Trống sành cổ chính là biểu tượng văn hóa tâm linh và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan. Tuy nhiên, số lượng trống sành cổ đang bị mai một dần theo thời gian bởi sự vượt trội của nền kinh tế thị trường. Tiếp nối mạch nguồn của người Cao Lan, anh Sầm Văn Đạo (sinh năm 1983) đã trở thành đời thứ 3 trong “Tứ đại đồng đường” bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu và tái hiện giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cao Lan.

Trống sành cổ - biểu tượng văn hóa tâm linh của người Cao Lan

“Nằm trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), người Cao Lan (hay còn gọi là Sán Chay) thiên di rộng lớn trải dài khắp các bản làng từ vùng núi phía Bắc tới vùng trung du. Trong suốt quá trình hình thành dân tộc, tổ tiên của chúng tôi đã sáng tạo và bảo lưu những giá trị văn hóa đặc trưng, trong đó chiếc trống sành cổ gắn liền với nghi lễ tâm linh được xem là biểu tượng văn hóa độc đáo nhất của cộng đồng người Cao Lan”, anh Sầm Văn Đạo cho hay.

 Trống sành cổ chính là biểu tượng văn hóa tâm linh và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (bố của anh Sầm Văn Đạo, người học ngôn ngữ, văn hóa Cao Lan từ năm 10 tuổi, đến nay đã 67 năm) cũng cho biết, từ khi người Cao Lan bắt đầu hình thành và nhận thức được yếu tố tâm linh thì trống sành cổ đã xuất hiện, trở thành vật không thể thiếu trong các lễ tế thời kỳ đó. Nguyên liệu làm trống chính là gốm sành, điều này phản ánh sự tiến bộ vượt bậc và niềm tự hào của dân tộc Cao Lan khi biết làm đồ mỹ nghệ bằng gốm.

Trống sành cổ của người Cao Lan có điểm tương đồng như Mã la của người Raglai (một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên). Nhạc cụ này luôn có sức mạnh của thần linh ngự trị, đều thể hiện sự linh thiêng trong sinh hoạt cộng đồng, được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát và đi kèm với múa.

Đã thuộc hàng “xưa nay hiếm”, trống sành cổ còn khác với những loại trống gỗ khác chính ở nguyên liệu tạo ra chúng, đó là đất nung. Anh Đạo cho biết: “Thân trống được làm từ đất nung, đất nung còn phải là đất mối, đất sét làm gốm từ trên núi. Loại đất này mịn không lẫn sỏi cát, khi làm nhuyễn như làm gạch thì mới làm được trống. Nhờ dựa vào nguyên liệu và kỹ thuật nung sẽ là một trong những cách phân biệt gốm – sành – sứ trong các dạng của đồ gốm. Cũng giống như gõ vào cái bát tiếng sẽ vang hơn vì được làm từ đất nung, cộng hưởng của sành sứ làm cho tiếng trong, vang vọng hơn”.

Anh Sầm Văn Đạo (sinh năm 1983) đã trở thành đời thứ 3 trong “Tứ đại đồng đường” bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu và tái hiện văn hóa trống sành cổ Cao Lan. 

Trống sành cổ chuẩn có thân dài chừng 40cm, đường kính mặt trống to 25cm, mặt trống nhỏ 16cm, hai đầu trống hình viên trụ, được thắt eo ở giữa. Tại điểm giữa thông eo của trống là một lỗ to bằng quả trứng gà. Mặt trống sành cổ được làm từ da kỳ đà hoặc da trăn. Xung quanh mặt trống tạo các móc sắt, dùng dây thừng nhỏ ngoắc vào đan chéo dọc thân trống, giúp hai mặt trống ốp vào thân trống sành luôn được căng. Đoạn dây thừng còn thừa quay ngang cuốn xung quanh phần thắt eo ở giữa tạo độ căng thêm cho hai mặt trống. Người ta không đánh trống bằng dùi gỗ thẳng mà dùng dùi tre cong hoặc tay nên khi nói đến trống sành cổ người ta hiểu đó là trống rất lạ, rất hấp dẫn khi biểu diễn tạo ra vẻ độc đáo riêng mà không phải dân tộc nào cũng có.

Điều đặc biệt được anh Đạo bật mí chính là chỉ có nam giới, làm thầy cúng mới được sử dụng trống sành. Anh chia sẻ: “Theo quan niệm của người Cao Lan, trống sành cổ chỉ có ở trong gia đình thầy cúng; chúng cũng có mặt trong hầu hết các nghi lễ quan trọng, góp phần tạo nên sự hấp dẫn, huyền ảo trong các nghi lễ. Khi thực hiện nghi lễ, thầy cúng ngồi để trống vào hai cổ chân rồi đánh. Mỗi hồi trống vang lên tượng trưng như lời mời gọi các đấng thần linh xuống mừng vui cùng bản làng”.

Trong các lễ tế trang trọng của người Cao Lan, thời khắc ông chủ lễ, người đánh trống sành vang lên cũng là lúc lời ca, tiếng hát và điệu nhảy được phối hợp nhịp nhàng cùng nhau. “Người Cao Lan đều là những người nông dân, những diễn viên nghiệp dư nên nếu không có nhịp điệu tiết tấu họ không thể nhảy được. Do đó, trống sành cổ vừa là biểu tượng tâm linh, vừa là nhạc cụ tạo tiết tấu”, anh Đạo kể.

Khác với thân trống làm bằng gỗ, thân trống sành được làm từ đất nung. Thân trống thường có chiều dài khoảng 40cm, đường kính mặt trống to 25cm, mặt trống nhỏ 16cm, độ dày vỏ trống 5-8 mm. 

Trống sành bước ra không gian tâm linh

Trong không gian yên bình của miền sơn cước, thanh âm của tiếng trống sành đã đánh thức cả bản Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), tạo nên bản giao hưởng hào hùng linh thiêng giữa núi rừng. “Tiếng trống sành cất lên tựa như âm thanh của quá khứ gợi lại những ký ức về một thuở sơ khai tạo dựng bản, làng của người Cao Lan”, anh Đạo nhấn mạnh.

Không chỉ được sử dụng trong các nghi lễ tâm linh, trống sành cổ còn được người Cao Lan sử dụng để đệm cho các bài múa. Nhịp trống sành, linh thiêng, hào hùng hòa cùng những điệu múa truyền thống của người Cao Lan tạo không khí tưng bừng, rộn ràng khắp bản làng.

Mặt trống sành không làm bằng da trâu mà là da kỳ đà hoặc da trăn. Tốt nhất vẫn là da kỳ đà. 

Vừa nói, anh Đạo dùng dây buộc 2 đầu trống treo vào cổ ngang bụng vừa đánh, anh chỉ dẫn: “Vừa có vai trò là nhạc cụ đệm cho điệu múa, trống sành cổ còn điều khiển, dẫn nhịp điệu cho người múa. Khi tiếng trống đánh nhịp 3-2-4, tắc- tắc-xình thì người múa hòa theo từng nhịp tạo nên bản hòa ca độc đáo của người Cao Lan. Lúc người đánh trống gõ bên tắc thì người múa nhấc chân lên, theo nguyên tắc ấy mà người đánh trống và người múa ăn ý theo từng nhịp”.

Ngày trước, tiếng trống sành cổ chỉ được cất lên trong những dịp lễ trọng đại của bản làng, giờ đây trống sành cổ dần trở nên gần gũi với người Cao Lan. Bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, trống sành được sử dụng như một nhạc cụ biểu diễn trên sân khấu, đưa tiếng trống tới gần hơn với đời sống hàng ngày của người dân Cao Lan.

Giọng anh Đạo bỗng trầm xuống, anh nói: “Khoảng vài chục năm trước mỗi khi bản làng có việc chẳng lành thì tiếng trống sành cổ mới được vang lên chứ không ai dám tự tiện đem trống sành cổ ra đánh như bây giờ. Ngày nay, tiếng trống là lời chào đối với các vị khách phương xa đến với Mãn Hóa, là tín hiệu của chuyện vui, chuyện mừng của dân bản Cao Lan và được dùng cho cả biểu diễn sân khấu lớn nữa rồi”.

Từ không gian tâm linh nay đã được chuyển sang nghệ thuật trình diễn sân khấu, thậm chí là trong cuộc sống thường nhật đã cho thấy việc người Cao Lan ứng dụng nó trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng là điều nên làm và phát huy, góp phần bảo tồn chúng trước sự mai một của thời gian. 

Trống sành còn được đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”.

“Bảo tồn tốt trống sành cổ tức là chúng ta gìn giữ được âm sắc độc đáo của nhạc cụ dân tộc bằng đất nung mà chỉ có người Cao Lan mới có và đồng thời truyền lại được nét đẹp văn hóa sinh hoạt nghi lễ của dân tộc này cho thế hệ sau", anh Đạo nhấn mạnh.

Ông Khuất Trần Trung, cán bộ phòng văn hóa Thị trấn Sơn Dương cho biết: “Theo suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, văn hóa tín ngưỡng tâm linh từ trống sành cổ đã bám rễ, ăn sâu vào đời sống của người Cao Lan. Chính sự linh thiêng vốn có của trống sành nên người Cao Lan rất trân trọng và gìn giữ. Với họ, trống sành không chỉ là nhạc cụ dân tộc mà còn là biểu tượng văn hóa, là linh hồn của dân tộc Cao Lan. Góp phần đa dạng sắc màu, sinh hoạt nghi lễ trong văn hóa 54 anh em dân tộc”.

Được kết tinh từ đất mẹ và bàn tay con người, gói trọn những gì thiêng liêng của cội nguồn, trống sành cổ vẫn mãi tỏa sáng như một nét văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Cao Lan. Từ một nhạc cụ thông thường, tiếng trống đã trở thành sợi dây lịch sử nối liền mạch nguồn của quá khứ với hiện tại. Có thể nói, văn hóa người Cao Lan là một bộ phận quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Đó chính là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.

Trống sành cổ sẽ mãi tỏa sáng như một nét văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Cao Lan.  
Theo tài liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, 16/26 dân tộc có bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số bị mai một hoặc biến đổi nhanh chóng. Trong đó, dân tộc Cao Lan thống kê có 42 di sản, 18 di sản đang bị mai một.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC