Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã giúp người xem cảm nhận rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Nhân dịp này, họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những tác phẩm ký họa mang đậm dấu ấn lịch sử.
 |
Họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tại triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam”. |
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của những tác phẩm ký họa chiến trường mà Bảo tàng đang lưu giữ?
Họa sĩ Trần Thanh Bình: Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 1987. Từ đó đến nay, Bảo tàng luôn chú trọng đến công tác sưu tầm các bức ký họa của các họa sĩ tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 4 nghìn bức ký họa của các họa sĩ vẽ tại chiến trường. Đây là những tác phẩm vô cùng giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử. Những bức ký họa mà các họa sĩ, chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu ở chiến trường vẽ và đã từng trưng bày ngay trên chiến hào để động viên tinh thần đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Những tác phẩm được lưu giữ đến ngày nay, góp phần phát triển nền hội họa của miền Nam nói riêng và nền mỹ thuật của Việt Nam nói chung.
 |
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tấn Lực. |
PV: Đồng chí có thể chia sẻ về công tác bảo quản, lưu trữ những tác phẩm này của Bảo tàng?
Họa sĩ Trần Thanh Bình: Hiện nay công tác lưu giữ, bảo quản các bức ký họa chiến trường của Bảo tàng luôn được chú trọng, quan tâm. Đặc biệt, chúng tôi đã có kho riêng để lưu trữ tất cả các bức ký họa, đồng thời đảm bảo công tác bảo quản theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài các bức đã trưng bày cố định ở Bảo tàng, chúng tôi luôn luôn có phương pháp chăm sóc, bảo quản rất cẩn thận, phòng ngừa nấm mốc…
Đối với các bức ký họa, trong quá trình lưu giữ, bảo quản rất khó khăn bởi chất liệu sáng tác của các bức ký họa trong thời kỳ kháng chiến hết sức khó khăn. Các tác phẩm đều là những chất liệu bằng giấy, khó bảo quản. Vì thế, Bảo tàng tiếp tục củng cố, tập trung tối đa để làm sao gìn giữ được những tác phẩm này lâu nhất, bền nhất. Bên cạnh đó cũng cập nhật các phương tiện kỹ thuật số để ghi chép, lưu giữ và giới thiệu rộng rãi với độc giả.
Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được bộ sưu tập ký họa kháng chiến tương đối đầy đủ, đặc sắc, phản ánh phần nào đặc trưng của nền hội họa cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Việc xây dựng và định hình chiến lược sưu tầm dựa trên nền tảng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của ký họa kháng chiến, bởi đó không chỉ là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của dân tộc. Bên cạnh việc phản ánh thực tế một giai đoạn lịch sử, ký họa kháng chiến còn là minh chứng cụ thể về sự đúng đắn trong đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng.
 |
Tác phẩm tranh màu nước "Sẵn sàng khi địch đến" của Phạm Quyết Chiến. |
PV: Nét đặc sắc của những tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” là gì, thưa đồng chí?
Họa sĩ Trần Thanh Bình: Bộ 70 bức ký họa trưng bày lần này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được chọn lọc từ 4.000 bức ký họa được sáng tác trong giai đoạn 1954-1975.
70 bức ký họa đều là bản gốc được các họa sĩ vẽ ngay tại chiến trường, mô tả lại cuộc sống, chiến đấu, chân dung, vẽ lại sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống quân thù.
Trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn họa cụ, người nghệ sĩ trong chiến trường không đơn giản chỉ là sáng tác, cầm cọ, cầm bút mà còn phải cầm súng, phải chiến đấu, người họa sĩ - chiến sĩ đã chọn cách tranh thủ từng giây, từng phút, ghi lại thật nhanh trang nhật ký chiến trường bằng ký họa.
Trong trưng bày “Ký họa kháng chiến miền Nam” có những ký họa màu sắc phai nhạt, những tờ ký họa rách góc, và có cả những ký họa tận dụng mặt sau của tờ áp phích, tờ báo để vẽ. Tuy nhiên trong thể loại ký họa, vẽ đúng, vẽ đủ vẫn chưa hội tụ đủ yếu tố để cấu thành một bức ký họa đẹp, cốt lõi vẫn nằm ở sự nhạy cảm, ở sức sống, linh hồn mà người họa sĩ thổi vào trong từng nét ký họa. Vì vậy, điều quan trọng nhất của ký họa kháng chiến miền Nam đó là tất cả được tạo ra trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, vừa hàm chứa sức mạnh lịch sử, vừa hàm chứa sức mạnh cảm xúc.
 |
Tranh màu nước "Trận Bình Giã 1965" của Huỳnh Phương Đông. |
PV: Trong điều kiện chiến tranh, làm thế nào để các họa sĩ vẫn có màu nước, bút chì và vẽ được những bức ký họa đa dạng về màu sắc?
Họa sĩ Trần Thanh Bình: Theo các họa sĩ kể lại thì trong điều kiện ở chiến khu tuy khó khăn nhưng luôn được nhân dân đùm bọc; các họa sĩ được người dân tiếp tế màu nước, bút chì, màu sáp… Vì thế, các tác phẩm của các họa sĩ vẫn có những bức vẽ màu và thường đơn giản chứ không thể phong phú như thời điểm hiện nay.
Nội dung ký họa ghi lại thực tế hoàn cảnh chiến đấu của quân và dân miền Nam đương thời, ghi lại những sự kiện lịch sử, cảnh sinh hoạt ở căn cứ, chân dung những anh hùng, chiến sĩ, những con người ở hậu phương đã chung tay chiến đấu với miền Nam như: “Ký họa Trận Bình Giã 1965” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông; “Ngoan cường trong chiến đấu” của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu; “Cô du kích” của họa sĩ Nguyễn Tấn Lực; “Bà Nguyễn Thị Định” của họa sĩ Lê Lam; “Xây hầm tránh pháo” của họa sĩ Thái Hà…đó là ký họa góp phần minh chứng cho giai đoạn lao động nghệ thuật gian lao nhưng ý nghĩa của các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật “vị nhân sinh”.
Trong số những ký họa kháng chiến của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh lưu giữ thì đa số là các bức khổ nhỏ bởi trong điều kiện chiến trường không có phương tiện để vẽ nên hầu hết tranh đều có khổ A4, rất ít kích thước lớn cỡ A3.
PV: Trân trọng cảm ơn họa sĩ!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)