Đề tài LLVT-CTCM luôn là đề tài lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Công chúng còn lưu giữ trong ký ức những tác phẩm như: “Hà Nội vùng đứng lên”, “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ”, bộ ký họa về người lính ở Mặt trận Điện Biên của họa sĩ Tô Ngọc Vân; “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung-Nam-Bắc” vẽ bằng máu trên lụa của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu; “Du kích La Hai” và “Du kích tập bắn” của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng; tượng đài của các nhà điêu khắc: Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo... Có thể nói, hoạt động sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM đã có vai trò to lớn trong việc cổ vũ, động viên, thôi thúc các thế hệ quân và dân ta hăng hái thi đua lập thành tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Tác phẩm “Sông Hồng những năm đánh Mỹ” của tác giả Vũ An Chương, thực hiện tại Trại sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM năm 2021.

Từ thời điểm đất nước hòa bình, bước vào công cuộc đổi mới, cũng giống các loại hình văn học-nghệ thuật khác, mỹ thuật dần vắng bóng những tác phẩm về đề tài LLVT-CTCM. Đây là lý do để Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhiệm vụ là đơn vị thường trực thực hiện vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM.

Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức 5 trại sáng tác, 5 đoàn thực tế sáng tác. Ban tổ chức đã thu hút được hơn 120 họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội trên toàn quốc tham gia, thu được 180 tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nội dung phong phú và hình thức thể hiện đa dạng. Trong đó, nhiều tác phẩm được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng và được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo công chúng tại nhiều triển lãm, sự kiện.

Theo kế hoạch tổ chức hoạt động mỹ thuật trọng điểm trong quân đội giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì tổ chức nhiều hoạt động như: Phát động sáng tác mỹ thuật, tổ chức các đoàn thực tế sáng tác mỹ thuật, tổ chức các trại sáng tác mỹ thuật, phát động sáng tác tranh cổ động, tổ chức triển lãm tranh cổ động và triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tổ chức xét giải thưởng mỹ thuật... Trong năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chủ trì tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM thu hút 20 họa sĩ tham gia và thu được 36 tác phẩm chất lượng. Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Trong các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi hy vọng sẽ có sự đổi mới về hình thức, thu được nhiều tác phẩm có chất lượng về nội dung, phong phú về thể loại và hình thức thể hiện đa dạng, góp phần tuyên truyền những đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm mỹ thuật về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ sẽ góp phần khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Lâu nay, sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM luôn được xem là vấn đề khó, đặc biệt là với các tác giả trẻ chưa từng trải qua môi trường quân đội. Mặc dù thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhiều sân chơi, môi trường sáng tạo mỹ thuật hấp dẫn cho các tác giả trẻ, song sáng tác mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM vẫn còn một số bất cập. Với 25 năm gắn bó với mỹ thuật, họa sĩ Bùi Thanh Tùng, trợ lý Phòng Trưng bày-Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Số lượng và chất lượng những tác phẩm mỹ thuật về đề tài LLVT-CTCM được sáng tác chưa xứng tầm với tiềm năng. Tôi cho rằng, chúng ta cần sớm có nguồn ngân sách hỗ trợ những tác giả tham gia sáng tác về đề tài LLVT-CTCM. Để có những tác phẩm mỹ thuật chất lượng, cần có sự chung tay, phối hợp của các cơ quan, đơn vị quân đội, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các tác giả có dịp đi sâu vào hoạt động của mỗi đơn vị. Họ sẽ hiểu về quân đội nhiều hơn và sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”.

MỸ LAN