Hành trình yêu thương-Nâng bước em đến trường

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi xã Hội Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), Viết Lam thấu hiểu những nhọc nhằn của đồng bào vùng cao. Bởi vậy, mỗi chuyến công tác đến những bản làng xa xôi, với anh, không chỉ là nhiệm vụ ghi lại những câu chuyện chân thực, mà còn là hành trình sẻ chia, san sẻ bớt khó khăn cho bà con nơi biên giới.

Nguyễn Viết Lam thăm, động viên em Lương Thị Son khi đang học tại Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. 

Chúng tôi có dịp gặp em Lương Thị Son (dân tộc Khơ Mú, ở huyện Tương Dương) cùng với Lầu Y Trở và Vừ Y Đơ (dân tộc Mông, ở huyện Kỳ Sơn) trong căn nhà trọ tại thành phố Vinh. Ít ai biết rằng, ba cô sinh viên Trường Đại học Y khoa Vinh nhanh nhẹn, lễ phép và đầy nghị lực này từng đứng trước nguy cơ dang dở việc học vì gia đình quá khó khăn. May mắn thay, trong một chuyến công tác, thấu hiểu được hoàn cảnh của các em, Viết Lam không ngần ngại đứng ra hỗ trợ và kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Suốt gần ba năm qua, nhóm thiện nguyện do Viết Lam khởi xướng đã kết nối để ba em có được chỗ ở miễn phí và đều đặn hỗ trợ mỗi em 3 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. “Chú Lam đỡ đầu cháu từ khi học lớp 6 đến giờ. Nếu không có chú Lam có lẽ cháu đã phải nghỉ học, ở nhà lấy chồng từ lâu rồi”, ánh mắt em Son ánh lên niềm biết ơn sâu sắc.

Hành trình thiện nguyện của Nguyễn Viết Lam còn làm thay đổi cuộc đời nhiều học sinh nghèo hiếu học khác. Như trường hợp Trần Anh Đức, cậu học sinh ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn không may bị liệt nửa người sau tai nạn giao thông. Tưởng chừng như cánh cửa tương lai đã khép lại với Đức, nhưng ngọn lửa ham học trong em vẫn cháy bỏng. Ban đầu, Lam cùng một vài người bạn thân tự nguyện mỗi người hỗ trợ Đức 500.000 đồng/tháng. Đến nay nhóm của Lam có 14 thành viên, hỗ trợ Đức 4,5 triệu đồng/tháng để trang trải cho việc học tập tại Trường Đại học Vinh. Bà Lê Thị Đương, mẹ Đức nghẹn ngào: “Tôi theo con xuống Vinh hỗ trợ con học đại học. Nhưng nhà nghèo quá! Ngoài 1 triệu đồng tiền trợ cấp khuyết tật của con, nếu không có chú Lam và các bạn giúp đỡ, chắc chắn con tôi không thể tiếp tục đến trường…”.

Phóng viên Viết Lam trao quà tặng các em nhỏ xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) 

Nhiều năm qua, Nguyễn Viết Lam và những người bạn đồng hành đã không ngừng hỗ trợ hàng chục em nhỏ vùng cao được cắp sách đến trường. Nhiều em đến nay đã trưởng thành và có những đóng góp cho quê hương. Chị La Thị Hoài (dân tộc Đan Lai, ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) và anh Cụt Văn Hùng (dân tộc Khơ Mú, ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) là những minh chứng điển hình. Nhờ sự kết nối của Lam, Hoài và Hùng được một gia đình bác sĩ ở Thành phố Huế nhận đỡ đầu theo học Trường Trung cấp Y dược Huế. Giờ đây, cả hai đã tốt nghiệp và trở thành những cán bộ y tế tại địa phương. Anh Hùng còn mở một quán ăn sáng nhỏ, còn vợ chồng chị Hoài đã có gần 5ha chè xanh, vườn cây trĩu quả, ao cá đầy ắp, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Và còn biết bao những hoàn cảnh khó khăn khác đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của Viết Lam. Điểm chung của các em là đều có nghị lực vươn lên trong học tập, nhưng nếu không có sự hỗ trợ, con đường đến với con chữ sẽ dang dở. Nhắc đến những việc làm đầy ý nghĩa của mình, Đại úy QNCN Nguyễn Viết Lam khiêm tốn: “Đến với vùng cao, tôi trăn trở nhất là chuyện học hành của các em nhỏ. Nên làm được điều gì giúp các em, tôi sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong các em tiếp tục được đến trường”.

Khi ngòi bút hóa nhịp cầu nhân ái

Hành trình của Nguyễn Viết Lam không chỉ dừng lại ở những trang viết sau khi anh đến tìm hiểu, ghi lại những khó khăn của bà con, mà hơn thế, anh còn tìm mọi cách để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Còn nhớ năm 2009, khi đặt chân đến xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, chứng kiến cảnh người dân oằn mình trong cơn thiếu đói, anh đã viết bài “Sa Vang đói nặng”. Sức mạnh của ngòi bút chân thực đã lan tỏa mạnh mẽ, giúp người dân Sa Vang năm đó nhận được sự cứu trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm.

Nguyễn Viết Lam (thứ ba từ trái sang) trao quà tặng bà con bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) 

Năm 2021, trong chuyến công tác đến xã Mai Sơn, huyện Tương Dương và xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, nơi chưa có điện lưới quốc gia, nhìn các em học sinh run rẩy trong rét buốt khiến anh chạnh lòng. Anh đã viết bài kêu gọi và thông qua đó kết nối với các nhà hảo tâm trao 90 chiếc chăn ấm và 6 bộ đèn năng lượng mặt trời tặng các em học sinh. Thầy giáo Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 xúc động chia sẻ: “Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, tấm lòng và những món quà quý giá của Viết Lam và các nhà hảo tâm thực sự có ý nghĩa vô cùng lớn đối với thầy và trò nhà trường”.

Những năm qua, thông qua những bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Viết Lam đã kêu gọi được hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn tặng người dân vùng cao tỉnh Nghệ An. Những cuốn sách, vở, cặp sách, bàn ghế, đồ dùng học tập và nhiều điểm trường mới mọc lên; chương trình “1.000 quả bóng cho trẻ em miền núi” hay những chuyến hàng nhu yếu phẩm, thuốc men kịp thời đến với bà con vùng thiên tai, dịch bệnh… tất cả đều in đậm dấu ấn của nhà báo Viết Lam.

Viết Lam (thứ hai từ trái sang) trong một lần tặng quà tại bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) 

“Ban đầu tôi cũng e ngại khi kêu gọi ủng mọi người hỗ trợ bà con vùng cao. Nhưng thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương quá nên tôi “làm liều đi xin”. Mình công khai, minh bạch các khoản đóng góp và trực tiếp hoặc thông qua các đồn biên phòng trao tận tay bà con nên cũng không lo lắng gì”, Viết Lam tâm sự.

Trong một lần ghé thăm Lam, tôi không khỏi xúc động khi thấy túi quà giản dị mà bà con tặng anh, gồm một chai rượu nếp cẩm, hai chiếc bánh tét, vài miếng cá gác bếp và một nắm rau má tươi xanh. Anh cười dí dỏm: “Bà con dân tộc Thái ở huyện Tương Dương tặng mình đấy! Họ biết mình “ham vui” nên tặng rượu, nhắc giữ sức khỏe bằng bánh và cá, còn rau má để giải độc gan nữa!”. Một lần khác, một người Mông tặng anh con chim Khướu quý, vì “Thấy mày thực bụng nên tao tặng!”. Ban đầu, chim không hót, ai cũng nghĩ là chim mái. Bẵng đi mấy tháng sau, đúng sáng mùng Một Tết, nó cất tiếng hót vang rộn rã. Viết Lam cười bảo: “Cứ sống chân thành với đồng bào, họ sẽ yêu quý mình!”.

Không ít các phóng viên của các báo có nhận xét đầy về Lam: “Nhiều người dân xứ Nghệ vẫn thường gọi hắn là chú bộ đội Lam. Có lẽ vì làm việc ở Báo Biên phòng nên hắn mang trong mình tư chất của người chiến sĩ: Mộc mạc, giản dị, chân thành và gần gũi. Từ công việc đến cuộc sống đời thường, Viết Lam luôn lan tỏa những giá trị tích cực, nên được mọi người hết mực yêu mến”.

Khi được hỏi về động lực để tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này, Viết Lam chia sẻ chân thành: “Mỗi khi thấy trẻ em được đến trường, những mái nhà, con đường được sửa sang, người dân được ăn no, mặc ấm… tôi lại có thêm động lực để đến với bà con”.

Mỗi chuyến tác nghiệp ở miền biên viễn xứ Nghệ, Nguyễn Viết Lam không chỉ mang theo cây bút và chiếc máy ảnh ghi lại khoảnh khắc cuộc sống, mà còn mang theo cả một trái tim ấm áp, luôn sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ. Những con chữ của anh không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn góp phần thay đổi số phận của bao người. Hành trình của Viết Lam chính là minh chứng cho sức mạnh của ngòi bút khi đi đôi với trái tim nhân ái. Anh không chỉ là người ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống mà còn là người kiến tạo những đổi thay tích cực, gieo mầm hy vọng nơi vùng biên xứ Nghệ. Tấm lòng và những việc làm của anh xứng đáng được trân trọng và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

HOÀNG THÁI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.