PHẠM PHƯƠNG THẢO

Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, việc củng cố, phát triển các phong trào của tuổi trẻ, mà nòng cốt là hoạt động của Đoàn Thanh niên, được lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt (tên gọi thân mật là chú Sáu Dân) đặc biệt quan tâm. Giai đoạn từ năm 1977 – 1983, chú Sáu Dân giữ cương vị Bí thư Thành ủy, còn tôi làm Phó Bí thư Thành đoàn, sau này là Bí thư Thành đoàn. Mọi phong trào hoạt động của Đoàn đều được chú Sáu Dân quan tâm chỉ đạo sâu sát. Trong lúc cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động Đoàn, Hội, phong trào thiếu nhi còn thiếu thốn, chú Sáu bảo: Phải chọn những ngôi nhà nào đẹp, thoáng mát, rộng rãi làm nơi sinh hoạt cho các cháu. Chú rất quan tâm và nhắc nhở các cán bộ Đoàn phải tuyên dương kịp thời và có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ những tấm gương trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, đặc biệt là các bạn nhỏ cõng bạn đi học. Chú nói, đó là hành động rất đẹp, rất cách mạng, cần được vun đắp, bồi dưỡng để trở thành những tấm gương sáng về lối sống cho lớp trẻ.

Năm 1977, chúng tôi tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn thành phố, tại Dinh Thống Nhất và mời chú Sáu Dân tham gia Đoàn Chủ tịch. Trong Đoàn Chủ tịch có em Tô Ngọc Thanh, nhà ở bến Vân Đồn, quận 4. Thanh từng là một thiếu niên hư hỏng dưới thời chế độ cũ, tham gia hoạt động trong những băng nhóm giang hồ và được mệnh danh là “Bảy Đầu Bò”. Nhờ được giáo dục tốt, Thanh đã trở thành một tấm gương tiêu biểu trong các phong trào kế hoạch nhỏ, học giỏi, chăm ngoan, đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Biết chuyện của Thanh, chú Sáu Dân rất cảm kích và dành cho Thanh sự quan tâm đặc biệt. Chú căn dặn Thanh, phấn đấu để trở thành người tốt đã khó, nhưng giữ vững được phẩm chất tốt đẹp suốt đời còn khó gấp vạn lần. Chú tin tưởng và hy vọng ở cháu cũng như các bạn cùng cảnh ngộ như cháu. Trò chuyện với các đại biểu cháu ngoan Bác Hồ, chú Sáu bảo: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các cháu”. Câu nói ấy của chú chúng tôi nhớ mãi và lấy đó làm phương châm cho các hoạt động hướng tới các em thiếu niên, nhi đồng.

Sau này, khi đã làm Thủ tướng, rồi Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mỗi lần về Thành phố Hồ Chí Minh, chú Sáu đều dành thời gian quan tâm đến phong trào Đoàn, về các hoạt động tập hợp, giáo dục thế hệ trẻ và hỏi thăm trường hợp em Tô Ngọc Thanh. Khi biết Thanh đã trở thành công dân tốt, có gia đình hạnh phúc, việc làm ổn định, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chú vui lắm. Mới đây, khi biết tin Thanh gặp khó khăn về chỗ ở, chú đã gửi hỗ trợ Thanh một khoản tiền để Thanh làm nhà.

Trong cuốn sách “Kính chào thế hệ thứ tư” tập hợp các bài viết của chú về phong trào của tuổi trẻ, chúng tôi học tập được rất nhiều điều về tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động và hình thức, biện pháp tập hợp, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên. Trong suy nghĩ của chúng tôi, chú Sáu Dân thực sự là một thủ lĩnh lớn của thanh niên. Chú luôn mang trong mình một phong cách tư duy tươi trẻ, nhân văn, lạc quan, không chỉ kiệt xuất về chính trị, kinh tế mà còn rất am tường hoạt động văn hóa văn nghệ, bắt đúng mạch của nhịp sống thời đại để có những định hướng đúng đắn.

Chú Sáu Dân ra đi quá đột ngột. Hôm nhận được tin chú từ trần, chúng tôi bàng hoàng không muốn tin đó là sự thật.

THANH KIM TÙNG ghi