Trong đơn vị K20 có một nữ quân nhân vừa đóng vai “đốc-tờ” vừa là “em gái ông chủ” để thực hiện những nhiệm vụ bí mật như một chiến sĩ tình báo. Đó là nữ Chuẩn úy Trần Thị Thục Oanh (sau này là Trung tá, bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh).

Chúng tôi tình cờ biết tới những chiến công thầm lặng của nữ bác sĩ Trần Thị Thục Oanh khi đến dự một cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Tại cuộc gặp mặt, các cựu chiến binh đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm trong những năm quân ngũ, khi chiến trường miền Nam nói chung và Mặt trận B3-Tây Nguyên nói riêng đang trong giai đoạn hết sức cam go, ác liệt, các đơn vị Quân Giải phóng phải gồng mình chiến đấu trong lúc lương thực, thuốc men và cả vũ khí dần cạn kiệt... Hôm ấy, một cựu chiến binh đã ôm chầm lấy bà Oanh, nghẹn ngào: “Những năm 1966-1967, em đang đóng quân ở B3, nếu không có K20 thì đúng là chúng em đã chết vì đói và sốt rét rồi! Không ngờ hôm nay được gặp lại “em gái ông chủ”-một trong những người đã từng “moi” lương thực, thuốc men từ trong lòng địch chuyển ra tiền tuyến”.

Nghe tâm sự của đồng đội, bà Oanh cười vui mà nước mắt lăn dài. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng những năm tháng làm nhiệm vụ bí mật ở Ngã ba Đông Dương vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức nữ cựu chiến binh sắp chạm ngưỡng tuổi 90.

Dân vận để tạo vỏ bọc

Tháng 12-1965, Trần Thị Thục Oanh là một trong 24 nữ chiến sĩ quân y rời Hà Nội vào làm nhiệm vụ ở chiến trường B3-Tây Nguyên. Sau hơn một năm cùng đồng đội công tác ở Viện Quân y 211 làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, một ngày giữa tháng 5-1967, Trần Thị Thục Oanh nhận lệnh của chỉ huy Mặt trận B3: Biệt phái sang làm nhiệm vụ ở K20.

Bà Oanh nhớ lại: “Hồi đó, tôi được anh Nguyễn Tụ, Chủ nhiệm Quân y B3 và một đồng chí giao liên dẫn đường tới K20. Nhiệm vụ của tôi ở đơn vị mới là chăm sóc sức khỏe bộ đội, nơi có nhiều người bị đau ốm do sốt rét hơn số bị thương do bom đạn; đây cũng là một trong những “cái rốn” sốt rét ở khu vực biên giới”.

leftcenterrightdel

Bà Trần Thị Thục Oanh (thứ hai, từ phải sang) cùng các ông: Huỳnh Tấn Đại, Nguyễn Đức Phương (thứ nhất và thứ hai, hàng đầu, từ trái sang) trong lần gặp mặt đồng đội tháng 12-1995. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Do K20 chỉ có Thục Oanh là nữ nên đơn vị đã dựng tạm một chiếc lều, trong đó có một chiếc chõng để bà ngủ riêng, tiện cho việc sinh hoạt. Khi ấy, ông Nguyễn Đức Phương (người phụ trách K20 và đóng vai “ông chủ tư sản” chuyên thu mua hàng hóa) giao cho bà Oanh không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội mà còn phải làm tròn vai “em gái ông chủ”, giúp "ông chủ" kiểm nghiệm thuốc Tây của các nhà buôn; giám sát, hỗ trợ việc áp tải những chuyến hàng lương thực, thuốc men tới các nơi...

