Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hậu cần chiến trường B2 có rất nhiều sáng tạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Cục Hậu cần chiến trường B2 (10/12/1964 – 10/12/2012), Tạp chí Hậu cần Quân đội xin giới thiệu bài báo của đại tá Nguyễn Đình Sắc, cán bộ Ban liên lạc Cục Hậu cần B2 nhằm giới thiệu khái quát lịch sử của Hậu cần chiến trường B2 để bạn đọc cùng nghiên cứu, tham khảo.
Trong kháng chiến chống Mỹ, B2 là địa bàn chiến lược gồm Nam Bộ và Cực Nam Trung bộ. Đây là chiến trường khá rộng lớn (85.000 km2) và rất quan trọng, với 4 quân khu (6,7,8,9) và Sài Gòn - Gia Định nơi địch đặt các cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh, nên chúng tập trung dày đặc các lực lượng thiện chiến; trang bị vũ khí tối tân, hiện đại hòng giữ vững địa bàn, còn ta cũng quyết bám trụ để đánh bại chúng. Do đó, chiến trường B2 luôn là hướng chiến lược trọng điểm, ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam. Đối với công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC), do chiến trường B2 xa hậu phương miền Bắc nhất, dễ bị địch bao vây đánh phá, cô lập nên nhiệm vụ BĐHC B2 rất nặng nề và khó khăn.
Để BĐHC cho các lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân trong giai đoạn từ 1954-1975, ngành Hậu cần B2 đã xây dựng tổ chức hậu cần từ nhỏ đến lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển của đấu tranh vũ trang.
Ở giai đoạn đầu (1954 – 1960): Ta xây dựng cơ sở hậu cần ở các vùng căn cứ trên một số địa bàn miền Đông và miền Tây Nam bộ, dựa vào nhân dân để khai thác hậu cần tại chỗ bảo đảm cho đấu tranh chính trị, tiến lên khởi nghĩa vũ trang.
Giai đoạn 2 (1961-1965): Hệ thống tổ chức hậu cần chiến trường B2 hình thành và phát triển khá hoàn chỉnh, có khả năng khai thác triệt để nguồn hậu cần tại chỗ bảo đảm cho các LLVT chống lại chiến tranh đặc biệt. Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, phát triển lên chiến tranh cách mạng, thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng (12/1960) và Quân giải phóng miền Nam (1/1961); xây dựng các trung đoàn chủ lực, thành lập Trung ương Cục miền Nam (1962) và Bộ chỉ huy Miền. Theo đó, hệ thống tổ chức lực lượng hậu cần quân đội tại B2 được tổ chức ở Miền và các quân khu. Tháng 10/1963, thành lập Phòng Hậu cần Miền, tiếp đó, ngày 10/12/1964, phát triển thành Cục Hậu cần Miền với các cơ sở BĐHC trực thuộc gồm: 4 khu vực hậu cần A, B, C, E được kiện toàn, phát triển thành các đoàn hậu cần khu vực 81, 82, 83, 84 được triển khai tại địa bàn miền Đông. Các quân khu đều thành lập cơ quan hậu cần quân khu và các cơ sở, căn cứ hậu cần trực thuộc.
Đoàn hậu cần khu vực là một tổ chức hậu cần được gắn với địa bàn nhất định (từ một đến vài tỉnh), có cơ quan, phân đội và cơ sở hậu cần, quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, đoàn thể mặt trận ở địa phương để thực hiện 03 nhiệm vụ cơ bản là: tổ chức tạo nguồn, dự trữ vật chất; BĐHC cho bộ đội chủ lực Miền và chi viện cho bộ đội địa phương trên địa bàn đứng chân, cổ động tác chiến trên địa bàn; tham gia các mặt đấu tranh để xây dựng, phát triển và chiến đấu bảo vệ căn cứ địa hậu phương-hậu cần tại chỗ. Từ thế bố trí đó, Hậu cần B2 đã khai thác được số lượng lớn vật chất hậu cần tại chỗ và tiếp nhận một số vũ khí, phương tiện của hậu phương miền Bắc chi viện bảo đảm cho các chiến dịch đầu tiên như chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài- Sông Bé… góp phần cùng toàn Miền đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch.
Giai đoạn 3 (1965 – 1968): Hậu cần B2 phát triển mạnh về mọi mặt, xây dựng thế trận hậu cần liên hoàn, phát huy tốt nguồn hậu phương, hậu cần tại chỗ, đồng thời tranh thủ chi viện của Trung ương bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Giai đoạn này, bộ đội chủ lực B2 đã phát triển thành 4 sư đoàn chủ lực của Miền và nhiều tiểu đoàn, trung đoàn ở các quân khu, mở các chiến dịch phản công và tiến công đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ - Ngụy vào vùng căn cứ của ta. Nổi bật như chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian Sơn – Citi vào căn cứ của Miền ở phía Bắc Tây Ninh. Trong giai đoạn này, ta đã tận dụng điều kiện thuận lợi ở Campuchia để khai thác các nguồn lực hậu cần. Cụ thể, Đoàn Hậu cần 17 hoạt động dưới danh nghĩa một công ty kinh doanh thương mại, dịch vụ để khai thác vật chất hậu cần. Đoàn còn tổ chức tiếp nhận, vận chuyển các loại vật chất, kỹ thuật do Trung ương chi viện vào bằng đường biển đưa về các căn cứ hậu cần. Ở miền Nam, ta tiếp tục xây dựng thêm các Đoàn Hậu cần khu vực 50, 70, 86, 100 và các “cánh hậu cần” thuộc các phân khu của Sài Gòn-Gia Định. Các tổ chức hậu cần đã kết hợp với hậu cần nhân dân và hậu cần LLVT địa phương triển khai xen kẽ, rộng khắp địa bàn miền Đông tạo thành thế liên hoàn từ phía sau ra phía trước với hành lang vận tải dọc, ngang bao quanh mục tiêu chiến lược Sài Gòn. Bộ đội chủ lực Miền cơ động tác chiến trên nhiều hướng, khu vực nào cũng có cơ sở BĐHC. Với thế trận hậu cần đó, Hậu cần B2 đã bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đánh vào nội đô Sài Gòn, gây cho địch bất ngờ hoang mang và bị thiệt hại nặng.
Giai đoạn 4 (1969 – 1973): Hậu cần B2 vượt qua thời kỳ khó khăn nhất do địch phản kích quyết liệt sau Tổng tiến và công nổi dậy Xuân 1968. Ta đã kịp thời chuyển hướng, mở rộng phạm vi hoạt động sang Campuchia, tạo thế và lực mới bảo đảm cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 về miền Nam, giành thắng lợi quyết định.
Khi chuyển sang Campuchia, B2 vẫn duy trì một số lực lượng hậu cần bám trụ ở địa bàn miền Nam. Trong khi ở Campuchia, ta điều chỉnh lại thế bố trí hậu cần bằng các hình thức tổ chức khu vực hậu cần mới là “Quân khu căn cứ” gồm 5 khu căn cứ: C10, C20, C30, C40, Phước Long và 3 đoàn hậu cần khu vực là Đoàn 340, 500, 770. Các tổ chức này triển khai rộng khắp các địa bàn chiến lược và nối liền được với tuyến 559 và B2 –Tây Nguyên, vừa làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia xây dựng lực lượng và vùng giải phóng, vừa tổ chức khai thác các nguồn lực để tạo thế, tạo lực mới bảo đảm cho các chiến dịch phản công đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch khi chúng mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Tiếp đó, Hậu cần B2 lại chuyển hướng, phát triển về miền Nam bảo đảm cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 bằng chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng Nguyễn Huệ, giải phóng nhiều khu vực quan trọng, góp phần cùng cả nước buộc địch phải ký hiệp định Paris tháng 01/1973.
Giai đoạn 5 (1973–1975): Hậu cần B2 tranh thủ thời cơ thuận lợi mới, ra sức tạo thế, tạo lực mạnh bảo đảm cho kế hoạch giải phóng miền Nam, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong giai đoạn này, Hậu cần B2 đã điều chỉnh thế bố trí, vừa bảo đảm cho các chiến dịch bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng như chiến dịch giải phóng Phước Long, Đường 20… tạo thế nối liền, vững chắc với tuyến chi viện 559, vừa vươn sâu, áp sát mục tiêu Sài Gòn bằng 8 đoàn hậu cần khu vực. Đồng thời tạo nguồn dự trữ vật chất, kỹ thuật lớn bằng cách thu mua, khai thác tại chỗ và tiếp nhận sự chi viện của Trung ương qua tuyến 559. Thế trận hậu cần lợi hại của B2, đã giúp Trung ương quyết định thời cơ và chọn cách đánh bằng 5 hướng tiến công vào Sài Gòn, góp phần giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, trong suốt 5 giai đoạn chiến tranh, Hậu cần B2 đã phát triển nhanh chóng từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, không ngừng khắc phục khó khăn vươn lên bám sát sự lớn mạnh của LLVT. Quá trình hoạt động, Hậu cần B2 luôn quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân, quán triệt nhiệm vụ và quyết tâm chiến lược, nắm vững đặc điểm chiến trường, đề ra phương châm, nhiệm vụ, phương thức tiến hành công tác hậu cần một cách sáng tạo và tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Trong đó tập trung ở một số vấn đề sau:
Một là, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chỉ huy các cấp đã động viên, tổ chức toàn quân, toàn dân ở chiến trường tham gia công tác BĐHC với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân địa phương. Dựa vào hậu cần tại chỗ là cơ bản, đồng thời tranh thủ được chi viện của Trung ương và khai thác hậu cần kế cận tại Campuchia, tạo nên sức mạnh tổng hợp về hậu cần ở chiến trường B2.
Hai là, tích cực, chủ động cùng với các cơ quan dân, chính, đảng các cấp xây dựng và củng cố căn cứ địa hậu phương, chú trọng gắn với xây dựng tổ chức bố trí các lực lượng và cơ sở vật chất hậu cần quân đội ở chiến trường B2, tạo thế trận hậu cần ngày càng vững mạnh. Nổi bật là, tổ chức bố trí hệ thống các khu vực hậu cần (đoàn hậu cần khu vực) thành thế liên hoàn từ phía sau ra phía trước, kiên trì bám trụ các địa bàn chiến lược, vây quanh mục tiêu chiến lược Sài Gòn. Nhờ vậy đã bảo đảm được các thời cơ chiến lược, giành thắng lợi trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Ba là, trên cơ sở quán triệt quan điểm tự lực, tự cường, đã thực hiện các chủ trương, biện pháp sáng tạo, mưu trí linh hoạt trong quá trình xây dựng tạo nguồn và khai thác các nguồn bảo đảm của địa phương, đồng thời tranh thủ được nguồn chi viện của Trung ương và khai thác thêm nguồn từ hậu phương kế cận là Campuchia nên đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu bảo đảm của B2 và chi viện cho B3, Đoàn 559 (khi cần).
Chỉ tính riêng Hậu cần Miền, từ 1962–1975 đã khai thác nguồn tại chỗ được trên 41 vạn tấn vật chất hậu cần, kỹ thuật, chiếm 68,7% tổng lượng vật chất được tạo ra; trong khi, nguồn chi viện của Trung ương là 19 vạn tấn, chủ yếu là vũ khí, đạn, chiếm tỷ lệ 31,3%).
Bốn là, quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, các lực lượng hậu cần đã kiên cường bám đất, bám dân, bám bộ đội, vừa là lực lượng bảo đảm, lực lượng chiến đấu, đồng thời tham gia đấu tranh trên các mặt trận chính trị, kinh tế tài chính, binh vận… góp phần tích cực trong việc xây dựng, bảo vệ căn cứ địa hậu phương, hậu cần. Riêng lực lượng hậu cần Miền đã tham gia chiến đấu 2.144 trận, tiêu diệt 28.455 tên địch.
Với những kết quả đạt được của hậu cần B2, tại Hội nghị tổng kết công tác hậu cần chiến trường B2 trong kháng chiến chống Mỹ (tổ chức tháng 10/1980), cố Đại tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh chiến trường B2 trong nhiều năm đã đánh giá: “… Qua từng bước phát triển của chiến tranh, từ đầu cho đến khi kết thúc chiến tranh năm 1975, Hậu cần B2 có rất nhiều sáng tạo và đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc… Có thể nói, thành công trên mặt trận hậu cần của chiến trường B2 là một thành công có tầm chiến lược, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường B2…Công tác hậu cần B2 thể hiện tính nhân dân, tính Đảng rất sâu sắc, mang tính chiến đấu cao, tính khoa học ngày càng rõ rệt, có nhiều sáng tạo, phong phú, đa dạng về tổ chức, nội dung cũng như về phương châm, phương thức hoạt động…”.
Khi phân tích về bài học kinh nghiệm, cố Đại tướng Hoàng Văn Thái nhấn mạnh vấn đề xây dựng thế trận hậu cần của B2 đó là,: Hậu cần gắn chặt với hậu phương, phát huy được khả năng to lớn tại chỗ, kết hợp tranh thủ sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, sự hỗ trợ của hậu phương kế cận (nhất là Campuchia), hình thành thế trận hậu cần với cơ chế tổ chức hoàn chỉnh, thích hợp với từng địa bàn chiến lược trong từng giai đoạn chiến tranh…Thế trận hậu cần luôn bám lấy thế trận chiến tranh nhân dân và bám chắc quyết tâm chiến lược của Trung ương. Trong đó, tổ chức hậu cần khu vực là một hình thức rất sáng tạo và độc đáo so với các chiến trường khác. Có thể nói, đây là nghệ thuật tổ chức hậu cần mà B2 vận dụng khá sáng tạo. Những kinh nghiệm trong công tác BĐHC ở chiến trường B2 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng và phát triển trong chiến tranh tương lai.
-----------
Tài liệu tham khảo: Tổng kết công tác hậu cần chiến trường Nam bộ- Cực Nam Trung bộ (B2) trong kháng chiến chống Mỹ- TCHC xuất bản năm 1986.
NGUYỄN ĐÌNH SẮC (Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh - Cục Hậu cần B2)