Nên mỗi khi gặp, tôi gọi là anh Mưa cho đúng chất. Người mà tôi nhắc đến là cựu chiến binh Lê Văn Mưa, ngụ tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Loanh quanh một năm 12 tháng tôi về xã Trí Lực, huyện Thới Bình gặp anh, cốt chỉ để tận hưởng cảnh đẹp xanh biếc của đồng lúa và ôn lại những kỷ niệm. Mở đầu câu chuyện với cựu chiến binh Lê Văn Mưa là cây lúa, con tôm và nỗi lòng trăn trở bằng mọi cách anh phải cùng địa phương tạo ra sản phẩm “made in Trí Lực”. Năm 2018, sản phẩm gạo Hoàng Yến từ giống lúa ST24 của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, sản xuất lúa-tôm Trí Lực (HTX Trí Lực) do anh làm đại diện chính thức được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, là niềm khích lệ lớn với anh trong bước đầu lập nghiệp.

Đã nhiều lần muốn viết về niềm trăn trở của anh để động viên và tìm sự kết nối, nhưng không biết viết dưới góc độ nào nổi trội nhất về người anh “xứ mía” một lòng đam mê cây lúa, con tôm. Những món nghề anh mê hoàn toàn “không là món khoái” của tôi trong nghiệp viết lách; cộng thêm từ khi sản phẩm lúa hữu cơ trứ danh vùng đất Trí Lực phất lên năm 2018 thì cái tên quen thuộc Lê Văn Mưa hầu như xuất hiện dày trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Lê Văn Mưa bên ruộng tôm sạch trên đồng. 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, như bao thanh niên mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, tháng 7-1985, Lê Văn Mưa tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thuộc Đoàn 9902, Tiểu đoàn Tây Đô. Sau 3 năm tham gia chiến trường ác liệt, Lê Văn Mưa phục viên trở về quê hương vào tháng 8-1988 và bắt đầu con đường lập nghiệp.

Chứng kiến bao nỗi nhọc nhằn của gia đình, quê hương những ngày mùa giáp Tết khi giá mía bấp bênh, giá cây trúc cũng không mấy hấp dẫn. Có năm, người trồng mía khóc hết nước mắt vì tuột giá thậm tệ, thương lái viện cớ mía thiếu trữ đường, nguyên liệu mía ùn ứ ở các lò đường vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ... do vậy, nhiều nông dân ngậm ngùi châm lửa thiêu rụi công lao suốt 12 tháng ròng; còn không thì phải bỏ cho rẫy mía trổ cờ trắng rồi lụi dần khi mùa mưa về.

Lê Văn Mưa cũng như bạn bè đồng trang lứa sớm nếm trải hầu hết nỗi cực nhọc của cuộc sống mưu sinh trên đồng đất quê nhà Trí Lực thập niên 1990. Bởi khi đó, quê anh là vùng “ngự trị” của cây mía, cây trúc. Có thời điểm, sản xuất nông nghiệp huyện Thới Bình giao chỉ tiêu cho xã Trí Lực phải đạt 90% diện tích trồng mía và là vùng quê có quy hoạch, trồng, sản lượng mía lớn nhất, nhì so với các “đại bản doanh mía” ở huyện Thới Bình như: Trí Phải, Tân Bằng, Biển Bạch...

Mặc dù trước đó anh đã thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân nhưng khi làm chủ gia đình, anh Mưa cũng bị cuốn vào vòng xoáy của rẫy mía, vườn trúc hơn 10 năm trời mà chưa kịp tìm ra hướng thoát của vòng luẩn quẩn được mùa-mất giá. Bằng ý chí của thanh niên cùng nghị lực vượt khó được trui rèn trong thời gian quân ngũ, Lê Văn Mưa táo bạo hiệp đồng với các hộ nông dân, những lão điền lập HTX sản xuất theo hướng tập thể. “Khởi đầu làm mô hình tổ hợp tác, bà con lại ngán ngại vì còn đó nỗi ám ảnh với mô hình tập thể thập niên 1980. Vậy là tôi bắt đầu vận động và đi trước kiểm nghiệm để bà con tin, làm theo”, anh Mưa kể.

Cách làm chưa từng có ở Trí Lực trước đó như: Cùng nhau sản xuất một giống/một vụ mùa; hỗ trợ gia đình khó khăn về giống, phân bón... bằng cách gối đầu đến thu hoạch sẽ thanh toán... Ý định thì táo bạo vậy, nhưng trong thời gian ngắn ngủi chưa thể thực hiện thành công.

Từ sau năm 2000, vì quá khổ với điệp khúc buồn trên rẫy mía, những lão điền vùng Thới Bình, trong đó có Trí Lực, đưa nước mặn vào đất rẫy để chuyển đổi sang hướng mới: Nuôi tôm. Bởi cùng thời điểm đó, nhiều hộ nông dân trong vùng phất lên nhờ nuôi tôm sú trên những cánh đồng tưởng chừng đã chết. Dư âm thành công của cuộc chuyển dịch ngoạn mục ấy nhanh chóng lan tỏa, một lần nữa dấy lên ngọn lửa ấm trong suy nghĩ của Lê Văn Mưa.

Vuông tôm, đưa nước mặn vào diệt sạch năn, sậy; lấn dần ruộng lúa thuần nông hai vụ kém hiệu quả. Và như một quy luật không thể tránh khỏi, những rẫy mía ở Trí Lực bắt đầu bị san bằng phẳng thành những cánh đồng để nuôi tôm. Nước mặn bao năm thèm khát thớ đất tơi xốp xứ rẫy, nay có dịp thỏa mãn cơn ngấm, vô tình tạo ra nguồn nước lý tưởng và nguồn thức ăn dồi dào cho con tôm sú. Vậy nên những vụ tôm đầu, chỉ sau 3 tháng là nhiều nhà hốt bạc. Tôm từ ruộng bắt vào nhà, bao nhiêu thương lái cũng mua, giá 1kg tôm bằng cả chục cân gạo và hơn 60kg mía. Cảnh tượng phát mê ấy càng là động lực hối thúc anh Mưa truy tìm. Và anh bắt đầu tập tành làm tôm.

3 năm, 5 năm, 7 năm... vùng đất màu mỡ không còn đủ dinh dưỡng để nuôi tôm. Từ hiệu quả rủng rỉnh, người nông dân liên tục nối vụ, như vắt kiệt sức của đất vậy. Để cải hoán môi trường nuôi, họ bắt đầu cấy lúa trên đầm tôm mùa mưa, dùng thân lúa hút hết chất thải độc do nước mặn và tôm nuôi thải ra, sau khi thu hoạch lúa thì phần rạ trở thành môi trường sinh sôi của các loài rêu, tảo tạo thức ăn cho tôm. Hướng phát triển theo quy luật cộng sinh bắt đầu được bàn bạc và triển khai. Mỗi năm, ngoài thu hoạch 2-3 vụ tôm kèm thêm 1 vụ lúa, người nông dân có thêm thu nhập. Nhưng đất đã nhiễm mặn lâu ngày, sản lượng bắt đầu giảm, chất lượng hạt gạo cũng không còn no căng như trước. Thương lái thu mua lúa lại lắc đầu.

Không chùn bước, anh Mưa bắt đầu thử nghiệm, tìm giống phù hợp cho đồng đất nhiễm mặn. May thay, trùng thời điểm huyện, xã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hàng loạt giống lúa: Một Bụi Đỏ, Trắng Lùn, Tài Nguyên, ST5, ST20... bén rễ đầm tôm. “Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất đồng loạt nhưng lúa không có đầu ra, thiếu sự gắn chuỗi cung ứng. Sản phẩm lúa lại lao vào vòng được mùa-mất giá”, anh Mưa nhắc tới mà ánh mắt buồn rười rượi.

Mãi đến năm 2015, ý tưởng cùng chi hội cựu chiến binh ở Trí Lực lập tổ hợp tác mang tên Tổ hợp tác Liên Minh bắt đầu được anh Mưa “hâm nóng” lại rồi tìm đối tác cam kết cung ứng, bao tiêu sản phẩm lúa. Mộng lớn gặp thời, quy mô và cách thức làm ăn cứ thế phát triển dần. Từ những người thân quen ủng hộ đến cả xóm, ấp và chưa đầy 3 năm, mô hình tổ hợp tác của Lê Văn Mưa lan tỏa trong xã. Đến tháng 4-2018, HTX Trí Lực chính thức thành lập, anh được tín nhiệm bầu làm giám đốc quán xuyến chuyện làm ăn, mua bán của mô hình kinh tế tập thể này. Cánh đồng lúa-tôm của HTX Trí Lực rộng 800ha trải khắp Trí Lực. “Sản lượng mấy vụ đầu dao động khoảng 4.000 tấn với chủng loại giống duy nhất là ST24”, anh Mưa trần tình.

Từ đó, HTX Trí Lực xuất bán mỗi năm vài tấn gạo mang thương hiệu “gạo Hoàng Yến” từ giống lúa ST24. Nhưng phấn khởi nhất là việc HTX đã kết nối được chuỗi cung ứng lúa gạo bền vững. Niềm vui nhân lên khi 117/800ha lúa-tôm của HTX Trí Lực được chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ. Đầu vụ mùa năm 2020, HTX còn thêm tin vui là hợp tác cùng Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái trên ruộng lúa. “Nếu tôm sinh thái trên ruộng lúa của HTX được chứng nhận nữa thì cùng một diện tích, người nông dân sẽ thụ hưởng hai sản phẩm chứng nhận sinh thái. Và chuyện đương nhiên là không còn phải lo về đầu ra và giá. Bởi phía đối tác đều cam kết thu mua giá nông sản cao hơn giá thị trường ít nhất 5%”, anh Mưa cho hay.

Bằng nghị lực, niềm tin của người lính, anh Mưa không chùn bước trong suốt hơn 20 năm gây dựng sự nghiệp cho riêng mình cũng như xây dựng thương hiệu đặc sản cho quê hương. Giờ thì lúa gạo hữu cơ Hoàng Yến, lúa gạo sạch trên đầm tôm sinh thái Trí Lực nhiều năm vẫn ổn định đầu ra. “Từ thành công mô hình HTX của anh Mưa, Trí Lực hiện có thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả. Từ đó đưa thương hiệu lúa gạo trên đầm tôm Trí Lực ngày một vươn xa, người dân nơi đây thay đổi, nâng tầm đời sống mới”, đồng chí Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực phấn khởi chia sẻ.

Mỗi chuyến tôi có dịp về lại Trí Lực, anh Mưa đều tranh thủ thời gian đón tiếp. Chuyến rồi, lúa đang ngậm sữa, mùi đòng đòng ngọt ngào phảng phất cùng thời tiết mát mẻ như níu chân người. Anh Mưa chỉ tay về phía cánh đồng mênh mông, cười khì: “Dưới đó là kho báu”. Không để khách chờ lâu, anh vác chài ra ruộng, chọn khoảng trống quăng chài rồi kéo lên toàn tôm càng. Tôi chợt hiểu ra câu chuyện kho báu mà anh khoe, giờ thì mỗi đầm tôm ở Trí Lực không đơn thuần thu hoạch lúa, tôm sú mà người nông dân còn thu lợi từ cua và tôm càng. Hướng phát triển 4 trong 1 đang phát huy hiệu quả.

Nhìn lại thành quả khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục. Thành công là thế nhưng anh Lê Văn Mưa vẫn ngày ngày chăm bẵm đầm tôm, ruộng lúa. Người trong xóm ít ai thấy người cựu chiến binh này rảnh tay!

Bài và ảnh: PHONG PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.