Dự lễ tổng kết, trao giải có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí đồng Trưởng ban tổ chức cuộc thi: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND; Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND. Đến dự còn có đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại diện các nhà tài trợ, các nhân vật và tác giả đoạt giải tại Cuộc thi viết lần thứ 14. 

Hành trình hội tụ để tỏa sáng

Ngay từ sáng sớm, trụ sở tòa soạn Báo QĐND đã nhộn nhịp, đông vui hơn thường nhật bởi sự hiện diện của các đại biểu, tác giả, nhân vật về dự lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết. Chậm rãi bước vào trụ sở Báo QĐND, hành trang của ông Trần Văn Phống ở xã Cải Viên (Hà Quảng, Cao Bằng) hôm nay không còn con dao quắm, nắm cơm trưa và chai nước như thường ngày khi ông băng rừng, lội suối để tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Già Phống chính là nhân vật trong tác phẩm “Già Phống-Người nửa thế kỷ giữ cột mốc miền biên viễn Hà Quảng” của tác giả Nguyễn Văn Hiền (đoạt giải Nhất Cuộc thi viết). Già Phống tâm sự: “Cả đời người, già không quên được niềm vui hôm nay. Từ tối hôm trước, các nhà báo Quân đội đã không quản đường xa, chu đáo lên tận nhà riêng ở Hà Quảng đón già về Thủ đô. Lúc đầu, già còn đắn đo chuyện về xuôi, chỉ lo cột mốc không ai trông coi. Nhưng được các nhà báo-chiến sĩ động viên, già yên tâm...”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trao giải nhất tặng tác giả Nguyễn Văn Hiền và trao quà tặng nhân vật trong tác phẩm đoạt giải. Ảnh: VIỆT TRUNG

Vui mừng, xúc động và đầy tự hào, đó là cảm xúc chung của nhiều tác giả và nhân vật đến dự lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết. Từ đất nước Singapore, chị Nguyễn Thu Thảo (nhân vật trong tác phẩm “Người phụ nữ Việt làm nên kỳ tích” đoạt giải Nhì Cuộc thi viết) về Việt Nam tham dự lễ trao giải. Về đến Thủ đô, giải quyết xong công việc, chị vội về thẳng nhà ở phố Hàm Tử Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để đón bố mẹ cùng đến tòa soạn Báo QĐND tham dự lễ trao giải. Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dậu, mẹ chị Thảo, rưng rưng: “Chúng tôi tự hào về Thảo lắm. Đi đâu, làm gì Thảo cũng luôn hướng về nguồn cội, quê hương. Cảm ơn Báo QĐND tổ chức cuộc thi này, nhờ đó Thảo mới thu xếp công việc về Việt Nam thăm gia đình”.

Chị Thái Mỹ Loan (Hà Đông, Hà Nội) rất xúc động khi được thay mẹ (Thượng tá Nguyễn Thị Liên, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đang ở Abyei-nhân vật trong tác phẩm “Giáo viên “mũ nồi xanh” Việt Nam ở Abyei” đoạt giải Ba Cuộc thi viết) lên nhận thưởng. Chị Loan chia sẻ: “Tối hôm trước, mẹ dặn em đến dự lễ trao giải phải khiêm tốn, cẩn trọng từ lời nói, dáng đi, vì đây là cuộc thi tôn vinh những điều bình dị. Thật lòng ngay lúc này, em rất nhớ và tự hào về mẹ. Em chúc mẹ nhiều sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Abyei”. Vừa dứt lời, Loan gạt vội nước mắt xúc động...

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết bắt đầu, hội trường Báo QĐND ngập tràn giai điệu các ca khúc cách mạng hào hùng. Chương trình nghệ thuật do nam, nữ nghệ sĩ, diễn viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) dàn dựng và biểu diễn. Sau không khí sôi động, cả hội trường lắng lại khi xem các phóng sự “Nhân lên những tấm gương sáng” và “Nhựa sống khát vọng xây dựng đất nước hùng cường” khái quát về Cuộc thi viết lần thứ 14 và những câu chuyện hết sức cảm động của người trong cuộc.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng các đại biểu, tác giả và nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 (năm 2022-2023) và phát động Cuộc thi viết lần thứ 15. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh anh Nguyễn Tài Nam ở xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk)-nhân vật trong tác phẩm “Giành giật từng giây phút để phụng sự cuộc đời” đoạt giải Ba của Cuộc thi viết lần thứ 14-ngồi âm thầm trên xe lăn trong hội trường. Dẫu không nghe được, không nói được, trước mỗi lời động viên, thăm hỏi của các đại biểu về dự, anh luôn cúi rạp người bày tỏ biết ơn và đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ, cùng ánh mắt sáng rực niềm tin và nghị lực vươn lên. Còn với chị Trần Thị Thuần (Sóc Sơn, Hà Nội)-nhân vật trong tác phẩm “Thương người như thể thương thân”-với đôi chân không lành lặn, làm mỗi bước đi thật khó nhọc. Bước lên sân khấu, dưới ánh đèn màu lấp lánh, chị Thuần tự tin nở nụ cười tươi, tỏa sáng như đóa hoa.

Có mặt trong khán phòng là những gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt đến từ mọi miền Tổ quốc. Đó là những con người với những việc làm dù lớn, dù nhỏ nhưng đều rất đỗi bình dị. Sự bình dị ấy được gom góp hằng ngày qua mỗi việc làm, mỗi hành động, trở thành những bản thanh âm đẹp đẽ, góp phần nhân lên các giá trị sống cao đẹp của  người Việt Nam. Cuộc thi viết đã tiếp thêm niềm tin, động lực sống đẹp cho mỗi con người. Điều đó cho thấy, giá trị của cuộc thi không chỉ tôn vinh những người đi tìm cái đẹp mà còn vinh danh những tấm gương sống đẹp. Tại lễ tổng kết, trao giải, Ban tổ chức Cuộc thi viết đã trao 1 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba, 10 giải khuyến khích; vinh danh, trao quà tặng 22 nhân vật xuất sắc.

Hội tụ những tấm gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những giá trị sống cao đẹp, đó cũng là thông điệp từ Cuộc thi viết. Sự hiện diện của các tác giả, nhân vật tại lễ tổng kết, trao giải đã minh chứng, dù ở đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì trong tâm khảm mỗi người con đất Việt vẫn luôn khát vọng cống hiến, sống đẹp. Điều đó cũng khẳng định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải điều gì cao xa, mà thực tế đang lan rộng, thấm sâu vào đời sống toàn xã hội và Cuộc thi viết ngày càng trở nên ý nghĩa, có sức lay động, làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”.

Tiếp nối những giá trị sống cao đẹp

Để làm nên giá trị, sức sống lâu bền của Cuộc thi viết, Ban tổ chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm việc công tâm, khách quan. Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung tướng Trịnh Văn Quyết ghi nhận và biểu dương Báo QĐND cùng các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt và duy trì cuộc thi liên tục trong suốt 14 năm qua. Trung tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: Kết quả của cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Báo QĐND nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng dư luận, làm cho cái đẹp, cái hay ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. 

leftcenterrightdel
 Các nhà tài trợ đồng hành với cuộc thi nhận hoa và quà lưu niệm từ Ban tổ chức. Ảnh: VIỆT TRUNG  

Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn nhưng các nhà tài trợ luôn đồng hành, hỗ trợ cuộc thi. Điều đó càng làm cho cuộc thi có ý nghĩa cộng đồng, sức lan tỏa rộng lớn; khẳng định trách nhiệm của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp trong hành trình tìm kiếm, lan tỏa những giá trị sống đẹp. Trách nhiệm ấy cũng là sứ mệnh của các nhà báo cách mạng, đúng như chia sẻ của Đại tá Nguyễn Đình Bằng, Biên tập viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân: “Từ những điển hình hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần để các điển hình càng điển hình hơn, để xã hội có thêm những điển hình mới”.

Lần đầu tiên tham dự Cuộc thi viết và đoạt giải Nhất với tác phẩm “Già Phống-Người nửa thế kỷ giữ cột mốc miền biên viễn Hà Quảng”, anh Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: “Điều làm tôi tự hào khi đến lễ trao giải hôm nay là được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Từ những con người rất đỗi bình dị ấy, tôi học được rất nhiều điều ý nghĩa. Cuộc sống trở nên thật nhân văn, ý nghĩa khi quanh ta có biết bao người tốt. Điều đó thôi thúc tôi và chúng ta hãy sống tốt hơn, đẹp hơn, có ích hơn nữa cho xã hội, cộng đồng và cũng thôi thúc tôi tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, lan tỏa những điều bình dị mà cao quý”.

Để việc học tập, làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, để những tấm gương người tốt, việc tốt ngày càng nảy nở như hoa mùa xuân trên đất nước ta, đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), thay mặt Ban tổ chức, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức đã phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”.

leftcenterrightdel

Tiết mục văn nghệ trong chương trình. Ảnh: VIỆT TRUNG   

Ban tổ chức mong muốn Cuộc thi viết lần thứ 15 thu hút nhiều hơn nữa các nhà báo, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài Quân đội; kiều bào ta ở nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, công tác tại Việt Nam tham gia viết về những việc làm giàu ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị, địa phương trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Đây cũng là cơ hội để các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo trong hành trình tìm tòi, phát hiện, lan tỏa những giá trị, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết lần thứ 14 để lại những khoảng lặng và cảm xúc đan xen cho những người trong cuộc và khán giả cả nước. Từ dư âm của buổi lễ đầy ý nghĩa này, chắc chắn rằng, những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam sẽ còn tiếp tục được nhân lên và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.

“Tôi tin tưởng rằng, với tình cảm thiêng liêng của tất cả chúng ta dành cho QĐND Việt Nam; với hàng nghìn, hàng vạn tấm gương cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm âm thầm, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ giang sơn gấm vóc của chúng ta được toàn vẹn, để nhân dân ta có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 hứa hẹn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp, góp phần tô thắm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ”. (Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”).

 

Danh sách tác giả và tác phẩm đoạt giải

I. Giải nhất

1. Nguyễn Văn Hiền, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội với tác phẩm “Già Phống-Người nửa thế kỷ giữ cột mốc miền biên viễn Hà Quảng”.

II. Giải nhì

1. Nguyễn Thị Kim Oanh-Bùi Thị Thảo, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) với tác phẩm “Người phụ nữ Việt làm nên kỳ tích”.

2. Nguyễn Việt Hà, quận Long Biên, TP Hà Nội với tác phẩm “Người thương binh tiên phong chống tiêu cực”.

3. Cát Huy Quang-Nguyễn Chí Hòa, Báo QĐND với tác phẩm “Chất” chỉ huy nơi nguy nan, gian khó”.

III. Giải ba

1. Nguyễn Thị Diệu Huyền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội với tác phẩm “Người thầy giáo truyền cảm hứng, viết tương lai bằng miệng”.

2. Trần Thị Thúy An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ với tác phẩm “Ông Sáu 01”, “Ông Sáu bảo trợ”.

3. Trương Nhất Vương, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với tác phẩm “Giành giật từng giây phút để phụng sự cuộc đời”.

4. Phạm Quang Kiên, Báo QĐND với tác phẩm “Người thắp lửa tri ân ở Vị Xuyên”.

5. Lê Hữu Trưởng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với tác phẩm “Anh Thanh gắn kết và bảo vệ người khuyết tật”.

6. Phạm Mỹ Hạnh, quận Long Biên, TP Hà Nội với tác phẩm “Giáo viên “mũ nồi xanh” Việt Nam ở Abyei”.

7. Hoàng Đình Thành-Nguyễn Tiến Đạt, Báo QĐND với tác phẩm “Nữ doanh nhân tâm huyết với nghề, trọn nghĩa với đời”.

IV. Giải khuyến khích

1. La Quang Duy, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội với tác phẩm “Người hùng” sáng chế ứng phó biến đổi khí hậu”.

2. Trần Thị Nguyệt Minh, quận Long Biên, TP Hà Nội với tác phẩm “Đảng viên Pờ Lò Hừ ở bản Pha Bu”.

3. Phùng Văn Minh, Báo QĐND với tác phẩm “Kỳ tích” ở bản Sin Suối Hồ”.

4. Ngô Khiêm, Báo Công an nhân dân với tác phẩm “Khát khao về nước để cống hiến”.

5. Lê Quang Sáng, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 với tác phẩm “Bộ đội Huân-người cha của 5 con không cùng huyết thống”.

6. Phạm Văn Tuấn-Hạ Thị Hải Anh, Báo QĐND với tác phẩm “Anh Tiến “tủa” ở Lũng Cú”.

7. Hoàng Thị Lệ Hà, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với tác phẩm “Người phụ nữ tận hiến cuộc đời cho khoa học và an sinh xã hội”.

8. Lê Thị Minh Nhã, quận Đống Đa, TP Hà Nội với tác phẩm “Thương người như thể thương thân”.

9. Cao Phương Anh-Đinh Quế Chi, TP Hà Nội với tác phẩm “Nụ cười Shinbi”: Quán cơm 2.000 đồng đong đầy yêu thương”.

10. Trần Văn Toản, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với tác phẩm “Thủ lĩnh Đoàn và dự án “Đội xe 0 đồng”.

 

Nhân vật trong những tác phẩm đoạt giải

1. Ông Trần Văn Phống, xóm Nhỉ Đú, xã Cải Viên (Hà Quảng, Cao Bằng).

2. Bà Nguyễn Thu Thảo, Giám đốc Chính sách công-Thị trường Việt Nam, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương.

3. Ông Đàm Tiến Chiêm, số 142 Nguyễn Hữu An, xã Ninh Tiến (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).

4. Thượng úy Nguyễn Hữu Lộc, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La).

5. Anh Phùng Văn Trường, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).

6. Ông Ngô Ngọc Bỉnh, ấp Phước Thới, xã Bình Phước (Măng Thít, Vĩnh Long).

7. Nguyễn Tài Nam, Trưởng nhóm thiện nguyện "Ea Kao-Vòng tay yêu thương" ở xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

8. Cựu chiến binh Trần Quý Bình, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên, Hà Giang).    

9. Anh Đỗ Ngọc Thanh, Phụ trách bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội.

10. Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ, Trợ lý Phòng Tham mưu kế hoạch, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

11. Thượng tá Nguyễn Thị Liên, sĩ quan điều phối quân dân kết hợp, Đội Công binh số 1 Việt Nam tại UNISFA.

12. Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân.     

13. Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

14. Đồng chí Pờ Lò Hừ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pha Bu, xã Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu).

15. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu).

16. Anh Lương Văn Thiện, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội).

17. Trung tá Phạm Nam Huân, Đội trưởng Đội sản xuất 6, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16.

18. Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang).

19. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Thế Trâm, số 55B Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

20. Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc, xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

21. Vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My, quán Nụ cười shinbi, khu tập thể Trạm bơm Yên Xá (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

22. Anh Nguyễn Ngọc Nhật Hoàng, số 4, kiệt 301 đường Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

 

PHẠM KIÊN