Vẹn tròn nhiều trọng trách

Từ năm 1978-1984, là học viên của Học viện Quân y, tốt nghiệp ra trường, bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu lên đường về nhận nhiệm vụ tại Căn cứ hậu cần 30, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần). Năm 1987, anh được điều về Viện Quân y 108, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, làm bác sĩ điều trị của Khoa Phục hồi chức năng. Tại đây, sau thời gian dài phấn đấu, năm 2005, anh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng.

Trên cương vị là một người chỉ huy, anh luôn hòa đồng với các đồng nghiệp và nêu gương cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ trong trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức. Trong công việc, anh thường xuyên nhắc nhở cán bộ nhân viên trong khoa có thái độ ứng xử, giao tiếp chan hòa với người bệnh, tạo được niềm tin đối với bệnh nhân, gia đình người bệnh khi đến với khoa nói riêng và bệnh viện nói chung, phục vụ người bệnh đúng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Với trách nhiệm của người thầy, anh luôn chủ động trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ, kỹ thuật viên trẻ trong khoa. Anh luôn tâm niệm: “Người đi trước phải hướng dẫn cho người đi sau để kế thừa và cùng phát triển”.

Ngoài tham gia công tác điều trị và nghiên cứu khoa học, anh còn giữ nhiều trọng trách, như: Chuyên viên kỹ thuật chuyên ngành phục hồi chức năng quân đội; Phó chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Chăm sóc sức khỏe cán bộ miền Bắc... Ở trên cương vị nào anh cũng dốc hết tâm huyết, hoàn thành trọng trách được giao. Nói đến bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu cũng có nghĩa là nhắc đến một người có bề dày nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, anh đã chủ trì hơn 70 công trình được công bố trên các tạp chí, đồng thời tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bệnh viện, cấp Bộ Quốc phòng, cấp Nhà nước.

Với những cống hiến tích cực của mình, anh đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Có thể nói, trong chặng đường cống hiến, phục vụ cho quân đội, tham gia chăm sóc, điều trị sức khỏe bộ đội và nhân dân, ở bất cứ cương vị nào, Đại tá Nguyễn Trọng Lưu cũng luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện trọn vẹn y đức của người bác sĩ quân y...

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Trọng Lưu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Người nghệ sĩ đa tài

Với tôi, nhớ đến Đại tá Nguyễn Trọng Lưu không chỉ là nhớ về một người chỉ huy, người thầy, người đồng nghiệp, mà còn là nhớ về hình ảnh một bác sĩ quân y với nhiều tài lẻ - một nghệ sĩ thực thụ. Với niềm đam mê và dấn thân vào lĩnh vực sáng tác nhạc và nhiếp ảnh, đến nay, trong “gia tài” của anh có... kha khá các tác phẩm có chất lượng tốt, được nhiều người trong giới nghệ sĩ ghi nhận và được khán giả đánh giá cao. Là người lính có quãng thời gian công tác xa nhà, xa mẹ nên bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu rất thấu hiểu nỗi lòng, tình cảm của mẹ dành cho anh. Chính vì vậy, anh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để viết về người lính và những người mẹ của người lính, coi đó là sự tri ân đối với những hy sinh, cống hiến của họ cho Tổ quốc.

Sinh ra trong thời kỳ đất nước đang còn chiến tranh, nên anh đã từng chứng kiến hình ảnh những chàng trai lên đường ra mặt trận; cảm nhận được tấm lòng người mẹ trong những lần tiễn chân con và để rồi lặng lẽ, âm thầm chờ ngóng tin con, chờ đợi cả khi đất nước đã không còn tiếng súng... Những hình ảnh đó cứ thôi thúc, giục giã, cứ chực chờ bật lên thành những thanh âm da diết và sâu lắng. Để rồi, như là duyên nợ, dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2011, khi bắt gặp bài thơ "Mẹ gọi tên anh" của nhà thơ Lương Hữu Quang đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu năm đó, anh lập tức nhận ra đây là cái mình đang chờ đợi.

...Cánh cửa ấy đêm đêm vẫn mở/ Khói nhang mờ quyện với sương khuya...

Hình ảnh người mẹ âm thầm, lặng lẽ ngồi chờ con ngày qua ngày, năm này sang năm khác, tưởng chừng như "hóa đá" nhưng vẫn không hề nguôi vợi niềm tin đã lay động tâm hồn Nguyễn Trọng Lưu. Anh đã viết rất nhanh, chỉ một đêm, bài hát cơ bản đã hoàn thành. Đây là bài hát viết về hình tượng người mẹ. Không đơn thuần là hình ảnh của một bà mẹ cụ thể, mà là hình tượng Mẹ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, hăng say lao động sản xuất. Thiêng liêng hơn, đó là người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình để chở che, bao bọc cho con, có tấm lòng bao dung tạc trong trầm ngâm hóa đá, mong ngóng, mãi trông chờ đứa con trở về. Sau đó, tác phẩm đã được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Phát thanh Quân đội và các kênh truyền hình Trung ương VTV1, VTV3, ngoài ra đã được biểu diễn trong nhiều chương trình ca múa nhạc tại các sự kiện lớn của đất nước và quân đội. Ngoài bài hát “Mẹ gọi tên anh”, còn có những nhạc phẩm được bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu sáng tác khá quen thuộc với người yêu âm nhạc, đó là: Vinh quang Bệnh viện anh hùng; Lá cờ Tổ quốc giữa Biển Đông; Có những tấm lòng....

Không sai khi nói Đại tá Nguyễn Trọng Lưu có nhiều “tài lẻ”, bởi ngoài âm nhạc, anh còn rất thích bộ môn nhiếp ảnh. Trong đó, cuộc sống thường nhật của Thủ đô Hà Nội là một trong những đề tài yêu thích, và cũng khiến anh luôn trăn trở, tìm tòi để phát hiện những nét mới, nét đặc sắc, không bị trùng lặp với rất nhiều tác phẩm khác vốn đã rất nổi tiếng và quen thuộc với người Hà Nội. Bản thân bác sĩ Nguyễn Trọng Lưu cũng có nhiều tác phẩm ảnh về Hà Nội đã được triển lãm, nhưng tác phẩm "Một thoáng Hà Nội" là một trong những tác phẩm mà anh tâm đắc nhất. Điều may mắn và vinh dự nhất đối với anh, đó là tấm ảnh đã được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội lựa chọn là một trong 1.000 tấm ảnh tiêu biểu để in trong cuốn Sách ảnh 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thiếu tá QNCN VŨ THỊ KIM OANH, Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108