Một người lính đã anh dũng xông pha nhiều trận mạc, cuối đời về làm bạn, sống và giúp bà con dân tộc thiểu số người Ba Na, Giơ Rai phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Cuối cùng lại chọn mảnh đất Tây Nguyên để an nghỉ. Bóng cây Kơ Nia và sóng nước La La sẽ ru người Anh hùng bình dị trong cõi vĩnh hằng.
Làm báo ở Tây Nguyên, tôi có dịp được đi nhiều, biết nhiều và viết cũng nhiều, nhưng với tôi, bác Bùi Ngọc Đủ, đã gặp một lần là nhớ mãi không quên. Không quên bởi lẽ bác Đủ rất bình dị, tình cảm và dễ gần. Lần đó vào khoảng cuối năm 2004, tôi đến thăm ông tại nhà và cũng lấy thông tin để viết bài “Người Dũng sĩ 1 thắng 20”. Với quần đùi, áo cộc ba lỗ, ông đang cho cá ăn, nhưng nghe có khách nên ông vội vã đi vào liền. Cứ tưởng một Thiếu tá quân đội tham gia cả mấy trăm trận đánh lớn nhỏ, đã từng làm cho kẻ thù, đặc biệt là quân Mỹ xâm lược khi nghe đến danh hiệu “Dũng sĩ 1 thắng 20” phải khiếp sợ là “oai lắm”, “chém gió lắm”. Nhưng ông khác hẳn, hiền từ khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ…thân thiện như anh em thân thiết lâu ngày gặp lại. Tôi và ông kết bạn từ ngày đó và đã có nhiều kỷ niệm.
Có lẽ cái khó quên nhất đến nay của tôi và đồng nghiệp làm báo ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung với Thiếu tá, Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Đủ là lúc ông chưa được tuyên dương danh hiệu Anh hùngLLVT nhân dân, nhưng nghe đến tên và những chiến tích huyền thoại của ông thì mọi người “cứ tưởng” bác Đủ đã được phong danh hiệu này rồi. Chỉ đến khi trực tiếp gặp, nghe ông kể chuyện thì mọi người mới té ra là ông chưa được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Có lần một phóng viên trẻ, gặp ông, viết bài về ông rất hay, đọng lại nhiều kỷ niệm, tình cảm trong lòng bạn đọc…Tuy nhiên, tác giả gọi ông là “anh hùng”, cái chất anh hùng của một người lính trận mạc, của Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng trong những lúc khó khăn nhất…Thế là hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ông bị xếp lại trên bàn vì bị coi là kiêu ngạo, “cầm đèn chạy trước... danh hiệu”. Mãi đến năm 2010 thì ông Bùi Ngọc Đủ mới được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Thiếu tá, Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Đủ, sinh ngày 1-2-1942 tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông thường trú tại Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Cũng như bao thanh niên khác, năm 1961, ông nhập ngũ đi B và được biên chế vào Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 821, Sư đoàn 324. Suốt từ đó đến năm 1969, ông cùng đồng đội tham gia gần 100 trận đánh trên các chiến trường, lập nhiều chiến công, được tặng nhiều huân-huy chương các loại. Trong chuỗi thành tích đó, có lẽ trận đánh đêm 28-2-1967 tại đồi Không tên, thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trên cương vị là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 821, Sư đoàn 324, ông và chín chiến sĩ trong tiểu đội đã anh dũng, đánh thắng và tiêu diệt hàng trăm tên lính thủy đánh bộ Mỹ bao vây cùng tầng tầng lớp lớp máy bay, phi pháo từ hạm đội 7 bắn vào đội hình phòng ngự chiến đấu tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Cảm kích trước tinh thần bất khuất của tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ và anh em trong trận thắng “không cân sức” trên, nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác bài hát “Con suối La La”.
Đồng chí Bùi Ngọc Đủ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Năm 1970, Bùi Ngọc Đủ vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24-2-1972, ông chỉ huy tiểu đoàn pháo binh 2 đánh vào Đăk Tô- Tân Cảnh. Ngày 20-4-1975, ông cùng sư đoàn của mình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh vào Bình Phước, Củ Chi và giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông mang quân hàm Thiếu tá và được cấp trên điều về làm Phó ban Tổ chức huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Sau đó ông giữ nhiều chức vụ khác nhau và chỉ huy 17 trận đánh với Fulrô. Năm 1995, ông nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mang Yang.
Lúc ấy, ông thấy bà con dân tộc thiểu số hay bị đói giáp hạt, ông nảy ra sáng kiến “kho thóc cựu chiến binh” và cùng một số cán bộ vận động các hội viên mở và phát triển “kho thóc cựu chiến binh”. Mỗi cựu chiến binh thu hoạch mùa góp 20kg lúa vào kho thóc, cả huyện có 37 kho thóc, có lúc lên đến gần 1.000 tấn. Sau một thời gian ngắn, Bùi Ngọc Đủ cùng Hội CCB huyện đã xóa gần hết số hộ gia đình cựu chiến binh đói, nghèo ở huyện Mang Yang... Không chỉ vậy, ông còn vận động xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ, khuyến khích những học sinh nghèo vượt khó, học giỏi và những giáo viên có cuộc sống khó khăn. Đây là những việc làm mà Anh hùng Bùi Ngọc Đủ vô cùng tâm đắc và mãn nguyện. Ông tâm sự: “Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến cuộc sống người dân địa phương, tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số bà con sống nghèo khổ. Mình là đảng viên, là cán bộ thấy bà con khó khăn là mình day dứt, nên phải cố gắng giúp đỡ bà con…”.
Tháng 3 Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật, bầu trời nắng đẹp, bồng bềnh những đám mây hồng trắng…Vĩnh biệt ông, một người con áo lính anh hùng trên đất Tây Nguyên. Hương rừng Tây Nguyên, sóng nước La La sẽ theo ông về cõi vĩnh hằng!
Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI