Những việc làm nghĩa tình

Tôi gặp thầy giáo Trương Vĩnh Đặng tại khu vực phía nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) một ngày đầu tháng 10, khi anh đang trao quà hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê qua địa bàn TP Đà Nẵng.

Sau khi hoàn thành việc trao quà tặng người dân, thầy Đặng chia sẻ: “Những ngày qua, nhiều người dân đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy đi qua địa phận TP Đà Nẵng. Trước những khó khăn, vất vả khi phải cơ động hàng nghìn ki-lô-mét, tôi đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để hỗ trợ bà con đồ ăn nhanh, nước uống và tiền mặt...”.

Chỉ tính riêng trong gần một tuần đầu tháng 10-2021, từ các nguồn ủng hộ, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng đã hỗ trợ bà con các tỉnh phía Nam về quê trị giá hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, chứng kiến nhiều phương tiện của người dân về quê bị lạc đường, không đến được khu vực đèo Hải Vân, anh cùng với cha mình (ông Trương Văn Luân, sinh năm 1963) in gần 10 tấm biển hướng dẫn đường đi và treo tại các ngã ba, ngã tư trên các tuyến đường để hỗ trợ bà con.

Trò chuyện với anh, tôi được biết: Năm 2008, khi đang công tác tại Trường Tiểu học Tây Hồ, anh viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về tiếp tục làm giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Tây Hồ.

Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng trao suất ăn miễn phí tặng những người có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Bếp ăn 0 đồng” do Trường Tiểu học Tây Hồ tổ chức hằng tháng. 

Nhiều lần chứng kiến những cảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, anh suy nghĩ và đặt câu hỏi: Mình phải làm điều gì đó đối với những số phận này? Với suy nghĩ đó, từ năm 2010, Trương Vĩnh Đặng đã đóng góp, ủng hộ kinh phí cho các nhóm thiện nguyện trên địa bàn TP Đà Nẵng để thực hiện công tác hỗ trợ; trong đó chủ yếu là nhóm “Vòng tay yêu thương”, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2011, anh tình cờ gặp một bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng có tên là Hậu (quê ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị tai nạn giao thông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có kinh phí để điều trị. Lúc này, trong đầu anh nảy ra ý tưởng sẽ mang cây bonsai của mình ra bán đấu giá để giúp đỡ bệnh nhân.

Anh chọn một chậu bonsai đẹp nhất trong vườn, chụp ảnh và đăng lên trang Facebook cá nhân với nội dung: “Bán đấu giá gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo”. Trương Vĩnh Đặng nhớ lại: “Tôi không nghĩ chậu bonsai lại được cộng đồng mạng trả giá cao như vậy. Với số tiền đấu giá cùng khoản kinh phí vận động từ các nhà hảo tâm, người thân, bạn bè, tôi đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho người nhà bệnh nhân này để chi trả các khoản chi phí, điều trị. Đây là trường hợp khó khăn đầu tiên tôi trực tiếp đứng ra vận động, hỗ trợ kinh phí”.

Sau lần đó, anh tiếp tục bán đấu giá nhiều cây bonsai của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ nhiều bệnh nhân có kinh phí chữa trị, vượt qua bạo bệnh. Đến nay, hơn 1 năm trôi qua, nhưng anh vẫn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân nghèo ở Quảng Nam.

Đó là vào cuối tháng 8-2020, anh Pơ Loong Mil (sinh năm 1974, quê ở thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bị tai nạn chấn thương đầu, rách hốc mắt, suy gan thận, hai chân bị gãy, hôn mê sâu vào điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện C Đà Nẵng).

Sau hai tuần điều trị, chi phí gia đình phải chi trả gần 20 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn so với điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Chị Pơ Loong Mai (con gái bệnh nhân) đã rất xúc động và không cầm được nước mắt khi nhận 13 triệu đồng từ sự vận động của anh. Hay như mới đây, cuối tháng 5-2021, bệnh nhân Lê Hoàng Việt (sinh năm 1980) có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, phải lọc máu, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng).

Để giúp gia đình bệnh nhân chi trả viện phí, điều trị bệnh, anh đã kêu gọi, vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm được gần 15 triệu đồng.

Không chỉ giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng còn có nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ nhân dân các địa phương miền Trung bị thiệt hại do bão, lũ. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung vào tháng 10-2020, anh đã bán đấu giá cây bonsai của mình và cùng một người bạn vận động được hơn 450 triệu đồng từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ, tiếp tế hàng hóa, thực phẩm giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Lan tỏa nhiều mô hình yêu thương

- Làm thế nào để anh vừa làm tốt công việc chuyên môn ở trường, vừa tham gia hoạt động xã hội?-tôi hỏi.

- Tôi chủ động sắp xếp, cố gắng hoàn thành mọi công việc ở trường trong những ngày hành chính để dành những ngày cuối tuần cho hoạt động thiện nguyện-anh Trương Vĩnh Đặng chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, anh Đặng đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; duy trì nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện có sức lan tỏa trong cộng đồng, tiêu biểu như: Chương trình “Bữa ăn tối thứ 6 hằng tuần” được anh duy trì đều đặn hơn 2 năm nay.

Theo đó, vào tối thứ sáu hằng tuần, anh phối hợp với một người bạn nấu và phát miễn phí từ 150 đến 200 suất ăn (cơm, mì quảng) trao tặng người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng. Từ năm 2019 đến nay, anh đã vận động kinh phí tổ chức các “Phiên chợ 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, trao hàng nghìn suất quà, suất ăn miễn phí tặng những sinh viên ngoại tỉnh, hộ nghèo, người khuyết tật, người lao động thu nhập thấp... gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TP Đà Nẵng, anh cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ tại các bệnh viện, các khu cách ly, như: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả... Ngoài ra, anh còn tổ chức phát suất ăn miễn phí cho sinh viên tại các trường: Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Cao đẳng Thương mại; trao quà trung thu tặng các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn...

Đặc biệt, hơn 2 năm nay, mô hình “Bếp ăn 0 đồng” do anh đề xuất, khởi xướng tại Trường Tiểu học Tây Hồ được đông đảo giáo viên nhà trường ủng hộ, chung tay thực hiện. Anh cho biết: “Đây là trường đầu tiên tôi triển khai thực hiện mô hình này. Tôi mong rằng, mô hình này được nhân rộng trong nhiều trường học ở TP Đà Nẵng. Qua đó không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn lan tỏa bài học về lòng nhân ái, sự chia sẻ đến với học sinh”.

Nhận thấy ý nghĩa nhân văn từ mô hình “Bếp ăn 0 đồng” mang lại, Chi bộ và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tây Hồ đã chọn mô hình này để đăng ký thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nhà trường. Theo đó, mỗi tháng một lần, nhà trường tổ chức nấu và phát 200 suất ăn miễn phí giúp những người lao động nghèo. Kinh phí của chương trình do giáo viên, nhân viên nhà trường tự nguyện đóng góp. Hoạt động ý nghĩa này còn được nhiều phụ huynh học sinh đăng ký tham gia cùng nhà trường.

Cô giáo Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ nhận xét: “Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn có nhiều sáng tạo, tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội có ý nghĩa”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG