QĐND Online - Ngày 27-8-2012, Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tổ chức gặp mặt nhân chứng liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của liệt sĩ Phạm Chu. Được biết, Liệt sĩ Phạm Chu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (tất cả bốn người con trai đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) tại thôn Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp (Hòa Vang, Đà Nẵng), nay là phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Anh là người cán bộ an ninh khu 1 (Hòa Vang) tiên phong diệt ác, phá kềm. Đến nay, mặc dù ngày Phạm Chu ngã xuống đã hơn bốn mươi năm nhưng câu chuyện về anh vẫn được nhân dân Hòa Hiệp, đồng đội…kể lại như một bản hùng ca về người chiến sĩ tận trung với Tổ quốc, với nhân dân.
 |
Bút tích của liệt sĩ Phạm Chu trong chiến tranh (ảnh do gia đình cung cấp) |
Kỳ 1: Nơi miền quê cách mạng
Thị trấn Nam Ô, xã Hòa Hiệp (Hòa Vang, Đà Nẵng) có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng, nối liền hai thành phố Đà Nẵng và Huế. Vì thế, trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đây là nơi ta quyết giành, địch cố giữ. Trong bối cảnh lịch sử đó, vùng đất dưới chân đèo Hải Vân được mệnh danh là “cái nôi cách mạng” đã sinh ra nhiều người con sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc, trong đó có gia đình ông Phạm Thế Điền và bà Phạm Thị Sâm. Ông bà có 5 người con (4 trai, 1 gái) thì 4 người con trai: Phạm Văn Bất, Phạm Nam, Phạm Thêm và Phạm Chu đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Từ cậu bé chăn trâu liều lĩnh…
Trong ký ức của ông Lê Thành Thương (nguyên Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Liên Chiểu), ông Mai Xuân Hựu (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam, nguyên Trung đội phó Đại đội đặc công quận Nhì)…Phạm Chu là một cậu bé chăn trâu liều lĩnh. Mỗi khi đám trẻ giữ trâu của hai thôn Xuân Thiều và Thủy Tú (Hòa Hiệp) chơi trò đánh trận giả, chia phe bắn đất hôm nào có Phạm Chu tham gia là hôm đó phe Xuân Thiều chắc thắng. Phạm Chu không hề biết sợ, sẵn sàng nhảy vào đánh xáp lá cà ngay. Tuy nhiên, trong cuộc sống, lớn tuổi hơn trong đám trẻ giữ trâu, nên anh rất đàng hoàng, công bằng. Mỗi lần bọn trẻ trông trâu cho Phạm Chu đi mót khoai, bắt cua…, lúc trở về anh luôn chia đều cho tất cả mọi người.
Sinh ra tại thôn Xuân Thiều, trong một gia đình nghèo, Phạm Chu sớm phải bỏ học để giữ trâu cho nhà giàu. Ông Phạm Thế Điền và bà Phạm Thị Sâm có bốn người con trai và một cô con gái là bà Phạm Thị Chủi. Tất cả đều tham gia cách mạng. Tháng 01-1964, người con trai thứ ba Phạm Thêm thoát li lên chiến khu. Tháng 9 năm đó, hai anh em Phạm Văn Bất (anh cả) và Phạm Nam tiếp tục lên đường. Gia đình chỉ còn lại cha mẹ già và hai người chị (chị gái và chị dâu), mọi lo toan cuộc sống được “ưu tiên” cho em út Phạm Chu. Bà Lê Thị Trúc (vợ liệt sĩ Phạm Văn Bất) nhớ lại: “Hồi đó, chú Chu vất vả lắm. Ba anh trai đi hết rồi nên chú phải bỏ học từ năm lớp 5 để xin trâu đi giữ rẻ” (xin giữ trâu cho nhà giàu với tiền công thấp-PV). Cũng theo bà Trúc, bà về làm dâu năm 1961, nhà không có ruộng nên phải làm thuê, đi mót, giữ trâu để kiếm cái ăn. Ngoài ra, ông Phạm Thế Điền còn là thầy thuốc nam nên công việc chính là chặt cây, hái lá về làm thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.
Những tưởng ba người anh đã thoát ly, Phạm Chu sẽ ở lại tham gia du kích địa phương và chăm sóc cha mẹ. Nhưng rồi một buổi chiều đầu năm 1967, Phạm Chu cùng với người anh em họ Phạm Khương lặng lẽ lên đường. Ông Mai Xuân Hựu nhớ lại: “Hôm ấy, tầm khoảng 3 đến 4 giờ chiều, bọn tôi thả trâu ở cồn Mít. Phạm Chu và Phạm Khương lẳng lặng vượt sông Soi, là một nhánh sông Cu Đê, đi sang Phái 6-Quang Nam 2, xã Hòa Liên, rồi lên căn cứ. Khi các anh đi, bọn tôi có người biết, người không”. Theo giải thích của ông Hựu, trong số trẻ con đi giữ trâu đó vẫn có con em của tề, ngụy nên việc ra đi phải bí mật. Thậm chí, việc thoát ly của Phạm Chu còn được giữ kín như bưng với cả người thân trong gia đình. Bà Trúc hồi tưởng: “Chiều đó, chú vẫn đi giữ trâu như mọi ngày, không thấy nói chi với ai chuyện thoát ly. Khi biết tin chú Chu đi rồi, gia đình bí mật coi như không có chuyện gì xảy ra”. Nhưng rồi chuyện bốn người con trai ông Phạm Thế Điền đều thoát ly tham gia cách mạng không qua khỏi tai mắt của địch. Khoảng một tháng sau ngày Phạm Chu vượt sông lên núi, chúng kéo đến đốt nhà, bắt ông Điền lên đồn tra khảo, nhổ râu, đốt râu. Cả gia đình phải di tản vào xóm Giữa, xã Hòa Hiệp để dựng ngôi nhà mới.
Ở đây, ông bà đã lần lượt đón nhận tin các con hi sinh trong niềm đau tột cùng. Ngày 02-4-1965, người con trai thứ ba Phạm Thêm hi sinh khi đang chiến đấu. Cuối năm 1968, Phạm Văn Bất và Phạm Nam đã ngã xuống khi chưa đi đến ngày toàn thắng. Đau đớn, căm thù dồn nén trong trái tim người còn sống, ông bà không khóc được, mọi tương lai đành kỳ vọng vào người con trai út Phạm Chu.
 |
Bà Lê Thị Trúc và con gái Phạm Thị Sương (con gái liệt sĩ Phạm Văn Bất) đang kể về truyền thống gia đình
|
...Đến “ông Chu” địch gọi
Trong buổi gặp mặt nhân chứng do Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam tổ chức, ông Trương Ngọc Luận-nguyên cán bộ khu 1 Hòa Vang, nhớ lại: “Tui với anh Chu như môi với răng. Địch gọi bằng ông Chu chứ không phải thằng Chu đâu. Từ năm 1964, anh Chu ở trung đội tập trung của xã, nói đến chỗ mô là xung phong đi trước, không ngần ngại. Thời kỳ địch đánh phá, có lúc anh phải cải trang thành đàn bà, giật gánh rau muống của dân, bận áo, quàng khăn đi xuống Xuân Thiều. Nói đến diệt ác tại Nam Ô, đồng chí Chu nhanh chóng, dũng cảm nhận đi trước dù đã là Trưởng ban An ninh khu 1”.
Các nhân chứng nay người nhiều tuổi đã ngoại bát tuần, người ít tuổi cũng đã trên sáu mươi. Họ nhớ lại những ngày tháng sau Tết Mậu Thân 1968 thật ác liệt. Sau phong trào “tiếng trống Nam Ô”, địch nắm được nhiều cơ sở cách mạng, đảng viên hoạt động bí mật. Chúng điên cuồng điều hẳn một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, một trung đội dân vệ…lên đóng chốt tại Nam Ô, Hòa Hiệp. Hàng loạt hầm bí mật bị khui, nhiều gia đình cơ sở li tán, vào chốn lao tù. Tình thế khó khăn buộc khu 1 Hòa Vang phải rút một số đồng chí cán bộ, đảng viên về cứ. Năm 1969 thực sự là năm đen tối của phong trào cách mạng tại Nam Ô, Hòa Hiệp. Cơ quan An ninh khu 1 và đơn vị đặc công quận Nhì (Đà Nẵng) đều đứng chân trên hòn núi Quắp (thuộc dãy núi Hải Vân). Giống như các cơ quan, đơn vị khác ở cánh bắc HòaVang, từ núi Quắp xuống Nam Ô, Xuân Thiều chỉ có một con đường duy nhất. Lính Mỹ-ngụy ngày đêm chốt chặn lằn ranh không cho cán bộ, bộ đội xuống dân, chặn đường tiếp tế của ta. Mặt khác, chúng tăng cường ác ôn từ nơi khác đến làm trưởng thôn, trưởng ban an ninh, tập trung bóc gỡ cơ sở cách mạng. Do đó, cán bộ không xuống phát động quần chúng được, một số đồng chí đảng viên nằm vùng không dám hoạt động, phong trào có dấu hiệu chùng xuống.
Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương “dân bám đất, cách mạng bám địch” để “một tấc không đi, một li không rời” của cấp trên, Đảng ủy khu 1 quyết định thành lập đội diệt ác, phá kềm gồm các đồng chí: Nguyễn Mẹo, Phạm Sang, Ngô Tấn Cồ và Phạm Chu; đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy khu 1 mà trực tiếp là Phó bí thư Nguyễn Đình Tùng. Mục đích của việc thành lập đội diệt ác, phá kềm là tiêu diệt những tên ác ôn, giải tỏa cho phong trào cách mạng. Bà Trần Thị Mười (còn gọi là Mười Lan), nguyên Bí thư chi bộ xã Hòa Hiệp nhớ lại: “Thời kỳ anh Chu tham gia du kích, tôi là cán bộ về địa phương. Năm 1969 là năm diệt ác phá kềm ở Nam Ô. Chúng tôi làm nhiệm vụ thị sát cho anh Chu, điều tra cụ thể để diệt thằng Chí. Trước khi chuẩn bị cho anh Chu đi diệt ác phá kềm, chi bộ xã Hòa Hiệp tổ chức họp. Anh Chu đứng mang súng xin thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết định lần ni xuống phải diệt cho được thằng Chí và thằng Khoa. Nói là bàn thờ Tổ quốc nhưng chỉ có lá cờ và tấm ảnh Bác Hồ. Bọn tôi nhận nhiệm vụ, về tập trung tại nhà chị Bảy Ngãi ở xóm Trắng. Cơ sở chuẩn bị súng, quần áo cho anh Chu đi”. Theo hồi ức bà Mười, khoảng 2 đến 3 giờ chiều hôm ấy, họ xuống bến ghe, ra chợ Nam Ô, chia làm hai mũi nắm tình hình. Vì tầm đó, hai tên ác ôn này thường tập trung ăn nhậu. Sau đó, anh Chu mặc đồ thường đi ra như không có chuyện chi. Xin nói thêm, đây không phải là đánh một lần. Lầu đầu, ta đã vồ hụt, bắn không trúng tên Chí. Lần hai, Phạm Chu quyết tâm ra tận Nam Ô, diệt cho được nó. Tuy nhiên, đã bị bắn một lần và biết mặt Phạm Chu nên tên Chí rất cảnh giác. Khi anh áp sát, nhưng chưa kịp rút súng thì hắn đã bất ngờ rút súng ra trước. Nhanh như cắt, Phạm Chu đá văng khẩu súng của nó và lao thẳng xuống sông lặn một hơi mất tăm. Lần khác, anh cùng một cán bộ xuống công tác, bị địch phát hiện. Hai người chạy hai đường, đồng chí kia bị bắt đã khai cho địch bóc gỡ cơ sở của ta ở khu vực Xuân Thiều. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm: “Cán bộ khu 1 được phân công về công tác xong nhiệm vụ lại lên căn cứ, riêng Phạm Chu xuống nằm vùng hoạt động thường xuyên”. Bấy giờ, hầm bí mật đã bị địch khui hết, Phạm Chu phải nằm bờ, nằm bụi, nhưng chủ yếu là nằm dưới ruộng nước. Anh dùng chiếc ghế đẩu, theo cách gọi của người dân địa phương là loại ghế dài, có bốn chân, đặt dưới ruộng lúa cao lút đầu người. Anh nằm như vậy cả ngày, chờ đêm xuống hoặc địch thưa đi tuần lại lên bờ đi phát động quần chúng. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa tối khi vào trong dân, nếu không vào được thì đành nhịn đói, đỉa bám hút máu, thậm chí có hôm phải trèo lên cây cao, chống rào ngồi tránh địch…những thử thách đó không làm nhụt chí Phạm Chu. Vì vậy, có đồng chí đảng viên không chịu xuống bám đồng bằng, phải điều lên núi, sang bộ phận sản xuất. Phạm Chu biết rằng, sự có mặt của anh là trực tiếp khẳng định cho nhân dân thấy được cách mạng vẫn còn, vẫn sát cánh với nhân dân. Ngược lại, bọn tề ngụy nghe tin Phạm Chu lại vô cùng sợ hãi. Có tên ác ôn vừa mới nhận chức trưởng thôn được một thời gian ngắn như tên N. đã bị anh tiêu diệt ngay giữa ban ngày. Đặc biệt, tên trung úy Tình được địch điều ở đâu về làm trưởng thôn Xuân Thiều kiêm trưởng ban an ninh, hống hách tuyên bố sẽ nhổ hết cỏ cộng sản, gây nhiều tội ác với nhân dân. Được sự giúp đỡ của quần chúng, Phạm Chu bí mật đột nhập vào nhà riêng tuyên bố thay mặt Cơ quan An ninh khu 1 xử tử tên phản quốc. Địch ở Hòa Vang nghe đến “bộ ba”Chu, Sai, Cồ là mất ăn, mất ngủ. Đến năm 1971, trước tình hình bộ máy tề ngụy tại Hòa Hiệp có nguy cơ bị tê liệt, trung tá Mai Xuân Hậu, quận trưởng quận Hòa Vang, phải treo giải thưởng một triệu đồng tiền ngụy (ông Mai Xuân Hựu cho biết giá vàng lúc ấy tầm 6 ngàn đồng/chỉ-PV) cho kẻ nào bắt được, bắn chết hoặc báo cho chúng biết nơi ở của Phạm Chu. Trong buổi họp mặt, bà Mười Lan, nguyên bí thư chi bộ Hòa Hiệp khẳng định: “Cách mạng ở Hòa Hiệp giai đoạn đó giữ được là nhờ công của mấy anh đó”.
Trong ký ức của nhân dân và các nhân chứng, người con ưu tú của quê hương Xuân Thiều (Hòa Hiệp) Phạm Chu là người cán bộ an ninh dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, tiêu biểu của khu 1 Hòa Vang. Ông Phạm Văn Tình, nguyên Chánh văn phòng khu 1, nhớ lại: “Phạm Chu giác ngộ cách mạng sớm. Khi họp thường vụ hay họp văn phòng bàn về diệt ác phá kềm, đồng chí Chu luôn xung phong đi đầu”. Ngoài hành động chiến đấu kiên cường, dũng cảm, Phạm Chu còn là người cán bộ có tầm nhìn sâu rộng, mưu trí trong chiến đấu.
Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long
(còn nữa)