Bắt kịp xu thế thời đại

Nhìn vào mô hình vườn-ao-chuồng mướt mát màu xanh của đủ các loại rau, cây ăn quả… của Hợp tác xã Sức sống xanh không ai nghĩ cả người chủ và nhân viên lại là những người khuyết tật. Dù phải ngồi xe lăn nhưng trên gương mặt của chị Lương Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã luôn tươi cười, rạng ngời trong nắng mùa Thu. Dẫn tôi ra trang trại, chị Nguyệt cho biết, bản thân bị liệt cả hai chân nên chị hiểu hơn ai hết cảm giác là gánh nặng của gia đình cũng như thái độ tự ti, ngại giao tiếp của những người khuyết tật. Bởi thế, chị tìm đến những người có hoàn cảnh giống mình rồi cùng nhau bàn bạc, tìm cách thức lao động, kinh doanh phù hợp với sức khỏe, khả năng của mình. Sau hai năm đi vào hoạt động, hiện Hợp tác xã là nơi sinh hoạt thường xuyên của 17 xã viên không chỉ của xã Tân Dân, của huyện Sóc Sơn mà đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Chị Nguyệt kể, sẵn có khu đất rộng 13.000m2, chị đã mở trang trại (có vườn và ao) và phân công công việc rất rõ ràng. Người khuyết tật nhẹ có thể trồng, chăm sóc các loại cây như mít, bưởi, đinh lăng... Còn người khuyết tật nặng (liệt hai chi hoặc tứ chi), đi lại khó khăn đảm nhận việc bán hàng qua mạng, tiêu thụ sản phẩm như: Tinh bột nghệ, mầm đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, tinh bột sắn dây...  của Hợp tác xã và của người khuyết tật ở các đơn vị khác. Cũng tại đây, với sự khéo léo và tính cần cù, những người thợ khuyết tật còn làm ra những bức tranh Phật đính đá phục vụ Phật tử đi lễ chùa…

Chị Lương Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sức sống xanh. 

Khi thấy tôi có vẻ hồ hởi với câu chuyện “làm giàu” của mình, chị Nguyệt dừng lời, khuôn mặt đăm chiêu: “Nhưng thời kỳ đầu thì vất vả vô cùng em à!”. Tôi bỗng sực tỉnh, đến người bình thường làm ăn kinh tế còn khó khăn huống chi người khuyết tật. Chị Nguyệt kể tiếp, ban đầu chị huy động vốn, cùng tận dụng mảnh vườn để nuôi cá và gà sau đó thuê người trông nom. Tuy nhiên, thời điểm đó chị mất trắng khi mà gà đến ngày bán thì bị dịch chết hết còn cá nuôi khi thu lên cũng chẳng thấy đâu… Không nản lòng trước thất bại, chính trong thời gian nằm trên giường bệnh, không biết làm gì ngoài việc truy cập internet nên chị nhận ra kinh doanh online là phương pháp phù hợp với sức khỏe của bản thân.

“Kinh doanh online là một xu thế của thời đại và nhất là với người khuyết tật hạn chế về đi lại thì đây là cách kiếm tiền vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên kinh doanh online là công việc không dễ, nó cần kỹ năng bài bản, chuyên nghiệp. Để tạo dựng lòng tin với khách hàng bên cạnh mặt hàng chất lượng thì khả kỹ năng bán hàng rất quan trọng. Nhận thấy điều đó, tôi đã theo học nhiều lớp nghiệp vụ về kỹ năng bán hàng qua mạng và truyền lại cho cho các bạn trong hệ thống bán hàng của tôi”, chị Nguyệt chia sẻ.

“Mái nhà chung” nghĩa tình

 Đúng như tên gọi cũng như thông điệp “Nơi yêu thương tìm về” của Hợp tác xã, vấn đề kinh tế cũng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất mà chị Nguyệt đặt ra. Với chị mục đích cao nhất, quan trọng nhất là phải xây dựng Hợp tác xã trở thành “Mái nhà chung” nghĩa tình. Nơi người khuyết tật cảm thấy đó là ngôi nhà của mình. Nơi khuyết tật thấy được bảo vệ, được có tiếng nói và có quyền lợi…

Là xã viên của Hợp tác xã đã hơn 1 năm, anh Hoàng Văn Tính (sinh năm 1985, quê ở Hòa Bình) cho biết, công việc ơ đây cho anh thu nhập mỗi tháng hai triệu đồng. Trước đây, khi ở quê, anh nhận chở hàng bằng xe ba bánh, tuy nhiên công việc nặng nhọc và không phải lúc nào cũng có. “Thông qua Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát Vọng (thuộc Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội), tôi biết Hợp tác xã Sức sống xanh và được chị Nguyệt gợi ý về làm việc tại đây. Công việc nhẹ nhàng, cho thu nhập như hiện tại là điều đáng mơ ước đối với người bị chấn thương cột sống, phải đi lại trên xe lăn như tôi. Thực lòng tôi rất biết ơn chị Nguyệt, nếu không có chị ấy thì cuộc đời tôi không biết sẽ thế nào”, anh Tính bày tỏ.

 Các thành viên của Hợp tác xã Sức sống xanh. 

Là nhân viên bán hàng online của Sức sống xanh, anh Trần Thanh Hà (sinh năm 1981, quê ở Vĩnh Phúc) cho hay, làm việc tại Hợp tác xã Sức sống xanh giúp anh có thêm nhiều mối quan hệ và nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của những người có cùng hoàn cảnh. “Đây là “mái nhà chung”, nơi mà mỗi xã viên chân tình coi nhau như người một nhà... Đó cũng chính là thông điệp “Nơi yêu thương tìm về” mà Hợp tác xã đặt ra. Tôi có cảm tưởng nơi này không chỉ để kiếm tiền mà còn là trao đi yêu thương, sự tử tế giữa con người với con người. Và nơi này, chúng tôi đã được học hỏi rất nhiều từ ý chí vươn lên không mệt mỏi của chị Nguyệt. Chị ấy là người không chịu khuất phục trước số phận, trước mọi khó khăn của cuộc sống”, anh Hà Nhấn mạnh.

Ghi nhận và đánh giá cao mô hình hoạt động của Sức sống xanh, chị Ngô Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) cho biết, đây là một Hợp tác xã đặc biệt khi cả Chủ nhiệm lẫn các xã viên đều là người khuyết tật, mọi công việc đều hướng tới quyền và lợi ích của người khuyết tật. Không chỉ lo chu đáo về nơi ăn chốn ở, Hợp tác xã còn dạy nghề, hướng nghiệp, giúp người khuyết tật không ngừng vươn lên. Điều này góp phần lan tỏa lối sống tốt đẹp trong cộng đồng.

Cho chiếc “cần câu”

Những tưởng có một Hợp tác xã Sức sống xanh ở thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) đã là cơ ngơi mơ ước với chị. Nhưng không, trong người phụ nữ có trái tim ấm áp lại mong muốn được giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn nữa nên gần đây chị đã chuyển trụ sở về quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch. Song song với công việc đã thực hiện, chị đã mở lớp đào tạo miễn phí toàn bộ khóa học cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nghề nuôi sống bản thân. Cụ thể đó là các lớp thiết kế đồ họa, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, làm sạch nội thất ô tô, làm hương (nhang), xoa bóp bấm huyệt, đả thông kinh lạc, thực hành dưỡng sinh kinh lạc thao.

“Các học viên theo học theo đây sẽ được bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt miễn phí tại trung tâm, đặc biệt sau khi tốt nghiệp khóa học các học viên sẽ được giới thiệu việc hoặc có thể làm việc trực tiếp tại trung tâm. Sở dĩ tôi chuyển hướng như vậy là vì khi tuổi càng lớn hơn thì tôi ý thức được rằng sức khỏe sẽ càng giảm sút, vì thế công việc đào tạo sẽ phù hợp với tôi hơn. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng trong cuộc sống này cần cho “cần câu” hơn là cho con cá ăn, bởi có cho “cần câu” thì những người khuyết tật, người khó khăn mới có thể tự mình khẳng định được mình một cách lâu dài, bền vững”, chị Nguyệt bộc bạch.

Càng nghe chị Nguyệt say sưa kể về những dự định thì tôi càng cảm nhận được tấm lòng nhân ái, bao la, có quyết tâm, ý chí, dám nghĩ, dám làm trong người phụ nữ nhỏ bé này. Chia tay chị mà đôi tai vẫn văng vẳng câu nói: “Tôi chỉ mong nơi đây sẽ là điểm hội ngộ của những người kiên cường biết vượt lên số phận, những người “tàn nhưng không phế”.

Bài và ảnh: DUY TRƯỜNG