hồi đó, tôi mới 17 tuổi. Nhiệt tình, yêu nước thì đi theo cách mạng chứ người tôi lúc đó còn nhỏ xíu. Có lần đi công tác ở Tân Tập (Long An), khi trở về, gặp con nước lớn, lại đi ngược dòng, tôi ráng sức chèo mà xuồng vẫn đi rất chậm. Khi đó, chú Sáu thấy vậy bèn bảo: “Để tao phụ”. Chưa kịp can, thủ trưởng đã tụt xuống, trầm mình lội dưới sông đẩy xuồng. Thấy tôi tỏ ra áy náy, chú Sáu cười xòa: "Một mình mày chèo thì chậm rì, đi hồi nào mới tới”.
Chuyện lính nạt thủ trưởng
Cũng theo lời ông Út Ấm, từ giữa năm 1967 đến đầu Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông Sáu Dân có mặt thường trực ở căn cứ Khu ủy T4. Dường như đánh hơi thấy cách mạng sắp mở trận chiến lớn nên địch tăng cường đánh phá rất dữ. Nơi làm việc của cơ quan khu ủy phải thay đổi liên tục, lúc đóng ở gần Mỹ Tho, lúc lùi sâu vào tận Mỏ Cày (Bến Tre). Cứ đánh hơi thấy cơ quan đóng chỗ nào là bom pháo địch rót xuống tơi bời ở đấy. Giữa những ngày ác liệt đó, trong một lần hành quân, ông Sáu Dân đạp phải chông, vết thương nhiễm trùng lên cơn sốt. Nghe tin ông Sáu bị thương, anh Phạm Thanh Dân vừa được cử đi học y sĩ về, tức tốc xách theo cả cây chông còn dính máu đuổi theo thủ trưởng. Xem xét vết thương, Ba Dân nhận định phải mổ ngay. Ngặt nỗi, bác sĩ Mười Lù, người chăm sóc sức khỏe của ông Sáu vẫn còn kẹt lại giữa trận chiến. Ông Sáu Dân quyết định liền: “Không có bác sĩ thì y sĩ cũng mổ. Cần mổ thì cứ mổ liền đi, đợi cái gì”. Anh y sĩ nghe theo, làm liền. Vừa làm, anh vừa run vì không ngờ “thương binh” đầu tiên để anh thử tay nghề lại là ông Sáu!
“Hoàn thành ca mổ, nhưng vì tình thế cấp bách nên anh em vẫn chưa kịp đào hầm trú ẩn. Tôi và một số anh em bảo vệ khác chỉ kịp tìm được một chiếc lu mái cao chừng 1m đào đất chôn xuống rồi làm nắp đậy lên, đưa ông Sáu Dân xuống trú. Những ngày sau đó, bom pháo địch vẫn giã liên tục. Cứ sau mỗi đợt bom, dù chân còn buốt nhức, người sốt, ông Sáu vẫn cứ đội nắp hầm, ngó quanh và đếm đủ mặt từng người lính bảo vệ mới yên tâm. Sợ ông gặp nguy hiểm, tôi quên mất vị trí, quát ầm lên: “Bom pháo quá trời, chú ra đây làm gì, chết thì sao?”. Không giận, ông Sáu Dân chỉ cười: “Thì cũng phải thấy tụi bây an toàn hết, tao mới yên lòng được chứ. Nằm trong cái lu đó nóng quá trời!”, ông Út Ấm kể.
Chuyện lính nạt thủ trưởng, ông Út Ấm không phải là người duy nhất. Thương lính, lại dân chủ, cởi mở, hễ lính nói đúng là chịu, nên đôi khi ông Sáu Dân cũng bị cận vệ “quát ầm trời”. “Uống mật gấu” quát thủ trưởng thường là mấy “cậu nhỏ” mới vô làm cận vệ, nói vui theo kiểu của anh em là “ỷ nhỏ ăn hiếp lớn, hổng biết trời cao đất dày là cái gì”. Cũng nằm trong tốp “cô, cậu nhỏ” tham gia bảo vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt giai đoạn 1969-1975, bà Lê Thị Hà Nương, nay cư ngụ tại phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vẫn nhớ rõ từng kỷ niệm với thủ trưởng của mình.
Theo lời bà Nương, cuối tháng 7-1969, khi vừa tròn 16 tuổi, bà được ba gửi vào công tác ở đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam. Khi bắt tay vào công tác, bà mới biết đó là đơn vị bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt. Do cùng quê Vũng Liêm, lại nhỏ tuổi nên trong thời gian làm y sĩ trong Đội cận vệ, bà thường được đồng chí Võ Văn Kiệt kêu lên ngồi ăn cơm chung.
“Chú Sáu rất quý mến trẻ con và cũng hết sức kính trọng người lớn tuổi. Dù công việc bận rộn nhưng chú vẫn dành thời gian cho những người lính trẻ mới vào đơn vị như chúng tôi. Ban đầu tôi kêu bằng ông, nhưng chú nói: “Cùng quê nếu xét vai vế đúng là ông thật, nhưng đi bộ đội thì không có bộ đội ông mà chỉ có chú bộ đội thôi. Bây cứ kêu bằng chú là được”. Trong một lần đơn vị làm nhiệm vụ ở Ngọc Hiển, Cà Mau, sáng hôm đó, chú Sáu dậy sớm và gọi chú Hai Nguyên với giọng khẩn trương: “Anh Hai, anh Hai ơi!”; chú Hai Nguyên "dạ, dạ" liền mấy tiếng. Nghe tiếng dạ của chú Hai Nguyên, chú Sáu tỏ ra khó chịu và nói: “Anh lớn tuổi hơn tôi mà dạ, dạ cái gì”. Bao nhiêu năm trôi qua nhưng với tôi, chú Sáu là một người lãnh đạo gần gũi, không bao giờ phân biệt vị trí chức vụ, dù là lính nhưng khi nói đúng chú đều vui vẻ nghe theo. Dù bận hàng núi công việc nhưng chú vẫn dành thời gian hỏi thăm sức khỏe từng người với cử chỉ yêu thương, gần gũi, giống như một người cha vậy”, bà Nương chia sẻ.
Lịch sử vốn công bằng, cuộc sống cũng công bằng. Những ai đã cống hiến, hy sinh, hết lòng vì dân, vì nước, luôn gần gũi, thương yêu con người thì lịch sử sẽ không bao giờ quên. Với những người đã cùng công tác, gắn bó, gần gũi thì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt-chú Sáu Dân là một con người không thể quên.
THÚY AN