Vươn lên từ nghèo khó
Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960 ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trong gia đình nghèo thuần nông. Nhà đông anh em, các anh của ông lần lượt vào miền Nam tham gia chiến trường, chỉ còn lại mình ông là con trai ở lại quê nhà với bố mẹ già. Vì vậy, học hết lớp 7 (tương đương lớp 10 bây giờ), ông đã phải bỏ học ở nhà làm ruộng để giúp đỡ gia đình. Những tưởng chặng đường học hành của ông đến đây là kết thúc thì đến năm 1977, một trường đào tạo công nhân kỹ thuật ở tỉnh Thái Nguyên tuyển công nhân kỹ thuật. Ở tuổi 17, chàng trai Hoàng Đức Thảo với tuổi trẻ nhiệt huyết và khát khao vươn lên khỏi nghèo khó đã quyết định ứng tuyển vào trường. Sau 2 năm học tại trường, ông Thảo tốt nghiệp rồi chuyển vào tỉnh Kiên Giang làm công nhân cho công ty xây dựng Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
 |
Chân dung Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo. |
Lúc bấy giờ, trong quá trình xây dựng Nhà máy Xi măng Hà Tiên, công ty ông thường phải nhập máy cắt sắt của Trung Quốc về sử dụng. “Khổ nỗi cứ hai chục ngày lưỡi cắt lại đứt mà nhà sản xuất nhất định không bán cho lưỡi dự phòng. Mỗi lần như vậy toàn bộ công trình phải dừng lại cả tuần chờ nhập lưỡi cưa mới, vừa mất thời gian vừa nhỡ hết công việc”- ông Thảo nhớ lại.
Trước vấn đề nan giải đó, ông Thảo quyết tâm tự mày mò để tìm cách khắc phục. Và rồi vài tháng sau, giải pháp “Gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại” - sáng kiến đầu đời của Hoàng Đức Thảo được thử nghiệm thành công, giúp dây chuyền sản xuất của nhà máy được thông suốt. Cũng ngay trong năm đó, các chuyên gia Liên Xô (thuộc đơn vị thiết kế xây dựng nhà máy) đã rất ngạc nhiên và khâm phục khi sáng kiến “thay thế con kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc” của ông được đưa vào sử dụng và trở thành giải pháp rất hữu ích trong quá trình xây dựng nhà máy. Với hai sáng kiến này, Hoàng Đức Thảo đã được Bộ Xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen. Ông được bình bầu là thanh niên ưu tú xuất sắc, chiến sĩ thi đua toàn ngành xây dựng tỉnh Kiên Giang, được cử đi tham dự Festival thanh niên tiên tiến toàn quốc khi mới vừa tròn 20 tuổi.
Cuối năm 1981, ông Thảo được cử đi học trung cấp ngành kế toán xây dựng cơ bản và tiếp tục học cử nhân kinh tế. “Đây là điều mà đến nay tôi vẫn nuối tiếc. Bởi lúc đó tôi còn trẻ, cơ quan cho đi học thì tôi cứ đi, nghĩ rằng học thêm được gì thì tốt cái đấy. Suốt hơn hai chục năm sau đó, tôi ngập đầu trong công tác quản lý, không có lúc nào ngơi nghỉ để nghiên cứu sáng chế khoa học - niềm đam mê duy nhất của tôi” - ông Thảo chia sẻ. Mãi đến năm 2003 khi về điều hành Busadco, ông Thảo mới có cơ hội quay lại với nghiên cứu. Ngoài 40 tuổi, ngỡ rằng sự nhiệt huyết, sáng tạo sẽ không được như thời trẻ, thế mà chỉ trong 10 năm sau, một “cơn mưa” giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ trong nước và quốc tế đến với ông: 8 giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec); 4 giải của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…
Chèo lái con thuyền Busadco
Ít ai biết rằng để Busadco trở thành một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ hàng đầu Việt Nam như ngày hôm nay thì đã phải trải qua không ít “sóng gió” mà người chèo lái con thuyền đó là ông Hoàng Đức Thảo. Busadco từ một doanh nghiệp địa phương không tên tuổi, vốn liếng khởi đầu vỏn vẹn 10 tỷ đồng cùng 34 lao động không có chuyên môn, giờ nổi danh khắp cả nước với vô số sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích trong xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trở thành mái nhà chung của 500 cán bộ, công nhân viên chính thức cộng thêm hàng nghìn lực lượng lao động thời vụ và theo công trình.
 |
Ông Hoàng Đức Thảo giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính các sản phẩm công nghệ tại gian hàng của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2021 (Techfest 2021). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Cho đến nay, Busadco đã có 110 công trình khoa học, được cấp 108 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và chấp nhận đơn, 228 Bằng sở hữu kiểu dáng công nghiệp và chấp nhận đơn, có 18 công trình sản phẩm khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ nâng cấp từ tiêu chuẩn cơ sở lên tiêu chuẩn Việt Nam. Còn riêng với cá nhân ông Thảo, ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011.
Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận ông là: “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” vào năm 2020. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKing) xác nhận “Là tác giả có nhiều bằng sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam” (với 58 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích) cũng trong năm 2020.
Không những vậy dưới vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông còn thường xuyên nắm bắt kịp thời nhu cầu của hội viên, có biện pháp hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực hoạt động, tiếp cận thị trường. Kết nối doanh nghiệp trong nước với kiều bào nước ngoài để huy động nguồn lực tri thức và vốn đầu tư. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông và các hội viên trong hiệp hội đã chung tay đóng góp kinh phí cho địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để đẩy lùi dịch bệnh.
Công trình làm nên tên tuổi “Vua kè” Việt Nam
Trong rất nhiều công trình đã thi công, đối với Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, công trình “Thi công xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm TP Hà Nội” là công trình lớn nhất và cũng khó khăn nhất trong cuộc đời của ông. Ông chia sẻ: “Công trình này không chỉ liên quan đến kinh tế hay kỹ thuật, mà đây còn là công trình mang tầm vóc lịch sử, văn hóa, tâm linh”. Được biết, Dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội” đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, rất nhiều công nghệ giải pháp kỹ thuật kè hồ đã được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công của UBND quận Hoàn Kiếm và UBND TP Hà Nội đặt ra. Sau khi nghiên cứu các tiêu chí và yêu cầu nêu trên, Busadco nhận thấy công nghệ của mình phù hợp và năng lực đủ đáp ứng nên đã tham gia dự thầu gói thầu xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm và đã trúng thầu.
 |
Ông Hoàng Đức Thảo và công nhân của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) đội mưa để thực hiện công trình “Thi công xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm TP Hà Nội”, năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong quá trình thực hiện công trình này, ông Thảo đã nhiều ngày, đêm dầm mưa, dãi nắng trực tiếp chỉ đạo công nhân thi công. Bởi trong quá trình thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn, đó là làm sao không được gây ảnh hưởng đến các cây cổ thụ ven hồ. Vì vậy, khi thi công đến gần các gốc cây, các công nhân của Busadco đều tiến hành neo cành cây bằng cáp. Sau khi thi công dùng chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục và tăng trưởng. Để bảo đảm tiêu chí không xâm lấn diện tích lòng hồ, công ty Busadco cũng đã tiến hành rất cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè, không xâm phạm vào mốc di sản, không thu hẹp lòng hồ. Thêm một khó khăn nữa về mặt kỹ thuật chính là phải làm sao để không được gây ô nhiễm nước hồ, bảo vệ an toàn cho hệ thủy sinh, vi sinh của hồ Hoàn Kiếm. Vì vậy, trước khi thi công Busadco đã cắm cọc tre, quây bạt để đảm bảo nước tại vị trí thi công không loang ra ngoài hồ. Vào 6 giờ 30 phút sáng, ngày 20-8-2020, tại vị trí cầu Thê Húc (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội), Busadco đã chính thức hợp long toàn tuyến, hoàn thành công trình kè hồ với tổng chiều dài gần 1.500m sau 65 ngày đêm thi công, hoàn thành trước tiến độ gần 1 tháng. Thành công với công trình này nhiều người ưu ái đặt cho ông Thảo biệt danh “Vua kè” Việt Nam.
Dẫn chúng tôi đi khảo sát những công trình kè sông, biển của Busadco ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Thảo tự hào giới thiệu, tại đây, Busadco ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim vào công trình tuyến kè bảo vệ bờ biển Dự án khu du lịch Làng Chài Resort - xã Phước Thuận; kè bảo vệ hạ lưu bờ sông Ray - xã Phước Thuận; kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi tạo bãi xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc và thí điểm kè sông Dinh… Đây cũng chính là giải pháp thuộc đề án khoa học công nghệ “Thí điểm ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
 |
Ông Hoàng Đức Thảo giới thiệu về công trình tuyến kè sông Ray thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Có mặt tại khu vực đoạn sông Dinh thuộc phường Phước Trung, TP Bà Rịa - nơi trước khi xây dựng kè thường xuyên bị sạt lở, mỗi năm lại ăn vào đất liền hàng chục mét khiến bờ sông nham nhở và hiểm nguy rình rập. Đến nay nhờ ứng dụng công nghệ của Busadco đoạn kè cấu kiện lắp ghép bằng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim nối dài 100m đã giúp bờ sông Dinh ổn định, không còn bị sạt lở như trước.
Đánh giá về công nghệ này, ông Đỗ Hữu Hiền, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, hiện tượng xói lở đang diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt tại các đoạn bờ biển Hồ Cốc, Hồ Tràm, lân cận khu resort An Hoa - Long Hải và cửa sông Dinh, sông Cửa Lấp… Sự gia tăng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng do biến đổi khí hậu, cùng các hoạt động nhân tạo của con người đã làm thay đổi cán cân bồi tích ở bờ biển. Diễn biến phá hủy đang xảy ra trên toàn bộ chiều dài bờ biển, bờ sông, đến các công trình ven bờ và gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, làm tăng chi phí khắc phục và hạn chế tác hại của xói lở bờ biển. Trước thực trạng đó, tháng 10-2017, UBND tỉnh đã đặt hàng Busadco thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Việc ứng dụng thành công cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển do ông Hoàng Ðức Thảo, Tổng giám đốc Công ty Busadco cùng các cộng sự nghiên cứu, sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, công nghệ kè bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển của Busadco đã được lắp ghép với tổng chiều dài hơn 12.700km tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và được đánh giá hiệu quả cao. Cùng với đó, nhiều sáng chế bảo vệ môi trường khác của ông cùng các cộng sự đã được ứng dụng rộng rãi. Có được thành công như vậy nhưng đến nay ở độ tuổi 62, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo vẫn luôn trăn trở với việc nghiên cứu, sáng chế sản phẩm mới. Việc gì càng khó thì ông càng hăng hái lao vào làm cho bằng được. Nước da của ông đen sạm bởi ông thích dầm mưa, dãi nắng nơi công trường hơn là ngồi bàn giấy. “Tôi sinh ra trong nghèo khó nên chịu khổ quen rồi, niềm vui của tôi là những sáng chế của mình được áp dụng vào cuộc sống, bảo vệ môi trường, giúp đất nước, con người Việt Nam ngày càng phát triển” - ông Thảo bày tỏ.
Các thành tích mà ông Hoàng Đức Thảo đã đạt được: Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Huân chương lao động hạng: Nhất, Nhì, Ba và 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích khoa học và công nghệ. Các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016; 8 giải của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), 2 giải Sáng chế quốc gia, 1 giải Nhất Nhân tài Đất Việt về sáng tạo khoa học và công nghệ.
 |
Ông Hoàng Đức Thảo được Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới vinh danh là: “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” vào năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Các giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế: Giải thưởng xuất sắc toàn cầu của Tổ chức chất lượng châu Á - Thái Bình Dương; Giải đặc biệt của Tổ chức sáng tạo quốc tế tại Hàn quốc; 4 giải của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và 15 giải vàng, bạc quốc tế khác về sáng tạo khoa học và công nghệ. Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận ông là: “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” vào năm 2020. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKing) xác nhận kỷ lục: “Tác giả có nhiều bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam” xác lập năm 2020...
|
Bài, ảnh: LA DUY