Ngày 27-2-1972, ông bị địch bắt và giam cầm 6 tháng trời. Mặc dù phải chịu nhiều cực hình nhưng ông vẫn giữ vững chí khí của người chiến sĩ cộng sản, vừa chịu đựng gian khổ vừa tìm cách vượt ngục thành công trở về với đồng đội tiếp tục công tác...

Bài 1: Vượt Trường Sơn vào vùng "xôi đậu"

Tháng 3-1969, tôi nhận được lệnh điều động mới của Bộ Giáo dục: Chi viện cho ngành giáo dục miền Nam, lúc này gọi là “đi B”. Sau 6 tháng học tập chính trị và tập huấn về những đặc điểm, tình hình miền Nam, chúng tôi tiếp tục được đưa về bồi dưỡng, rèn luyện ở Trường bồi dưỡng cán bộ của Ủy ban Thống nhất Trung ương nằm trên trục Đường số 6, tỉnh Hòa Bình. Ở đây địa hình tương đối giống Trường Sơn. Trước cổng trường là tấm biển lớn ghi dòng chữ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Từ tháng 9 đến tháng 12-1969, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ là bồi dưỡng sức khỏe và luyện tập quân sự, tập sử dụng các loại súng, băng bó vết thương, mang gạch hành quân leo núi, vượt đèo. Mỗi tuần, chúng tôi được nhà trường kiểm tra sức khỏe một lần...

Sau 3 tháng bồi dưỡng sức khỏe và tập mang đá hành quân, mỗi người chúng tôi có thể mang được 40-45kg hành lý để hành quân. Ngày 27-1-1970, đoàn chúng tôi tạm biệt miền Bắc thân yêu vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ. Cùng dự khóa bồi dưỡng tại trường của Ủy ban Thống nhất Trung ương và vượt Trường Sơn đợt này còn có đoàn cán bộ y tế của Bộ Y tế. Đoàn cán bộ dân-chính “đi B” đợt này gọi là Đoàn 271, có tất cả 400 người. Chúng tôi đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Vinh; từ Vinh, chúng tôi đi ô tô vào Quảng Bình và từ đây bắt đầu hành quân bộ vượt Trường Sơn. 

leftcenterrightdel
Nhà giáo Thái Duy Trấp trên đường Trường Sơn vào Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Bình thường đi bộ mỗi giờ được 4km, nhưng đi đường Trường Sơn thì không tính thế được. Có khi bắt đầu xuất phát đã nghe tiếng nói cười bên kia đồi nhưng phải đi 6 tiếng đồng hồ mới tới nơi đó được. Vì địa hình hiểm trở nên nhiều khi chúng tôi phải hành quân đến 9-10 giờ đêm mới tới chỗ nghỉ. Đến nơi phải chặt cây tìm chỗ mắc võng. Nếu không may mà đạp phải tổ kiến càng, kiến mối thì sẽ bị chúng phạt cho ra trò, phải lủi một hơi, quên cả chỗ đặt ba lô để mắc võng. Chuẩn bị chỗ ngủ xong, tất cả lên võng nằm, kể cả quần áo ướt khi gặp trời mưa. Đến 4 giờ sáng, khi còi báo thức vang lên, chúng tôi bật dậy. Người thì kiếm củi nấu cơm, người thì đi tìm lá rừng làm rau nấu canh. Tôi được anh chị em phong cho chức “Vua cải thiện”. Hễ đặt ba lô xuống là tôi đi tìm ngay được các loại lá làm rau. Theo kinh nghiệm thì các loại lá ăn chua và đắng thì hái, lá ăn ngọt thì không hái, có khi chúng tôi còn đi câu hay giăng lưới bắt cá nấu canh chua. Mỗi tổ 10-12 người được cấp một tay lưới, gọi là một chi.

Sau hơn 8 tháng hành quân gian nan vất vả, băng ngàn vượt thác, chống chọi với đói khát, bom đạn của địch, chúng tôi đến địa điểm tập kết của Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam tại khu vực Lò Gò, tỉnh Tây Ninh. Đến điểm tập kết, chúng tôi nghỉ một thời gian cho lại sức và học tập chính trị. Một tháng sau, chúng tôi được Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam phân công về các cơ quan của Trung ương Cục, một bộ phận khác làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. 

Đoàn Nghệ An lúc đó được biệt phái hoạt động ở các tỉnh Campuchia giáp ranh Việt Nam. Tôi và các anh: Ngô Đức Tiến (ở Yên Thành, Nghệ An), Trần Hanh (ở Hà Tĩnh), Hồ Minh Kha (ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) được Trung ương Cục giao về công tác tại Hội Việt kiều yêu nước ở khu vực Đông Nam Campuchia. 4 anh em chúng tôi được cử về công tác ở “Tiểu ban Giáo dục K1” gồm 3 tỉnh: Pray Veng, Kandal và Kampong Cham của nước bạn. Tôi được phân công về công tác ở tỉnh Kampong Cham (giáp với tỉnh Kiến Tường-tỉnh Đồng Tháp ngày nay) và ấp Cả Cùng thuộc tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

Ở đây, tình hình chiến sự ác liệt, nhiều khó khăn và phức tạp hơn. Vùng này gọi là vùng “xôi đậu”, tức là ta và địch xen kẽ nhau. Ngụy quân, ngụy quyền liên tục mở các trận càn quét, bắn phá vào thôn, ấp của Việt kiều để cướp của, giết người rồi đổ tội cho Quân Giải phóng.

Để bảo đảm tính hợp pháp và an toàn cho chúng tôi, Hội Việt kiều yêu nước ở khu vực Đông Nam Campuchia cấp cho chúng tôi mỗi người một căn cước của ngụy quyền Sài Gòn để phòng thân khi bị xét hỏi. Nhiệm vụ của chúng tôi ngoài việc mở các lớp sư phạm đào tạo giáo viên cho Việt kiều còn phải làm công tác “nằm vùng”, xây dựng chính quyền, đoàn hội, động viên con em Việt kiều tham gia Quân Giải phóng. Vùng chúng tôi công tác là vùng sông nước giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) nên ở đó, chúng tôi được tổ chức cấp cho mỗi người một chiếc xuồng con để đi lại trong mùa mưa. Ở đây chúng tôi bị địch càn liên tục, có ngày hai trận. Chúng thường đổ quân bằng máy bay rồi nhanh chóng tràn vào làng cướp của, bắt gà, vịt và gây tội ác. Vì thế, nhằm bảo đảm an toàn cho thầy và trò, chúng tôi phải mở các lớp học bí mật ở các nhà chùa. Sách vở của học sinh để trên bàn học là sách giáo khoa hợp pháp của Bộ Giáo dục Việt Nam cộng hòa xuất bản để phòng khi địch càn vào khám xét. Còn thầy giáo thì nhờ các thầy tu, phật tử ở chùa để che mắt địch.

Chúng tôi làm việc chủ yếu vào ban đêm, rồi thành lệ: Ngày địch, đêm ta! Cứ đến 4 giờ sáng, chúng tôi bỏ tài liệu vào thùng đạn đại liên nhấn chìm xuống nước rồi bơi xuồng ra giữa đồng bưng cách làng chừng một, hai cây số để tìm chỗ trú ẩn. Có những lúc chúng tôi phải ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ, hoặc có khi là cả một buổi vì trực thăng của địch rà sát mặt nước, lục soát các bụi rậm. Nếu phát hiện có Quân Giải phóng, chúng lập tức ném lựu đạn hoặc dùng súng phóng lựu xả liên hồi; đặc biệt khi đến các bụi rậm, trực thăng thường dừng lại, dùng đuôi quạt thổi gió để rà soát, nếu phát hiện được hầm bí mật của bộ đội Giải phóng thì chúng đốt sạch, phá sạch khu vực có bụi rậm đó. Chúng tôi ngụy trang để tránh địch bằng cách hụp lặn dưới các cụm lục bình, ở miền Bắc gọi là bèo tây, và dùng ống đu đủ ngậm vào mồm để thở. Những lúc như thế chúng tôi trở thành "mồi" cho lũ đỉa. 4 giờ rưỡi chiều, chúng tôi vớt thuyền lên, tát hết nước rồi bơi thuyền về với dân và sinh hoạt cùng bà con. Thông thường tầm 4-5 giờ chiều là bọn địch không đi càn nữa, nhưng cũng có hôm gần tối mà trực thăng vẫn đổ quân đi càn, cướp của, bắt gà, lợn, đốt phá nhà cửa. Lúc đó, chúng tôi cùng với bà con chạy ra đồng, tay nắm lấy dây thừng dắt hai con bò theo, để tránh bị bắt bớ, đánh đập.

Có một lần, khi đang dắt bò chạy càn thì một chiếc trực thăng lượn trên đầu mấy vòng rồi dừng lại hỏi giấy tờ của tôi bằng cách lấy giấy giơ ra để làm hiệu. Tôi biết ý liền lấy căn cước trong túi ra giơ cho nó thấy, sau đó nó bỏ đi không theo tôi nữa. Công tác ở vùng “xôi đậu” luôn luôn phải tạo thế hợp pháp: Khi đi làm nhiệm vụ phải luôn mang theo một thứ gì đó, khi thì vác một cái bai chèo và một tay lưới, lúc thì dẫn một đứa trẻ đi cùng, bất ngờ gặp lính ngụy cứ bình tĩnh, tự nhiên đi, bọn lính tưởng là người đi đánh cá hay cha con đi đâu đó nên không gây khó dễ.

Ngày 27-2-1972, tôi bị địch bắt. Trước đó, chúng tôi tổ chức cuộc họp mở lớp sư phạm, lớp bình dân, lớp bổ túc cho con em người Việt dọc biên giới Việt Nam-Campuchia thì nhận được tin báo sáng hôm sau địch sẽ càn vào ấp Cả Cùng nên chúng tôi đã xuống hầm bí mật để tránh địch càn quét nhưng trận càn này chúng dùng cả máy bay trực thăng và xe tăng. Vì sợ xe tăng cán sập hầm nên tôi và anh em du kích rời khỏi hầm bí mật, lên đi gặt lúa cùng với người dân. Không may cho tôi là có một chiếc xe tăng đậu ngay trên ruộng lúa nơi tôi đang gặt. Một thằng sĩ quan ngụy đứng trên mui xe tăng, đầu đội mũ bê-rê màu nâu, đeo kính râm, để phanh ngực đầy lông lá, lưng đeo kiếm dài, một tay cầm gậy ba-toong. Thấy tôi, nó lấy tay phải cầm súng ngắn làm động tác đẩy mũ bê-rê lên và hất hàm về phía tôi hỏi: “Mày là cộng sản từ đâu đến”? Tôi trả lời mình là Việt kiều, làm cao su ở Cao Miên, về thăm cha mẹ và vợ con mới hồi hương. Tên sĩ quan ra lệnh cho bọn lính bắt tôi. Bọn lính vật tôi nằm sấp xuống ruộng, dí lưỡi lê trên lưng rồi kéo áo từ trên vai xuống kiểm tra dấu hằn ba lô, kiểm tra hai bàn chân vết hằn dép cao su cũng như xem ngón tay phải có chai sạn vì bóp cò súng không... Rồi chúng giẫm lên lưng và đá tôi túi bụi. Chúng lại lật ngửa người tôi, dí lưỡi lê lên bụng tiếp tục tra hỏi: “Mày có biết Bệnh xá T2 ở đâu không? Dẫn chúng tao đến đó!”. Tôi trả lời không biết. Chúng lại đánh tôi bầm giập khắp cơ thể rồi lôi tôi đứng dậy, treo hai tấm biển trước ngực, sau lưng bằng bìa carton có đề 4 chữ: “Cộng sản Bắc Việt” và bắt tôi dẫn đường đi tìm Bệnh xá T2. Chúng bắt tôi đi trước dẫn đường. Trên cơ sở bước chân của tôi, bọn lính bước theo vì chúng sợ bước sai dấu chân tôi thì đạp phải lựu đạn và mìn của quân du kích, vì lúc này du kích Nam Bộ hay cài lựu đạn, mìn trên các lối mòn. Cứ như thế, chúng bắt tôi dẫn đi đoạn ngắn mới cho dừng lại. Tên sĩ quan điện về sở chỉ huy của nó báo cáo láo là đã đến nơi, bắt được 12 Việt Cộng và đã đốt cháy Bệnh xá T2.

Bọn lính bắt tôi lên thiết giáp, đưa về thị trấn Neak Loeang (Campuchia) rồi tống vào chuồng cọp. Loại chuồng cọp này đóng theo dạng hình hộp, phía đầu cao khoảng 20cm, phía chân cao khoảng 30cm, như rọ lợn nhưng hình khối vuông, một đầu to, một đầu nhỏ, xung quanh bọc bằng dây thép gai, đặt nằm trên nền đất. Khi đẩy người vào chuồng cọp, chúng cho đầu vào trước, chân vào sau. Nếu đẩy ngửa thì nằm ngửa, đẩy sấp thì nằm sấp, không thể nào cựa quậy được; nếu cựa quậy sẽ bị dây thép gai đâm toạc mặt mũi, chân tay...

Chúng bỏ mặc tôi cho kiến, muỗi đốt cũng như mọi sinh hoạt trong chuồng. Tuy nhiên, trong hàng ngũ địch cũng có những tên lính gác ngục còn chút lương tâm, nửa đêm bí mật vào ngục mở chuồng cọp lôi tôi ra ngoài cửa ngục rồi bảo tôi ngồi yên, nhắm mắt, mím môi và nín thở để nó xịt thuốc chống muỗi và côn trùng lên khắp đầu, tai, mặt mũi và toàn bộ cơ thể, rồi lại đẩy tôi vào chuồng cọp...

(còn nữa)

Nhà giáo THÁI DUY TRẤP