Những ký ức bi tráng

Nhắc về những tháng năm lửa đạn, người phụ nữ 75 tuổi ánh mắt sáng lên, giọng kể đầy nội lực, rành mạch. Trong căn nhà riêng tại phường Quang Trung (TP Phủ Lý, Hà Nam), bà Nhu bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về người bạn chiến đấu thân thiết - liệt sĩ Nguyễn Thị Thi (cô gái trẻ nhất trong 10 cô gái Lam Hạ đã hy sinh): “Tôi với Thi như hai mà một, đi đâu làm gì cũng có nhau”.

Cách đây 60 năm, hai cô thiếu nữ Lam Hạ khi ấy tuổi mới trăng tròn nhưng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc họ khoác lên mình màu áo dân quân, sát cánh bên nòng pháo, bảo vệ quê hương.

Cầm tấm ảnh đồng đội, bà Nhu bồi hồi nhớ lại: “Tôi và Thi bằng tuổi, chơi thân từ bé, luôn sát cánh bên nhau. Chứng kiến quê hương chìm trong bom đạn, chúng tôi không thể ngồi yên. Năm 1965, chúng tôi làm đơn xin gia nhập dân quân địa phương. Khi được biên chế vào Trung đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ, chúng tôi hạnh phúc vô cùng”.

Bà Vũ Hồng Nhu là cô nữ dân quân nhỏ tuổi nhất của Trung đội nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ năm xưa. 

Sáu thập kỷ trước, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, Hà Nam) là trọng điểm giao thông trên tuyến chi viện miền Nam, cũng là mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Ngày 5-8-1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ ra đời với 87 người, trong đó Trung đội nữ gồm 25 cô gái. Vũ Hồng Nhu và Nguyễn Thị Thi là hai người nhỏ tuổi nhất, được các chị yêu quý gọi bằng cái tên trìu mến “em út”.

Nhiệm vụ của đội nữ dân quân Lam Hạ là huấn luyện thuần thục các vị trí tác chiến trên mâm pháo 57 ly, 37 ly và súng 14,5 ly, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Trên mâm pháo, cô gái trẻ Hồng Nhu đảm nhiệm vị trí pháo thủ số 3. “Khi ấy, chúng tôi vừa tham gia sản xuất, vừa được bộ đội phòng không trực tiếp huấn luyện chiến đấu. Chỉ cần có báo động, dù đang cấy lúa hay đang ngủ, chúng tôi cũng lập tức chạy về trận địa, không ai được chậm trễ”, bà Nhu nhớ lại. Trên đôi vai nhỏ bé của cô thiếu nữ ấy, những hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể được vác băng băng giữa tiếng bom đạn xé trời.

Ký ức đau thương nhất mà bà Nhu không thể quên là trận đánh ngày 1-10-1966, khi dân quân thôn Đình Tràng sát cánh, phối hợp với bộ đội đánh trả nhiều tốp máy bay địch. Thất bại trong các đợt tấn công, địch chuyển sang chiến thuật tập kích, nhắm vào trận địa pháo phòng không gần cầu Phủ Lý. Trong loạt bom bi và rocket đầu tiên, 6 nữ pháo thủ dân quân đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa, gồm các đồng chí: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan và Vũ Thị Phương.

Bà Nhu xúc động khi nhớ lại sự hy sinh anh dũng của những đồng đội cũ. 

Đặt kính mắt xuống bàn, vội lau đi giọt lệ còn đọng trên khóe mắt, bà Nhu nghẹn lại: “Trong 6 người hy sinh hôm ấy có chị Thi. Chị em chúng tôi “con chấy cắn đôi”, thương quý nhau vô cùng. Khi Thi hy sinh, tôi đau đớn đến mức mấy ngày liền không thiết ăn uống gì. Chỉ nghĩ đến bạn, nghĩ đến các đồng chí mà không kìm nổi nước mắt”.

Chưa kịp nguôi ngoai những mất mát, chỉ 8 ngày sau, máy bay Mỹ tiếp tục lao vào tấn công dữ dội trận địa phòng không tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này, 3 đồng đội của bà Nhu là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hy sinh.

Bà Nhu bồi hồi nhớ lại, giọng rưng rưng: “Trận chiến ác liệt vô cùng, cả dân quân lẫn bộ đội đều hy sinh rất nhiều”.

Quả bom mà Mỹ ném xuống trận địa Lam Hạ vào ngày 1-10-1966 được Trung đoàn Công binh 299, Quân đoàn 1 (nay là Lữ đoàn Công binh 299, Quân đoàn 12) trục vớt ngày 20-10-2008, hiện vẫn được lưu giữ như một minh chứng sống động cho sự tàn khốc của chiến tranh. 

Gần một năm sau, vào ngày 7-7-1967, tại trận địa pháo ở thôn Hòa Lạc, khi chiến đấu chống lại máy bay Mỹ nhằm phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã kiên cường chiến đấu đến giây phút cuối cùng.

“Bông hồng” trong lửa đạn

Dẫu vậy, đau thương và mất mát không thể quật ngã ý chí của những nữ dân quân anh hùng. Họ nén nỗi đau, biến thành sức mạnh, tiếp tục chiến đấu kiên cường. “Những đêm trực chiến, chị em chúng tôi luôn động viên nhau, nhắc nhở rằng nếu có ai hy sinh, người còn lại phải gắng sức chiến đấu gấp ba, gấp bốn lần để trả thù cho đồng đội, để bảo vệ quê hương. Cái chết không làm chúng tôi sợ hãi”, bà Nhu xúc động kể lại.

 Tượng đài 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

Dù chiến tranh khốc liệt, những cô gái tuổi đôi mươi vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Trong những giờ phút hiếm hoi không có báo động, họ quây quần bên nhau, cất lên những khúc hát vui vẻ, sáng tác những vần thơ đong đầy tình đồng chí và yêu cuộc sống, như thể không có chiến tranh, bom đạn.

“Dù khó khăn, dù chỉ có súng và đêm dài canh gác, chúng tôi vẫn tìm niềm vui trong tiếng hát, câu thơ. Những giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi giúp chúng tôi vơi đi mệt mỏi, tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu”, ánh mắt lấp lánh, bà Nhu nhớ lại.

Bà Nhu ngâm bài thơ về ký ức trận đánh của Trung đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ ngày 1-10-1966. Video: HẢI LY - PHẠM THỨ 

Giữa bom đạn khốc liệt, vẫn có những tình cảm thuần khiết, tinh khôi nảy nở giữa những người chiến sĩ. Bà Nhu nhớ lại: “Ngày ấy, anh Đinh Công Hồi - một chiến sĩ pháo binh rất mến tôi. Anh có ngỏ lời với tôi nhưng vì tuổi tôi khi ấy còn nhỏ và đất nước cũng chưa được hòa bình nên tôi chưa nhận lời anh. Trận đánh ngày 1-10-1966, anh bị mảnh bom cứa vào cổ, chỉ kịp nói vài lời rồi hy sinh”.

Mối tình chưa kịp nở đã vĩnh viễn khép lại dưới khói lửa chiến tranh, để lại những nỗi đau và mất mát không thể nguôi ngoai trong lòng người nữ dân quân Lam Hạ năm ấy.

Không bao giờ quên những hy sinh

Sau chiến tranh, bà Nhu trở về với đời thường, tiếp tục cống hiến cho quê hương trong vai trò hội viên Hội Cựu chiến binh phường Quang Trung và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung. Bà trở thành người kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ, cho những đoàn giáo viên đến tìm hiểu về một thời hoa lửa.

Bà Nhu hào hứng kể lại câu chuyện về chiến trường xưa, đồng đội cũ cho thế hệ trẻ. 

Ông Đặng Tiến Lục, Chủ tịch UBND phường Quang Trung chia sẻ: “Bà Vũ Hồng Nhu là một trong những cô gái thuộc Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, từng anh dũng hiệp đồng tác chiến cùng bộ đội trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay, bà Vũ Hồng Nhu vẫn luôn là người gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bà tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương, đặc biệt là trong phong trào của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi địa phương có một người nữ dân quân như bà”.

Bà Nhu (hàng dưới, thứ 4 từ trái sang) cùng đồng đội cũ họp mặt vào ngày 1-10 hằng năm. Ảnh: NVCC 

Hằng năm, cứ đến ngày 1-10, bà Nhu cùng đồng đội cũ lại tổ chức giỗ trận cho những người đã khuất. “Chúng tôi sống, là để thay phần các bạn mình chưa kịp sống. Không bao giờ được phép lãng quên”, bà Nhu xúc động. Trong căn phòng nhỏ, giọng bà vẫn vang vọng câu chuyện một thời oanh liệt, như lời nhắn gửi thế hệ hôm nay sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của những cô gái Lam Hạ năm nào.

Bài, ảnh: PHẠM THỨ - HẢI LY (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.