Bệnh lý đột quỵ não vô cùng nguy hiểm, quy định “giờ vàng” để có thể cứu sống bệnh nhân. Với mục tiêu càng nhanh càng tốt, tiết kiệm mỗi phút sẽ làm giảm nguy cơ chết của 1,9 triệu neuron thần kinh, các y, bác sĩ tại Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y) đã có nhiều đóng góp để cải thiện quy trình điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp, mang lại cơ hội cứu sống và giảm tỷ lệ tàn phế cho bệnh nhân.

Tranh thủ "giờ vàng", tận tình cứu chữa

 “Bà Thoa ơi, chân trái của bà còn sưng không? Bà giơ cả hai chân lên cháu kiểm tra nào". "Ông Sủng ơi, tay giơ cao được như thế này thì sắp ra được viện rồi. Mắt phải còn hơi lác, ra viện về nhà sẽ đỡ dần ông nhé! Mà có lấy thêm vợ đâu nên cũng không lo xấu trai, ông nhỉ?”.

Đó là những câu hỏi thăm ân cần, vui đùa để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bớt lo lắng của Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Minh Đức, công tác tại Khoa Đột quỵ. Đi cùng bác sĩ Đức thăm khám các buồng bệnh, nơi có hàng chục bệnh nhân đang nằm điều trị, chúng tôi thấy bác sĩ không cần nhìn bệnh án mà vẫn nhớ tên bệnh nhân, tình trạng bệnh của từng người. Bác sĩ Đặng Minh Đức cho biết, “thời gian vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ là 4-5 giờ đồng hồ đối với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết và 6 giờ đồng hồ đối với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Thời gian này được tính từ khi bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, không nhiều bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong “thời gian vàng”.

leftcenterrightdel
Bên cạnh việc thăm khám, điều trị, các bác sĩ trong Khoa Đột quỵ luôn động viên bệnh nhân mạnh mẽ và nỗ lực để hồi phục.  

Chính vì vậy, công việc của các bác sĩ là càng phải nhanh chóng, khẩn trương hơn. Bất kể là nửa đêm, lễ, tết, dù đang ở đâu, nếu bệnh viện có ca bệnh cần cấp cứu, các bác sĩ đều không nề hà, sẵn sàng đến bệnh viện cùng đồng nghiệp cứu người sớm nhất. “Chiều Ba mươi Tết Nhâm Dần 2022, tôi vừa về đến nhà ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thì nhận được thông báo có bệnh nhân vào viện trong tình trạng tắc mạch máu não cấp tính ở giờ thứ 2 đã hôn mê, suy hô hấp và có chỉ định can thiệp mạch máu. Lúc đó, lực lượng y, bác sĩ trong khoa phần lớn tập trung đi chống dịch Covid-19. Vì thế, dù vừa về đến nhà, tôi vẫn quyết định huy động anh em quay trở lại viện để thực hiện mổ cấp cứu. Rất may, sau khi mổ 30 phút, bệnh nhân đã hồi phục, tỉnh táo, có thể nói chuyện. Việc tôi quyết định không chọn ở bên gia đình vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới đã có những kết quả tốt đẹp. Tôi chỉ nghĩ nếu mình không quay lại, bệnh nhân phải chuyển đi một bệnh viện khác, thời gian và cơ hội sẽ không còn nhiều, lương y của tôi không cho phép mình có lựa chọn khác”, bác sĩ Đức tâm sự.

Sau khi bình phục ra viện, Thiếu tá Đặng Nhật Minh, sinh năm 1985, công tác tại Cục Bảo vệ An ninh Quân đội vẫn thường xuyên gửi video cập nhật tình hình với các bác sĩ trong khoa. Mở điện thoại cho chúng tôi xem video đồng chí Minh đã có thể làm việc bình thường, chơi thể thao nhẹ nhàng sau 2 tháng ra viện, Thượng tá, Tiến sĩ Đặng Phúc Đức, Phó chủ nhiệm Khoa Đột quỵ chia sẻ: “Trường hợp đồng chí Minh cũng là một trong những bệnh nhân được cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng”, được điều trị can thiệp bằng các biện pháp liên hoàn, hồi phục tốt. Khi tiếp nhận, bệnh nhân Minh đã bị rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người bên phải. Sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết, cho bệnh nhân đi kiểm tra lại phát hiện mạch cảnh bị tắc hoàn toàn, tiên lượng tử vong cao, bệnh nhân có sống sót sẽ để lại di chứng nặng nề. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Đây là thủ thuật nguy hiểm, đòi hỏi phải có cam kết của người nhà vì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng không tỉnh táo. Gia đình đồng chí Minh ở xa, không lên kịp để ký giấy tờ, chúng tôi đã gọi điện cho gia đình đồng chí Minh, ghi âm lại lời của gia đình đồng ý can thiệp để có thể tiến hành cứu chữa kịp thời. Sau khi can thiệp nội mạch, mạch được tái thông hoàn toàn, sau một tuần, bệnh nhân được ra viện, tình trạng tỉnh táo, ý thức tư duy bình thường, chân tay vận động tốt”.

Quay trở lại cuộc sống bình thường, Thiếu tá Đặng Nhật Minh vẫn chưa dám tin mình có thể vượt qua bệnh tật. “Khi nhập viện, thủ tục của tôi có vướng mắc do gia đình ở xa, nhưng để có thể kịp thời cứu chữa, các bác sĩ đã linh động xử lý. Những ngày điều trị ở bệnh viện, các bác sĩ trong khoa luôn động viên khiến tôi mạnh mẽ và nỗ lực hơn để có thể bình phục hoàn toàn”, đồng chí Đặng Nhật Minh chia sẻ. Đó là hai trong nhiều bệnh nhân bị đột quỵ não được cứu sống nhờ đội ngũ y, bác sĩ tận tụy. Để làm được điều này có sự đóng góp không nhỏ của Đại tá, PGS, TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ để cải thiện quy trình, rút ngắn thời gian điều trị.

 “Hành lang trống” để cơ hội sống cao hơn

Sau nhiều lần liên hệ, đặt lịch tôi mới gặp được Đại tá, PGS, TS Phạm Đình Đài vào lúc 10 giờ sáng. Tuy nhiên, khi tôi đến, được mọi người thông báo bác sĩ Đài đang đi cấp cứu một ca bệnh nghiêm trọng. Tôi ngồi chờ bác sĩ Đài đến 12 giờ 30 phút trưa. Dù mệt mỏi vì ca cấp cứu nhưng vừa thấy tôi, bác sĩ Đài đã niềm nở nói: "Cô phóng viên thông cảm cho tôi nhé, bệnh nhân đến lúc nào thì mình phải cấp cứu ngay nên để bạn chờ lâu rồi". Nhâm nhi chén trà ấm nóng, bác sĩ Đài giãi bày: "Bản thân tôi thì không có gì để viết đâu nhà báo. Thành quả mà Khoa Đột quỵ có được là nhờ sự nỗ lực, tận tâm của các y, bác sĩ trong khoa chứ không của riêng cá nhân nào. Điều trị bệnh nhân đột quỵ nhiều vất vả, căng thẳng, áp lực nhưng cũng đem đến những cảm giác hạnh phúc. Có bệnh nhân vào viện liệt người, ú ớ, sau khi bác sĩ xử trí kịp thời, người bệnh đã hồi phục, đi lại vững vàng nên chúng tôi rất tâm huyết với công việc này".

Một trong những mô hình hay do bác sĩ Phạm Đình Đài đóng góp, đó là mô hình “hành lang trống” để khắc phục các rào cản hành chính, giảm thời gian chờ, rút ngắn thời gian chuẩn bị. Để làm được việc này, Khoa Đột quỵ xin phê duyệt của Ban giám đốc về thủ tục hành chính để có thể cấp cứu người bệnh trước, trả thủ tục sau, bảo đảm theo đúng nguyên tắc của quy định hiện hành. Nếu bệnh nhân vào thẳng Khoa Đột quỵ sẽ được xét nghiệm cấp cứu, chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng chụp cắt lớp vi tính, chuẩn bị, điều trị tại phòng chụp cắt lớp vi tính. Nếu tắc mạch lớn chuyển lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ngay lập tức. Nếu bệnh nhân chuyển tuyến, tuyến trước đã đủ xét nghiệm, kết quả sẽ được chuyển online, bệnh nhân vào thẳng khoa. Nhờ có mô hình này, đã rất nhiều bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp chưa làm xong thủ tục hành chính, khoa đã tiếp nhận bệnh nhân xong.

PGS, TS Phạm Đình Đài cho biết: “Từ năm 2019, Bệnh viện Quân y 103 đã áp dụng mô hình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, liên kết tuyến với các bệnh viện trong khu vực và chuyển tuyến bằng hình thức online. Phương pháp tiến hành là hội chẩn online qua từng trường hợp. Chúng tôi đã lập nhóm Zalo có khoảng 150 bác sĩ chuyên ngành thần kinh, khi gặp trường hợp khó có thể hội chẩn online hoặc khi ca nặng chuyển tuyến, các bác sĩ tuyến dưới chuyển hình ảnh, hồ sơ bệnh án trước để các bác sĩ tuyến trên nắm được tình trạng và đón bệnh nhân từ cổng bệnh viện vào phòng xử lý can thiệp ngay. Việc liên kết tuyến và thành lập nhóm các bác sĩ đã giúp quy trình điều trị được thực hiện nhanh hơn, tránh bỏ sót những bệnh nhân khó chẩn đoán, giảm thời gian chờ đợi các xét nghiệm, tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận điều trị cấp, tăng số lượng bệnh nhân phục hồi. Nhờ kết hợp nhiều biện pháp liên hoàn, thời gian bệnh nhân được tiêm thuốc tái thông mạch trung bình của Khoa Đột quỵ là 20 phút từ khi bệnh nhân cấp cứu vào khoa (thời gian quy định cần đạt là 60 phút) và còn giúp cho việc đào tạo, hỗ trợ các bác sĩ để nâng cao trình độ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong điều trị”.

Không chỉ tập trung nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các y, bác sĩ Khoa Đột quỵ còn luôn giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như ngày 5-5-2020, Khoa Đột quỵ tiếp nhận bệnh nhân Phạm Đức Xuân, sinh năm 1976, chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) trong tình trạng chảy máu dưới nhện do vỡ phình động mạch trước. Sau khi nghe tư vấn điều trị, anh trai của bệnh nhân đã bỏ đi và không quay lại. 30 phút sau, con trai bệnh nhân đến xin đưa bố về, gia đình không có tiền để can thiệp nội mạch. Cả gia tài chỉ có con trâu đáng giá nhất đã bán để đưa bố đi cấp cứu. Trong lúc nguy cấp cần can thiệp cấp cứu để giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm, bác sĩ Đài đã xin hỗ trợ gấp từ các mạnh thường quân với số tiền 75 triệu đồng để giúp bệnh nhân được thực hiện ca mổ ngay sau đó. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định, tự chủ sinh hoạt và có thể xuất viện.

Kết thúc cuộc trò chuyện, bác sĩ Đài bày tỏ: “Tôi luôn mong người dân có những hiểu biết đúng về bệnh lý đột quỵ để có thể cứu được những người không may mắc phải. Hiện Khoa Đột quỵ thường xuyên cung cấp kiến thức về bệnh lý đột quỵ. 2 lần/tuần, khoa tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho người nhà bệnh nhân để họ hiểu và tuyên truyền đến gia đình, bạn bè, hàng xóm. Trước đây, tỷ lệ bệnh nhân đến sớm chỉ chiếm khoảng 3-4%, tuy nhiên những năm gần đây, làm tốt công tác tuyên truyền nên tỷ lệ bệnh nhân đến sớm đã cao hơn nhiều”.

Trong năm 2022, Khoa đã tiếp nhận 1.500 bệnh nhân, đạt 101,8%, tỷ lệ tử vong và nặng xin về chỉ còn 5,51%, giảm 1,49% so với năm trước. Với những thành tích đạt được trong nhiều năm, năm 2020, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe và được Hội Đột quỵ thế giới vinh danh giải thưởng Bạch kim. Giải thưởng này là sự ghi nhận danh giá về chất lượng điều trị đột quỵ ở Việt Nam. Với tâm huyết của những người thầy giáo-bác sĩ quân y cùng sự đam mê trong nghiên cứu khoa học đã mang lại cơ hội được cứu sống và điều trị cho người bệnh ngày càng hiệu quả, xứng đáng với niềm tin người thầy thuốc giỏi đồng thời là người mẹ hiền.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG