“Người Cao Lan chúng tôi theo con đường của Bác

Tình thương của Bác dành cho nước cho dân

Người Cao Lan rất biết ơn Đảng và Bác Hồ

Đã cho nước nhà độc lập, tự do”.

Tiếng Sình ca ngân nga đã vang vọng khắp bản làng Mãn Hóa, dưới nếp nhà đơn sơ, bên bếp lửa ấm và tình người nồng hậu đã khiến chúng tôi xao xuyến và tìm về nhà Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Sầm Văn Dừn, sinh năm 1946, dân tộc Cao Lan. Ông được ví như “báu vật sống giữa đại ngàn” của bản Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). “Cây cao bóng cả” ấy đang ngày ngày miệt mài nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa tinh hoa văn hóa dân tộc Cao Lan vào đời sống xã hội, nhất là trong việc bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của người Cao Lan. 

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, dân tộc Cao Lan (nhóm Sán Chay) là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã sang tuổi 77, ông Dừn vẫn miệt mài nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa tinh hoa văn hóa dân tộc Cao Lan vào đời sống xã hội. 

Từ thất bại truyền lửa cho con trai

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống về bản sắc văn hóa, lớn lên trong cái nôi của di sản dân tộc, có cha là cụ Sầm Văn nên ngay từ khi 10 tuổi, ông Dừn đã học và thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát Sình ca của người Cao Lan. 

Là một người có tri thức, ông ý thức được Sình ca là trí tuệ, là tài sản vô giá của dân tộc mình nên đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, ghi lại các câu hát Sình ca vào sách để truyền lại cho đời sau. Không chỉ vậy, hát Sình ca còn là để dạy và học chữ Cao Lan.

“Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi dân tộc, tộc người. Mất tiếng mẹ đẻ cũng tương tự với nguy cơ mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa của dân tộc đó mà Sình ca đã bao hàm tất cả những điều này”, NNND Sầm Văn Dừn nhấn mạnh. 

Theo NNND Sầm Văn Dừn, Sình ca là một nét văn hóa truyền thống của người Cao Lan, thanh niên nam nữ ngày xưa thường hay hát Sình ca thâu đêm, câu hát gắn kết người với người, là sợi dây tơ kết duyên nên bao mối tình đẹp giữa núi rừng Đông Bắc. 

NNND Sầm Văn Dừn tâm sự: “Sình ca chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, bài học răn dạy con người tránh xa điều xấu, làm nhiều điều tốt hướng đến chân-thiện-mỹ. Chúng ta cần lưu giữ và truyền dạy để lớn điệu Sình ca còn mãi đến đời sau. Người già trong bản cần phải dạy lại cho lớp trẻ biết quý trọng văn hóa Sình ca, bảo tồn được “hồn cốt” của dân tộc mình nếu không sẽ bị mai một”.

leftcenterrightdel
Đam mê với làn điệu dân tộc, muốn phát huy bản sắc dân tộc nhưng đó có những lúc ông tưởng chừng mình phải bỏ cuộc bởi ngay đến những người thân yêu nhất của ông cũng ngăn cản và không muốn nối tiếp con đường ông chọn. 

NNND Sầm Văn Dừn lại trầm tư: “Có thời điểm cả bản chẳng ai biết hát Sình ca, ngoài người có tuổi ở bản Mãn Hóa thì chẳng có đến được một người trẻ biết hát, Sình ca chỉ còn là ký ức, thậm chí chính con trai của tôi cũng vậy”. Ông đã dạy con trai mình là anh Sầm Văn Đạo rằng: “Chúng ta phải lưu truyền Sình ca cho lớp trẻ, không chỉ các con, mà còn phải là các thế hệ sau nữa của bản Mãn Hóa, của đồng bào Cao Lan”. 

“Con không thích, con ghét Sình ca, con ghét bố”, lời nói của anh Đạo khi ấy đã làm trái tim của người cha, của người nghệ nhân già xót xa. Ngày nào hai bố con cũng to tiếng, nói đến đây khóe mắt của ông Dừn cay cay, cứ mỗi lần nhắc lại ông cũng nghẹn ngào: “Đến con ruột mình cũng không thể truyền được niềm đam mê hát Sình ca, phải chăng tôi đã thất bại? Vậy thì làm sao tôi truyền được làn điệu Sình ca cho người khác trong bản, trong đồng bào Cao Lan. Nhà nước phong tặng cho tôi danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân cho mình để làm gì bây giờ? Nghệ nhân mà không lưu truyền được bản sắc văn hóa, không giữ được cái hồn của dân tộc, cứ mặc cho nó mai một hay sao?”. 

…đến khi Sình ca được ngân nga, vang mãi

77 năm tuổi đời, 33 năm tuổi Đảng, đã đi gần hết cuộc đời nếm trải đủ ý nghĩa nhân sinh; là một người con dân tộc thiểu số Cao Lan và gắn bó với quê hương cách mạng sâu sắc mới có được một Sầm Văn Dừn của ngày hôm nay.

“Dù có những lúc tôi tưởng mình đã thất bại, nhưng với đam mê cháy bỏng nên tôi cố gắng gìn giữ, lưu truyền làn điệu Sình ca được vang mãi đến muôn đời sau”, NNND Sầm Văn Dừn bộc bạch.

leftcenterrightdel
Hiện nay, ông Dừn đã sưu tầm và lưu giữ hơn 200 đầu sách cổ và 8 tập sách hát Sình ca của dân tộc mình.

Ông chia sẻ thêm: “Người dân tộc Cao Lan chúng tôi lớn lên trong tiếng hát ru của mẹ, của bà, trai gái tỏ tình bằng những câu hát Sình ca giao duyên… 

Ru con con ngủ cho say

Con ngủ đợi mẹ, trưa nay mẹ về

Chị đợi ở nhà trông em

Bố đi ra đồng bắt cá, bắt tôm

Mẹ đi lên rẫy, lên nương

Hái quả từ lúc còn xanh

Đem vào cum lúa cho nhanh chín hồng

Ru con, con ngủ cho say

Mai sau con lớn thành người tài ba…”.

Chẳng ai có thể biết Sình ca có từ bao giờ, chỉ biết đó là loại hình dân ca truyền thống của đồng bào Cao Lan được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khi đã biết hát và đem lòng yêu Sình ca thì con người sẽ biết kính trên, nhường dưới, sống chan hòa và yêu thương lẫn nhau. 

leftcenterrightdel
Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chắt lọc những gì tinh túy nhất của văn hóa dân tộc mình qua từng trang sách, từng lời ca cổ để truyền dạy cho lớp trẻ của bản Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. 

Suốt những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ, NNND Sầm Văn Dừn đã cố gắng hết mình bằng nhiệt huyết căng tràn, cháy hết mình với làn điệu Sình ca. Thời gian cứ thế trôi, lớp thanh niên như ông Dừn cũng trở thành ông, thành bà. Thế hệ con trẻ chỉ thích theo trào lưu mới, thích nghe nhạc điện tử, không mặn mà với ngôn ngữ dân tộc, không hiểu được ý nghĩa cao cả của từng lời Sình ca; không còn đam mê với những lời hát giao duyên đằm thắm nghĩa tình”, NNND Sầm Văn Dừn cho biết. 

“Ai sẽ là người tiếp tục hát lên làn điệu Sình ca? Dân tộc Cao Lan không có Sình ca sẽ ra sao? Cái “hồn” của dân tộc mất đi thì lớp trẻ còn gì để nói với dân tộc khác về niềm tự hào ấy?”, sự trăn trở ấy cứ theo ông Dừn từ ngày này qua ngày khác. 

Thế rồi, những đêm dài dằng dặc trong nỗi băn khoăn lo sợ của NNND Sầm Văn Dừn đã vơi đi và thay vào đó là những đêm hân hoan bên bếp lửa rừng rực cháy truyền lửa cho con trai. Ông chia sẻ: “Ngày đó, tôi đã quên một điều, lớp trẻ là lứa tuổi khó dạy theo cách ép buộc. Vì thế tôi chọn cách khéo léo, hát thường xuyên cho con nghe, kể những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, về con người, quê hương gắn với Sình ca; trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ tôi đều dẫn Đạo theo cùng”. 

Như một lẽ tự nhiên “mưa dầm thấm lâu” đã giúp anh Đạo đem lòng yêu mến Sình ca. Bởi tình yêu chính là khởi nguồn và tiếp nối hành trình bảo tồn, gìn giữ “hồn cốt” của dân tộc Cao Lan. Lúc ấy, ông Dừn mới thực sự truyền lửa đam mê cho con trai của mình. 

Khi đứng trước vòng xoay của cơ chế thị trường, “báu vật” của dân tộc Cao Lan dần bị mai một. Lo lắng cho "số phận" của Sình ca, ông Dừn cùng con trai (anh Sầm Văn Đạo) đã đi đến từng nhà vận động mọi người cho con em tham gia lớp học hát Sình ca do ông làm thầy giáo. Thành lập Câu lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa, đội văn nghệ do ông thành lập có hơn 120 thành viên thường xuyên duy trì sinh hoạt suốt hơn 30 năm qua và cũng trở thành niềm tự hào của đồng bào Cao Lan ở Tuyên Quang khi liên tục giành được những giải thưởng lớn tại các hội thi, hội diễn trong toàn quốc, vinh dự được phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước.

leftcenterrightdel
Câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã ngự trị trong trái tim biết bao con người, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan. 

Các giải thưởng Câu lạc bộ Gia đình văn hóa thôn Mãn Hóa có thể kể đến như: 2 Huy chương Vàng với tác phẩm “Khai đèn’’, “Tam thanh cầu lành” tại Liên hoan văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh Cao Bằng năm 2002; Huy Chương Bạc tiết mục "Múa hội cờ xuân" tại Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc ở Lạng Sơn; 1 giải A toàn quốc tác phẩm “Hát mừng cơm mới”, 1 kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 4 Bằng khen của tỉnh Tuyên Quang, 8 Giấy khen và 12 giấy chứng nhận các tiết mục đạt giải xuất sắc... Tất cả như đang tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để các thế hệ người dân Cao Lan tiếp tục nối bước ông Dừn truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cao Lan cho các thế hệ mai sau.

Đối với NNND Sầm Văn Dừn, phần thưởng quý giá nhất đối với ông chính là ngày ngày được nghe thấy tiếng Sình ca vang vọng cháy bỏng trong mỗi người con Cao Lan. Bản làng vẫn rộn ràng những lời hát âm thanh da diết của Sình ca, xua đi cái nghèo, xua đi hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội cũng theo đó giảm dần. Nhờ có Đảng chỉ lối, nhờ tấm gương của Bác soi đường, ông sẽ vẫn vững tâm, kiên định với lý tưởng của mình. 

Tại Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL ngày 13-10-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận hát Sình ca của người Cao Lan (Tuyên Quang) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận những tâm huyết và tài năng của rất nhiều nghệ sĩ dân gian Cao Lan trong sáng tạo, trau chuốt tiếng mẹ đẻ, trong việc gìn giữ nét đặc sắc, độc đáo làm nên văn hóa truyền thống Cao Lan, trong đó có NNND Sầm Văn Dừn. Ngôn từ trong Sình ca không chỉ là hình thức, là chất liệu nghệ thuật, mà còn bảo tồn hồn cốt Cao Lan trường tồn mãi với thời gian.

leftcenterrightdel
Ông Sầm Văn Dừn là Nghệ nhân Nhân dân được Nhà nước phong tặng năm 2019. 
leftcenterrightdel
Năm 2010, Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho ông Sầm Văn Dừn, Bí thư chi bộ thôn Tân Phú vì đã có nhiều thành tích trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Với những nỗ lực, cống hiến của mình, năm 2019 ông được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Nhân dân (Nghệ nhân Ưu tú năm 2015). Đặc biệt, ông 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các năm 2010 và năm 2017. Năm 2017, ông vinh dự về Thủ đô nhận Bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, ông được UBND tỉnh Tuyên Quang bình chọn là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của tỉnh.

Ông Hoàng Đại Phong, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Sơn Dương cho biết: “Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn huyện Sơn Dương luôn chú trọng phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian. Toàn huyện có 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và có hát Sình ca của dân tộc Cao Lan”.

Ở Tuyên Quang, dân tộc Cao Lan (hay còn gọi là Sán Chay) có dân số đông thứ 3 sau dân tộc Tày, Dao. Với khoảng hơn 60.000 người, chiếm 36% số người Cao Lan ở Việt Nam. Người Cao Lan cư trú tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. 

 

leftcenterrightdel

Già Dừn - "báu vật sống" của người Cao Lan ở Mãn Hóa đang ngày ngày gìn giữ văn hóa dân tộc truyền lại cho thế hệ sau. 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC