QĐND - Tôi có may mắn được thể hiện cuốn hồi ký "Thời sôi động" của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông đã kể cho tôi nghe nhiều về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những lần ông được trực tiếp làm việc với Đại tướng. Những lần như vậy, ông luôn nhận được những lời căn dặn, chỉ bảo chu đáo của Đại tướng. Nhưng lần ấn tượng nhất với ông là vào đầu năm 1964, khi ông được giao nhiệm vụ trở lại Quân khu 5 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, lúc đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng được Trung ương giao vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (bên trái) trao đổi tình hình với đồng chí Chu Huy Mân trước khi hai ông vào chiến trường (đầu năm 1964). Ảnh tư liệu.

Hôm ấy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho mời ông đến nhà, hai người nói chuyện rất lâu về so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, chủ trương xây dựng khối chủ lực ở miền Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dành nhiều thời gian nói về xây dựng chính trị tinh thần cho bộ đội. Đại tướng nói: "Anh sắp trở lại chiến trường Khu 5-một chiến trường gian khổ và ác liệt. Anh vào đó, phải luôn quan tâm giáo dục cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ: Quân đội trước hết và bao giờ cũng là bạo lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà nước. Từ khi có giai cấp và nhà nước đến nay, dù là giai cấp nào thì quân đội luôn là lực lượng vũ trang của một giai cấp, một nhà nước, để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị. Quân đội vừa là một lực lượng chính trị, vừa là biểu hiện tập trung nhất của chính trị nhà nước, của đấu tranh giành, giữ quyền lực nhà nước. Đây là một thực tiễn lịch sử, một chân lý đã được khái quát thành nguyên lý trong học thuyết xây dựng quân đội...”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn nhắc đồng chí Chu Huy Mân phải chú trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận rõ bản chất vì mục tiêu lý tưởng chiến đấu, phải chỉ rõ mục tiêu chiến đấu của quân đội: Chiến đấu cho ai? Vì ai mà phục vụ? Chống kẻ thù nào? Chiến đấu cho độc lập dân tộc có quan hệ gì đến quyền lợi giai cấp, quyền lợi gia đình và bản thân mình? Đại tướng khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là linh hồn, công tác Đảng, công tác chính trị là mạch sống của Quân đội nhân dân. Nếu xa rời sự lãnh đạo hoặc hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng thì quân đội sẽ rơi vào nguy cơ biến chất. Vì vậy, phải tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò công tác chính trị. Đó là bài học lớn nhất, vi phạm nguyên tắc đó, bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào, đều là sai lầm và dẫn đến thất bại".

Nhớ lại thời kỳ hoạt động ở chiến trường Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân kể: "Tháng 4-1965, trong một trận chiến đấu ở gần thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, một tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 1 của Quân khu 5 trong khi truy kích quân Mỹ có một khẩu lệnh là: "Nắm thắt lưng địch mà đánh!”. Biết chuyện, tôi liền điện cho anh Nguyễn Chí Thanh. Nghe xong, anh Thanh reo lên: "Hay quá anh Mân ơi! Đây không còn là phương châm của một trung đoàn, một quân khu, nó là của toàn miền, toàn quân rồi!".

Đồng chí Chu Huy Mân kể rằng, sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị các chiến trường toàn miền lấy câu nói "Nắm thắt lưng địch mà đánh" làm phương châm khi giao chiến với quân Mỹ. Với Đại tướng Chu Huy Mân, đó chỉ là một kỷ niệm nhỏ về thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng "nói đi đôi với làm", luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Theo Đại tướng Chu Huy Mân, trong con người Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là những giá trị đạo đức thực tiễn có sức cảm hóa rất lớn không chỉ riêng với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta.

LÊ HẢI TRIỀU