Sau một thời gian được biết đến là "em gái ông chủ" giàu có, lại biết nghề y, Thục Oanh đã tranh thủ tới khám, chữa bệnh cho người dân vùng Hạ Lào và người dân Campuchia bên kia sông Sekong. Việc khám bệnh cho người dân không chỉ góp phần bài trừ hủ tục mê tín dị đoan (chỉ mời thầy tới cúng ma khi bị đau ốm) mà còn giúp tiếng tăm gia đình "ông chủ" vang xa, được người dân trong vùng nể phục. Họ rỉ tai nhau: “Ông chủ có cô "đốc-tờ" giỏi lắm, lại rất nhiệt tình, chu đáo, chữa bệnh gì cũng khỏi”. Tiếng lành đồn xa, có tháng, “đốc-tờ” Thục Oanh lặn lội đi thăm khám cho hàng chục lượt người dân trong vùng, đi cả ca nô sang chữa bệnh cho người dân Campuchia ở bên kia sông Sekong.

Chính vì được người dân tin tưởng mà có lần, Thục Oanh được báo tin có một kho thuốc trong rừng sâu, kho thuốc này có từ hồi thực dân Pháp bỏ lại sau khi rút chạy. Bà Oanh đã báo cáo chỉ huy đơn vị khai thác, tận dụng được một số dụng cụ y tế, thuốc men... phục vụ khám, chữa bệnh cho thương binh.

Một lần, “ông chủ” Đức Phương tiếp một người Campuchia từ bên kia sông đi ca nô sang, người này cho biết vợ anh đau đẻ đã ba ngày mà chưa thể sinh được. Ông Phương liền cử Thục Oanh sang giúp, cũng là để làm công tác dân vận nhằm thuận lợi cho công việc làm ăn, buôn bán. Thục Oanh liền bảo: “Báo cáo anh, tôi đâu có học chuyên khoa sản". “Thôi, cứ sang khám và cố gắng giúp họ, đằng nào thì cũng mang danh là “đốc-tờ” giỏi rồi!". Ngồi ca nô sang sông cùng một người phiên dịch, tới nơi, qua chẩn đoán, Thục Oanh biết người phụ nữ có thai bị chết lưu và đang lên cơn sốt, bà liền quay về báo cáo tình hình và đề xuất phải đưa bác sĩ của ta sang xử lý giúp. Bệnh xá liền cử bác sĩ Nguyễn Văn Thân đi cùng. Lần này lại gặp phải tình huống khó xử khác: Người chồng dứt khoát không đồng ý cho bác sĩ nam khám bệnh cho vợ anh ta, thế là Thục Oanh đành hội ý để bác sĩ Thân ở ngoài, còn mình vào trong, thấy người bệnh có triệu chứng gì thì nói to để bác sĩ Thân ở bên ngoài ‘‘khám bệnh từ xa”. Bằng cách ấy, Thục Oanh đã cứu sống được người mẹ. Ba ngày sau, người chồng đi ca nô sang, mang theo con gà và ổ trứng để cảm ơn “đốc-tờ”. Bà Oanh kể: “Khi người dân mang quà sang cảm ơn, chỉ huy đơn vị chỉ đồng ý cho tôi nhận ổ trứng để anh em bồi dưỡng, còn con gà thì dứt khoát bảo họ mang về”.

 Không chỉ làm tròn vai "đốc-tờ", Thục Oanh còn phải diễn thật đạt vai “em gái ông chủ” để đi buôn thuốc Tây, thu mua xăng, dầu, gạo... Khi được hỏi: “Trong hai vai diễn nữ “đốc-tờ” và “em gái ông chủ”, vai nào với bà là khó nhất?”, bà Oanh bảo, vai "em gái ông chủ" có nhiều cái khó bởi mình phải tỏ ra là người sành điệu, từ cách sử dụng đồ ăn Tây cho tới việc ăn mặc, đi lại, giao tiếp... “Riêng việc sắm quần áo để tôi diện cho ra dáng cô chủ thì chỉ huy đơn vị cũng phải họp bàn và xin ý kiến cấp trên, cuối cùng để tiết kiệm, cấp trên chỉ đồng ý duyệt mua một bộ”, bà Oanh kể lại.

Đấu trí trong lòng địch

Để biết thêm những nhiệm vụ đặc biệt của bà Trần Thị Thục Oanh, chúng tôi đã tiếp cận hồi ký của Đại tá Nguyễn Đức Phương và có dịp hỏi chuyện Đại tá Huỳnh Tấn Đại, những thủ trưởng trực tiếp của bà Oanh ở K20.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Phương, bằng sự khéo léo và mưu trí, Thục Oanh đã nhiều lần vào hậu cứ địch làm nhiệm vụ, vào giữa vùng địch kiểm soát để khám, chữa bệnh cho vợ con chỉ huy và người thân của chúng để những chuyến “đi buôn” của "ông chủ" được thuận lợi.

Ngày đó, Đồn Biên phòng Đôn Phầy trên đất Campuchia do một trung úy sĩ quan Khmer làm đồn trưởng. Để hàng hóa qua lại trót lọt, "ông chủ” Phương tìm cách làm quen rồi hối lộ viên đồn trưởng. Một hôm, viên đồn trưởng sang gặp "ông chủ", đặt vấn đề nhờ nữ "đốc-tờ" của "ông chủ" sang khám giúp cho vợ anh ta. Chưa biết bệnh tình của vợ viên đồn trưởng ra sao, nhưng để ra vẻ mình là "đốc-tờ" của một ông chủ giàu có, Thục Oanh bảo y tá Hà Kim Tiêu chuẩn bị một khay phủ vải trắng ở trên để đựng y cụ rồi chọn một bộ quần áo “tươm” nhất để diện. Trên đường đi, bà Oanh bảo: “Tiêu bê khay, còn mình thì đi người không để cho ra vẻ... "đốc-tờ" nhé!”.

Sau nhiều lần qua lại thăm khám, kê đơn, tư vấn... cho người vợ viên đồn trưởng, bà Oanh đã giúp “ông chủ” gỡ khó trong việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực do Đồn Biên phòng Đôn Phầy kiểm soát, mở ra hướng đi trong vận tải hàng hóa bằng đường thủy tới các chiến trường. Ngoài ra, tận dụng sự hám tiền của viên đồn trưởng, ta đã lôi kéo y cùng “làm ăn”, biến y thành người môi giới, đưa nguồn hàng từ khắp nơi về Đôn Phầy. Từ chỗ hẻo lánh, bị cô lập vì không có đường bộ, sau một thời gian, đã có nhiều ca nô buôn bán từ Phnom Penh chạy ngược lên Đôn Phầy và hàng hóa tập trung ở khu vực này ngày một nhiều...

Được phân công chuyên trách theo dõi các đơn hàng thuốc men và thiết bị y tế, “em gái ông chủ” còn có nhiệm vụ tham gia bàn thảo các hợp đồng và thiết lập đường dây mua hàng, áp tải hàng lọt qua các trạm kiểm soát của địch. Có lần, để "ông chủ" ngồi tiếp rượu viên chỉ huy của địch, Thục Oanh lấy cớ đi chợ, tranh thủ tới khảo sát thị trường thuốc chữa bệnh trong vùng địch kiểm soát ở Lào và Campuchia để có kế hoạch thu gom thuốc nhằm tiết kiệm cho ngân quỹ của ta.

Ngồi ôn lại chuyện cũ, bà Oanh vẫn nhớ như in những lần thót tim khi làm nhiệm vụ trong lòng địch. “Đó là một ngày giữa tháng 8-1967, tôi và y tá Hà Kim Tiêu tới kiểm tra sức khỏe của các đội, đang đi bộ trên đường mòn qua khu rừng rậm thì hai chị em bất ngờ bị biệt kích nổ súng, bắn sượt qua đầu. Ngay lập tức, chúng tôi vừa bắn vừa đuổi theo và bắt sống được 1 tên biệt kích người Lào. Sau khi trói tên biệt kích lại, chúng tôi đem về giao cho chỉ huy đơn vị rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ”, bà Oanh kể.

Lần khác, qua tin tình báo cho biết việc 100 tấn hàng giấu ở ven sông phía Campuchia có nguy cơ bị lộ do có đoàn giám sát của Liên hợp quốc tới kiểm tra dọc sông Sekong. Cấp trên chỉ đạo: Nếu không bảo đảm an toàn thì hủy hàng để xóa dấu vết! Bà Oanh và anh em đơn vị ruột nóng như lửa đốt, bởi nếu bị lộ thì vừa mất hàng hóa giá trị vừa lộ nơi đóng quân. Trong thời khắc hiểm nguy ấy, chỉ huy K20 quyết định lệnh cho tất cả anh em mặc quần áo của Quân đội Pathet Lào và trang bị AK... Nếu ca nô của đoàn giám sát lên khoảng 200-300m thì đồng loạt bắn xối xả xuống nước, trước mũi ca nô để uy hiếp. Với phương án này, gần 100 tấn gạo, nhu yếu phẩm và thuốc men đã được an toàn và cấp tốc chuyển về cho Mặt trận B3.

leftcenterrightdel
Trung tá, Bác sĩ Trần Thị Thục Oanh. 

Theo Đại tá Huỳnh Tấn Đại, nguyên cán bộ phụ trách K20: “Là người cùng hoạt động, tôi nhận thấy đồng chí Thục Oanh đã mưu trí vượt qua những cam go, thử thách giữa lòng địch như một tình báo hậu cần”.

Ông Đại đánh giá rất cao chuyến công tác áp tải ca nô chở vũ khí của bà Oanh vào năm 1967. Đó là lần bà Oanh cùng ông Huỳnh Bang (cán bộ của ta giả làm nhà buôn) có mặt trên chuyến ca nô chở vũ khí đi qua 3 đồn biên phòng của địch dọc sông Sekong tới cảng Sihanoukville của Campuchia. Bà Oanh kể: “Hôm ấy là một ngày đầu tháng 9-1967, khi ca nô di chuyển, qua mỗi đồn tôi lại phải lên để xuất trình giấy phép, ông Huỳnh Bang thì bí mật trốn trong ca nô. Ba lần lên xuất trình giấy là ba lần tôi thót tim, bởi nếu chúng khám kỹ, biết trong ca nô là các hòm chở vũ khí thì chắc chắn chúng tôi bị bắt. May mà tôi có mác “em gái ông chủ” nên địch chỉ khám xét qua loa rồi cho đi”. Gần một tháng sau, K20 nhận được điện từ chiến trường B2 cho biết vũ khí đã về tới địa điểm an toàn. Lúc ấy bà Oanh mới thở phào...

Sau những lần mưu trí, dũng cảm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 21-9-1967, bà Thục Oanh vinh dự được kết nạp Đảng. Trở thành đảng viên khi đang thực hiện nhiệm vụ bí mật ở Ngã ba Đông Dương là một dấu mốc ý nghĩa và là kỷ niệm bà Oanh không bao giờ quên trong cuộc đời quân ngũ.

Cuối năm 1968, nơi đóng quân của K20 bị địch tăng cường thám thính, đánh phá liên tục. Hoạt động buôn bán của “ông chủ” và "em gái" có nguy cơ bị lộ, Đảng ủy, Ban chỉ huy K20 quyết định để Thục Oanh chuyển ra Bắc. Sau gần hai năm làm nhiệm vụ bí mật ở Ngã ba Đông Dương, tháng 1-1969, bà Oanh ra Bắc, tiếp tục công tác trong ngành y ở Tổng cục Kỹ thuật cho tới khi nghỉ hưu năm 1989.

Giờ đây, nữ “đốc-tờ” năm xưa sắp bước sang tuổi 90 nhưng bà vẫn minh mẫn nhớ lại từng mốc thời gian gắn với những năm tháng làm nhiệm vụ ở chiến trường.

Với độ lùi thời gian hơn nửa thế kỷ, những chiến công thầm lặng của nữ y sĩ Thục Oanh đã dần hé lộ và được nhiều người biết đến. Các đồng đội cùng hoạt động cũng xác nhận và mong mỏi thành tích trong những năm làm nhiệm vụ bí mật của nữ “đốc-tờ” sẽ sớm được Nhà nước ghi nhận, vinh danh.

Bài và ảnh: BÙI VŨ MINH