QĐND - Anh Nguyễn Văn Tiến hiện công tác tại Trường Đại học Hải Phòng (171 Phan Đăng Lưu, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) gửi cho tôi một bức thư của người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Phải. Anh tâm sự: “Tôi gửi tới anh lá thư của anh trai tôi để bạn đọc có thể hình dung phần nào thực tế khốc liệt của cuộc chiến. Vào thời kỳ “Tổng động viên” năm 1972, Đoàn thanh niên địa phương đã mượn gia đình tôi bức thư này để tuyên truyền trong thanh niên nhập ngũ”.
Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phải là một trong số những lá thư hay và xúc động. Sau một trận chiến đấu, Chính trị viên phó đại đội Nguyễn Văn Phải đã ngồi viết thư cho gia đình. Thực tế khốc liệt của cuộc chiến làm anh có những suy nghĩ xa xôi, rằng nếu lá thư này trở về quê hương thì liệu những người thân trong gia đình sẽ đón nhận bằng tình cảm ra sao, phấn khởi, lạc quan hay nhớ nhung, lo lắng…
“Ngày 28-2-1971
Bà và thầy, mẹ kính mến!
Các em thương mến!
Con viết lá thư này về gia đình ngay sau khi cuộc tấn công quyết liệt đã tạm thời chấm dứt. Quân ta đang tiếp tục truy kích địch. Đơn vị chúng con được lệnh dừng lại ở đây, giữa một thành phố tráng lệ vừa bị chiến tranh tàn phá, chuẩn bị đánh bật những cuộc phản kích của quân thù. Xung quanh con, xác giặc nằm ngổn ngang, ngay căn nhà gác ba tầng, nơi con đang ngồi viết lá thư này cũng có đến 4 xác giặc bị một quả đại bác của ta tiêu diệt. Ngoài kia, thỉnh thoảng một tràng súng máy lại rộ lên, đó là tiếng súng của quân ta đang diệt nốt những đám tàn quân giặc... và những tiếng bộc phá rền vang đang phá hủy những pháo đài địch. Như thế cũng tạm gọi là yên tĩnh rồi đó.
Đã có nhiều lần con có ý định viết thư về gia đình nhưng một điều làm con áy náy là khi gia đình nhận được thư của những đứa con đã bặt tin từ những ngày xưa cũ, liệu có phấn khởi hay là nó lại khơi dậy trong lòng một niềm thương cảm nhớ nhung...”.
 |
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Phải. |
Liệt sĩ Nguyễn Văn Phải nhập ngũ tháng 4-1966, tới lúc viết lá thư này là quãng thời gian 5 năm anh xa gia đình. Theo anh và đồng đội, ý nghĩa của những bức thư từ hậu phương đối với tiền tuyến thật lớn lao, nó như “những dòng nước mát làm dịu ngọt tâm hồn những người chiến binh đã bao ngày lửa khói”. Nhưng dường như điều đó vẫn không làm thỏa lòng người lính trận. Anh chỉ có một ước mơ nho nhỏ là được ngắm nhìn, dù chỉ một lần, để thấy được sự đổi thay trên quê hương mình.
“Năm tháng trôi qua, trên con đường chinh chiến, bàn chân con đã in dấu trên khắp chiều dài của đất nước. Nòng súng, mũi lê của con đã nhiều lần hướng vào tim giặc, góp phần lập nên những chiến công hiển hách. Qua hàng trăm trận thử lửa, con của gia đình, của quê hương đã trưởng thành, ngày nay con đã là một đảng viên ưu tú của Đảng.
Ước gì con có đôi cánh không mỏi, bay về quê hương trong khoảnh khắc để được một chút, chỉ một chút thôi, thấy được những gì đã biến đổi trong sáu xuân qua ở quê hương ta... Nhưng con còn phải tiếp tục chiến đấu, phải cùng đồng đội đánh mạnh hơn nữa để cái ngày sum họp đó gần lại”.
Vì điều kiện bí mật trong chiến tranh nên anh không thể tiết lộ cuộc hành trình của mình, nhưng có thể hiểu anh là một pháo thủ đang trấn giữ một thành phố mới được giành lại từ tay quân thù bằng rất nhiều máu và nước mắt của đồng đội.
“Hiện nay con đang ở đâu, điều đó mong gia đình thông cảm. Con không thể nói ra điều đó ở đây được, chỉ biết rằng con đã có mặt ở những phần cuối cùng của Tổ quốc và hiện nay thì đang chiến đấu ở một chiến trường rất “đặc biệt”, rất “mới” và cũng ở rất xa, xa lắm. Trên những nơi con đã đi qua, con đã cùng đồng đội giáng cho quân thù những đòn sấm sét. Trên con đường chinh chiến, con còn đi nữa, đi mãi, cho đến khi trên bán đảo Đông Dương này không còn bóng một tên xâm lược”.
Khi tiếng đại bác của địch lại bắt đầu bắn vào thành phố và những chiếc xe tăng của chúng đang vừa bắn vừa bò về phía phòng tuyến của ta, anh xin phép được dừng bút để chuẩn bị bước vào trận đánh:
“Chúng con phải chuẩn bị giáng cho địch những đòn đích đáng hơn nữa để giữ lấy thành phố này, bởi vì mỗi góc phố, gốc cây đều thấy máu của đồng bào, đồng đội, còn ghi đầy tội ác của quân thù. Có lẽ con phải dừng bút tại đây để chuẩn bị những quả đạn pháo.
Chân thành chúc bà, thầy mẹ và các em mạnh giỏi.
Con của gia đình.
Nguyễn Văn Phải”.
Anh Nguyễn Văn Tiến tâm sự: Nguyện vọng tha thiết của gia đình là mong tìm được phần mộ của liệt sĩ Phải. Năm 1973, khi nhận giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Phải, mẹ anh đã khóc suốt ba tháng trời, bà chỉ khóc về đêm, đến nỗi mắt sưng, tưởng mù cả hai. Bà thương con nhưng không bộc lộ cho mọi người biết. Đến tận bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, bà vẫn luôn day dứt: “Từ khi nó đi bộ đội, không được nhìn thấy lần nào...”.
Đặng Vương (biên soạn)